Giá thịt heo đã tăng gần 159% trong tháng 10 so với cùng kì năm trước, cao hơn gấp đôi mức tăng giá bán lẻ. Mức tăng phi mã này đánh thẳng vào việc bán buôn của các nhà hàng, cửa hiệu thịt và các cửa hàng bán lẻ thực phẩm khác.
Quách Đan Đàn, một chuyên gia tư vấn của Sublime China Information, cho biết: "Chúng tôi không biết rằng dịch tả heo châu Phi sẽ gây ra bao nhiêu thiệt hại cho nền kinh tế nữa. Nhưng nó cứ trở nên tồi tệ hơn".
Giá thịt heo đang tăng gấp gần chục lần so với các nguồn đạm động vật khác. (Đồ họa: Finance Times).
Dịch tả heo châu Phi là nguyên nhân làm Trung Quốc giảm hơn 1/3 đàn heo trong năm qua. Kể từ tháng 6 giá thịt heo đã tăng mạnh, buộc người tiêu dùng phải di chuyển sang các loại thịt khác. Người tiêu dùng kéo nhau chuyển qua các loại thịt và nguồn protein khác, bao gồm thịt bò, thịt gà và trứng.
Tác động của dịch tả heo châu Phi còn bắt đầu tấn công toàn bộ nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua, 6%.
Giá bán sỉ gà trung bình ở các thành phố lớn đã tăng hơn 33% trong tháng 10 so với một năm trước. Con số này đối với thịt bò là gần 17%, theo Bộ Nông nghiệp. Tuy nhiên, giá bán lẻ thịt gà chỉ tăng khoảng 18% và thịt bò 12%, buộc các nhà hàng và các cửa hàng khác phải chịu lỗ.
Thôi Nhị Nam, một nhà phân tích tại Dragonomics, cho biết: "Nhu cầu thay thế thịt heo đã vượt xa nguồn cung. Điều đó làm tăng giá của các loại thịt khác". Khoảng cách ngày càng tăng giữa giá bán sỉ và bán lẻ, là do chủ sở hữu của các doanh nghiệp liên quan đến thịt, từ nhà hàng đến nhà chế biến thực phẩm, nói rằng họ đang gặp khó khăn trong việc tăng chi phí cho người tiêu dùng.
Một quản lí tại Subway, chuỗi nhà hàng bánh sandwich ở Bắc Kinh cho biết giá thịt tăng đã nâng chi phí đầu vào lên ít nhất 10%. Công ty hiện đang giữ giá, nhưng sẽ tăng giá nếu chi phí thịt tiếp tục tăng cao.
"Là một chuỗi nhà hàng quốc tế, chúng tôi kiểm soát chi phí tốt hơn. Nhưng nếu giá thịt tăng lên trên mức chấp nhận được, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá", quản lí cửa hàng này nói.
Các nhà hàng địa phương nhỏ hơn đang có một thời gian khó khăn. Tại một nhà hàng thịt nướng ngoại ô ở Bắc Kinh, David Trương, chủ sở hữu, cho biết ông không dám tăng giá vì sợ mất việc kinh doanh.
"Tôi đang làm ăn thua lỗ vì bán thịt kho tàu. Nhưng món đó nằm trên thực đơn và tôi phải phục vụ nó khi đơn hàng đến", ông Trương giải bày.
Ông ước tính rằng giá thịt tăng chót vót đã cắt giảm lợi nhuận của ông xuống 1/5.
Giá thịt heo bán lẻ được kìm hãm chủ yếu do các chủ nhà hàng, cửa hàng tự bỏ tiền túi ra chịu lỗ. (Đồ họa: Finance Times).
Chịu không nổi, các nhà hàng khác đã "cắn răng" mà tăng giá, nhưng mức tăng thường không đủ để chi trả cho việc tăng chi phí. Kỉ Tiểu Cơ, chủ một nhà hàng ở thành phố Quảng Châu, cho biết anh ta đã tính giá 26.000 đồng cho một bát súp thịt heo, tăng từ 23.000 đồng hai tháng trước. Mặc dù vậy, tỉ suất lợi nhuận của anh đã giảm từ 10.000 đồng xuống chỉ còn 3.000 đồng.
"Không có cách nào chúng tôi có thể trang trải chi phí bổ sung mà không mất khách hàng", ông trăn trở. Để ngăn chặn lợi nhuận trượt xa hơn, ông Kỉ đã giảm số lượng xương heo phục vụ trong mỗi bát súp từ 3 xuống còn 2.
"Chúng tôi cắt xén bớt những gì có thể", ông nói.
Một số doanh nghiệp đã cố gắng hình thành các cartel để tăng giá mạnh hơn. Đây là một thỏa thuận giữa các công ty cạnh tranh, để kiểm soát giá hoặc loại trừ các sản phẩm của một đối thủ cạnh tranh mới trong thị trường. Chính phủ Trung Quốc hiện không hài lòng với việc này.
Trong tháng này, chính quyền địa phương ở quận Thiên Khê đã kỉ luật 2 chủ nhà hàng phở bò, vì thông đồng với những người khác để tăng giá lên tới 70%.
"Không có hiệp hội nhà hàng hay cá nhân nào được phép tổ chức những người tham gia trong ngành để quy định giá cả với vị trí thống lĩnh thị trường của họ", Cục điều tiết thị trường Thiên Khê quán triệt.
Các chuỗi bán lẻ liên quan đến thịt heo đang vật lộn với câu hỏi: tăng giá rồi mất khách hay giữ giá rồi chịu lỗ. (Ảnh: Reuters).
Việc tăng giá thịt heo theo kế hoạch đã bị từ bỏ nhưng áp lực đối với các nhà bán lẻ thực phẩm của Trung Quốc đã không giảm bớt. Ông Trương, chủ nhà hàng thịt nướng ở Bắc Kinh, đang lên kế hoạch tăng giá 20% cho các món thịt của mình, nếu giá nhập sỉ thịt heo tăng cao hơn 98.500 đồng/kg so với mức 92.000 đồng ở hiện tại.
"Tôi không thể điều hành một doanh nghiệp thua lỗ. Tôi cần tăng giá, đó là việc sớm hay muộn thôi", ông Trương cho biết.
Kinh doanh 05:00 | 05/01/2022
Kinh doanh 05:00 | 14/11/2021
Kinh doanh 05:00 | 11/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 05/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 03/09/2021
Tiêu dùng 05:17 | 09/06/2020
Tiêu dùng 17:31 | 27/05/2020
Tiêu dùng 21:24 | 26/03/2020