Lợi nhuận Văn Phú vượt 14% mục tiêu năm, rót tiền cho các dự án tại Thanh Hóa, Bắc Giang

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Văn Phú tăng 43% so với cùng kỳ nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp tại các dự án tăng. Tại thời điểm cuối năm 2022, công ty ghi nhận chi phí

Biên lợi nhuận gộp tăng, lợi nhuận năm vượt 14% chỉ tiêu

Theo báo cáo tài chính của CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán: VPI), quý IV/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 760 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ, trong đó, nguồn thu chính là chuyển nhượng bất động sản giảm 64%, đạt 702 tỷ đồng. 

Công ty cho biết, doanh thu trong quý chủ yếu ghi nhận từ một số sản phẩm thấp tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu biệt thự Hùng Sơn, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Các sản phẩm này có tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn so với các sản phẩm của dự án khác đã ghi nhận doanh thu trong quý IV/2021.

Song, do lượng bán ra thấp hơn, lãi sau thuế của công ty giảm 46% so với cùng kỳ, đạt 133 tỷ đồng. 

 KQKD năm 2022 của Văn Phú. (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp). 

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần đạt 2.155 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng, do đó, lãi sau thuế tăng 43% lên mức 491 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, cổ đông Văn Phú đã thông qua mục tiêu lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã vượt 14% mục tiêu năm. 

Dư nợ tài chính vượt vốn chủ sở hữu, rót vốn cho dự án mới tại Thanh Hóa, Bắc Giang

Dòng tiền thuần trong năm 2022 của Văn Phú âm gần 624 tỷ đồng, chủ yếu do công ty chi hàng nghìn tỷ đồng để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn, cũng như chi tiền cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác, dẫn đền dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm gần 2.334 tỷ đồng. 

Trong khi đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính đều dương với giá trị lần lượt là 756 tỷ đồng và 953 tỷ đồng. 

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong năm, công ty đã chi 1.081 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, ngược lại, thu 1.892 tỷ đồng từ đi vay. 

Tại thời điểm cuối năm 2022, dư nợ tài chính của công ty là 3.966 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm, tỷ lệ nợ tài chính/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ mức 0,93 hồi đầu năm lên mức 1,06. Phần lớn trong đó là các khoản vay ngân hàng Indovina, MBBank, Vietcombank, BIDV.

Ngoài ra, công ty cũng có 3 lô trái phiếu với dư nợ gần 665 tỷ đồng, trong đó, hai lô sẽ đáo hạn vào tháng 4 và tháng 7/2024, lô còn lại sẽ đáo hạn vào tháng 4/2025. 

 Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp. 

Tổng tài sản doanh nghiệp đạt gần 10.974 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. 

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là hàng tồn kho với giá trị 3.777 tỷ đồng, tăng 9,3%. Trong đó, 3.430 là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án bất động sản, hạ tầng.

Dự án ghi nhận chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang lớn nhất là dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, TP Thủ Đức, TP HCM (1.920 tỷ đồng). Văn Phú cho biết hiện đang làm việc với cơ quan có thẩm quyền để nhận bàn giao các khu đất để thanh toán giá trị hợp đồng BT, theo hợp đồng với UBND TP HCM.

Công ty cũng ghi nhận thêm 1.169 tỷ đồng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại dự án The Terra Bắc Giang so với đầu năm.

Ngoài ra, Văn Phú cũng có gần 346 tỷ đồng tồn kho thanh phẩn của các dự án bất động sản hoàn thành, giảm gần 60% so với đầu năm, ghi nhận tại tại 4 dự án là Hùng Sơn - Thanh Hóa, dự án The Terra An Hưng, dự án Grandeur Palace Giảng Võ và dự án The Terra Hào Nam.

Trong đó, ngoài giá trị tồn kho 301 tỷ đồng được ghi nhận mới tại dự án Hùng Sơn - Thanh Hóa, giá trị tồn kho tại ba dự án còn lại đều giảm so với đầu năm. 

Khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2022 là 110,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với giá trị 13,2 tỷ đồng hồi đầu năm. 

Bên cạnh đó, công ty cũng ghi nhận mới chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại hai dự án Hoành Bồ - Quảng Ninh (16,4 tỷ đồng) và dự án Hùng Sơn - Thanh Hóa (188 tỷ đồng) và nâng chi phí tại các dự án Cồn Khương - Cần Thơ, Lộc Bình - Thừa Thiên Huế, Grandeur Palace - Mỹ Đình, qua đó nâng tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang lên 780 tỷ đồng, tăng 116% so với đầu năm. 

Mặt khác, Văn Phú ghi nhận thêm 533 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn từ dự án Hùng Sơn - Thanh Hóa và 41,8 tỷ đồng từ dự án Terra Bắc Giang, song, giảm giá trị từ dự án The Terra An Hưng. Do đó, khoản người mua trả tiền trước của Văn Phú tại thời điểm cuối năm 2022 giảm 6,2% so với đầu năm, đạt 584,5 tỷ đồng. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.