Bên trong một trang trại giống như pháo đài ở ngoại ô Bắc Kinh, hàng chục con lợn màu hồng và màu đen đang vô tư ăn rồi ngủ, bất chấp thời tiết mùa xuân lạnh giá của Trung Quốc. Đây là những con lợn thí nghiệm đã được củng cố một gen giúp chúng có thể điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể, tăng độ dày của lớp da, để có thể chống lại môi trường thời tiết khắc nghiệt.
Loại gen mà nhà nghiên cứu Jianguo đưa vào DNA của lợn là một trong số hàng chục ví dụ về kĩ thuật di truyền đang được tiến hành ở Trung Quốc, cũng như trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới để tạo ra một siêu lợn.
Trong nhiều năm, nhiệm vụ của các nhà khoa học chỉ là tạo ra giống lợn có thịt ngon hơn, mạnh hơn và phát triển tốt hơn. Nhưng giờ đây, trước bối cảnh dịch tả heo bùng phát trên toàn cầu, yêu cầu cấp thiết hiện tại là bảo vệ an ninh lương thực và giữ cho lợn con sống sót.
"Câu hỏi hóc búa nhất đối với các nhà khoa học, là làm thế nào để con lợn khoẻ mạnh hơn?"- Zhao, 45 tuổi người đứng đầu một nhóm 20 nhà nghiên cứu và kĩ thuật viên tại Viện Động vật học Trung Quốc ở Bắc Kinh, trăn trở.
Trung Quốc đổ tiền vào nghiên cứu siêu lợn. (Ảnh: SCMP).
Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở đó. Trong hàng chục phòng thí nghiệm trên cả nước, các nhà khoa học đang tìm kiếm những nghiên cứu mới, để phát triển các dòng cây lương thực và cây lấy sợi cao cấp. Một bộ phận các nhà khoa học khác thì lại đang tìm cách vượt qua những ranh giới của y học, bằng cách chỉnh sửa bộ gen người để sửa những đột biến gây bệnh hoặc điều trị HIV.
Đây là một cuộc chạy đua vũ trang công nghệ sinh học trước bối cảnh dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, và tài nguyên thiên nhiên không còn đủ để nuôi sống 1,4 tỉ dân nước này.
Giá thịt lợn tăng vọt khiến Chính phủ Trung Quốc kêu gọi các nhà khoa học sử dụng các biện pháp công nghệ nhiều hơn, để thúc đẩy sản xuất thịt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Trong vòng chưa đầy hai thập kỉ qua, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của quốc gia đông dân nhất trên thế giới đã có những bước tiến khổng lồ. Trung Quốc đã lần đầu vượt Mỹ để trở thành quốc gia chịu chi nhất trong lĩnh vực này vào năm 2017, với số tiền lên tới 445 tỉ USD.
Các công ty Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc mua lại các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm nước ngoài, với các bản thoả thuận trị giá 25,4 tỉ USD kể từ năm 2014. Trung Quốc hiện cũng là quốc gia sở hữu thị trường thuốc công nghệ sinh học ước tính trị giá 228 tỉ USD
Tuy nhiên, các quốc gia ở Mỹ và châu Âu có một lợi thế quan trọng mà đồng tiền của Trung Quốc không thể có được, đó là bí quyết giữ cho những con lợn khoẻ mạnh. Do đó, Trung Quốc cũng tìm cách gửi những nhà khoa học đầy triển vọng như Zhao ra nước ngoài để học tập, sau đó đưa họ về nước và trao cho họ những trang trại rộng lớn trên quy mô công nghệp.
Khuôn viên nơi nuôi những con lợn được chỉnh sửa gen của Zhao được bao quanh bởi 3 lớp trạm kiểm soát an ninh, và có thể chứa tới 4.000 con lợn. Zhao đã dành ba năm tại đại học Missouri trong phòng thí nghiệm do Giáo sư Randall Prather - một nhà di truyền học đầu ngành, hướng dẫn, để hoàn thiện các kĩ năng chỉnh sửa gen của mình.
Zhao tiết lộ ông đang sử dụng Crispr - một công cụ mạnh mẽ để chỉnh sửa bộ gen của động vật. Năm 2016, ông đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu sinh Trung Quốc lần đầu tiên chứng minh khả năng có thể sử dụng công nghệ Crispr để loại bỏ 3 gen ở lợn.
Các kĩ thuật biến đổi gen được áp dụng để tạo ra siêu lợn. (Ảnh: SCMP).
Năm sau đó, Zhao và các đồng nghiệp đã có thể làm cho lợn ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, bằng cách sử dụng Crispr để thêm một gen có tên khoa học là UCP1 - loại gen thường được tìm thấy ở hầu hết các loại động vật có vú, giúp chúng hình thành lớp mỡ nẫu sinh nhiệt.
Các nhà khoa học cho biết những con lợn bị biến đổi gen có lượng mỡ trắng ít hơn 5%, khiến thịt của chúng ngon hơn.
Chỉ tính riêng trên lợn, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thực hiện thành công 40 bước chỉnh sửa gen khác nhau với Crispr. Tuy nhiên, để nhân rộng các giống vật nuôi được chỉnh sửa gen, sẽ cần mất rất nhiều thời gian, cũng như đối mặt với những thủ tục pháp lí rườm rà.
"Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể tận dụng công nghệ này, bởi nó sẽ mang lại những lợi ích kinh tế rõ rệt, tăng năng suất với khối lượng lớn", Zhao nói.
Phương pháp Crispr được sử dụng để tạo siêu lợn. (Ảnh: Bloomberg).
Cách Bắc Kinh năm nghìn dặm về phía bên kia đại dương, tại viện Roslin Scotland, các nhà khoa học đã làm việc trên động vật biến đổi gen trong suốt hai thập kỉ qua. Lillico và các cộng sự đã công bố những phát kiến vào năm 2016, rằng có thể cho ra một giống lợn chống lại dịch tả heo châu Phi.
Công việc được thực hiện bằng cách điều chỉnh một gen có tên RELA trong những con lợn được nuôi ở trang trại.
Hoàn toàn không có cách chống lại dịch tả heo bằng điều trị hay vắc-xin. Các nhà khoa học chỉ có cách tạo ra một giống lợn mới, có đầy đủ những yếu tố di truyền tự nhiên, để chống lại virus này.
Trước đó, vào năm 2006, dịch bệnh tai xanh đã giết chết 400.000 con lợn ở Trung Quốc. Vào năm 2015, các nhà khoa học nước này phát hiện bằng cách chỉnh sửa gen tạo ra protein CD163, họ có thể cho ra những con lợn kháng virus.
Đây là một thay đổi lớn lao đối với ngành công nghiệp thịt lợn ở Trung Quốc, thị trường trị giá khoảng 118 tỉ USD mỗi năm, chiếm khoảng 1/2 nhu cầu thịt toàn cầu. Trong khi động thực vật biến đổi gen vẫn chưa được phép bán ở Trung Quốc, Genus PLc - một trong những công ty nghiên cứu di truyền vật nuôi lớn nhất thế giới, lại tỏ ra lạc quan và cho rằng những rào cản cuối cùng sẽ được dỡ bỏ.
Kinh doanh 05:00 | 30/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 29/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 28/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 27/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 26/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 25/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 24/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 23/08/2024