Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông Vận tải, ngày 4/8, Bộ vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An trả lời kiến nghị cử tri về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Long An.
Theo đó, Bộ GTVT nhận được các kiến nghị của cử tri tỉnh Long An như kiến nghị Trung ương sớm bố trí nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng QL.62 đoạn từ nút giao với QL.1 đến cửa khẩu Bình Hiệp (tỉnh Long An) và dự án nâng cấp, mở rộng tuyến N1; tuyến N2 đoạn Đức Hòa (Long An) đến Mỹ An (Đồng Tháp).
Kiến nghị đầu tư mới tuyến đường song song với QL.62 hiện hành; đầu tư xây dựng 2 cầu, từ xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An qua xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp và cầu từ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An qua xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư đường Vành đai 4 kết nối khu vực ĐBSCL với miền Đông Nam Bộ, cũng như kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước.
Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm đàm phán, hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng 3 cầu trên tuyến ĐT.827E, nay là QL.50B (bao gồm cầu Cần Giuộc và 2 cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.
Về đầu tư QL.62 đoạn từ nút giao với QL.1 đến cửa khẩu Bình Hiệp, TX Kiến Tường, tỉnh Long An, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, QL.62 có điểm đầu giao với QL.50 tại Gò Công, điểm cuối tại cửa khẩu Bình Hiệp, chiều dài 114 km, quy mô quy hoạch cấp III, 2 - 4 làn xe.
Trong đó, đoạn từ Tân An đến giao với QL.50 đi trùng với tỉnh lộ ĐT.827, dài khoảng 37 km sẽ do địa phương đầu tư với quy mô tối thiểu cấp IV, 2 làn xe trước khi nâng lên thành quốc lộ; hiện trạng đoạn còn lại từ Tân An đến cửa khẩu Bình Hiệp dài khoảng 77 km có quy mô cấp III, IV, 2 làn xe.
Triển khai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp dự án trong danh mục các dự án dự kiến sử dụng khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu (DPO).
Đến nay, Bộ GTVT hiện đã hoàn chỉnh đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, 91B) tại ĐBSCL, sử dụng vốn vay WB gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong đó, QL.62 (đoạn Tân An - cửa khẩu Bình Hiệp) dài 76 km được nâng cấp, cải tạo đạt quy mô cấp III đồng bằng, 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 2.191 tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 4 năm (dự kiến từ năm 2024 - 2027). Sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ GTVT sẽ phối hợp với địa phương để triển khai thực hiện.
Về đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng tuyến N1 và tuyến N2 đoạn Đức Hòa (Long An) đến Mỹ An (Đồng Tháp), theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, tuyến N1 đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 100 km, quy mô quy hoạch đạt cấp III, IV, 2 - 4 làn xe.
Hiện trạng có quy mô cấp IV, V, 2 làn xe; tuyến N2 đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 77 km được quy hoạch thành đường Hồ Chí Minh và đi trùng với cao tốc Bắc - Nam phía Tây có quy mô quy hoạch 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Hiện trạng có quy mô cấp IV, 2 làn xe, đoạn còn lại từ An Hòa (Tây Ninh) đến Đức Hòa (Long An) chưa được đầu tư.
Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021 rất hạn hẹp, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ, nên chưa thể cân đối cho các dự án này.
Đối với tỉnh Long An, Chính phủ đã ưu tiên bố trí 11.196 tỷ đồng để đầu tư 3 dự án trên địa bàn tỉnh Long An, gồm dự án nâng cấp, cải tạo QL.62 (đoạn Tân An - cửa khẩu Bình Hiệp); Đường Vành đai 3 TP HCM và đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu đầu tư vào thời điểm thích hợp khi cân đối được nguồn vốn.
Về đầu tư mới đường song song với QL.62 hiện hành, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021, xây dựng trên cơ sở nhu cầu vận tải chung cho cả nước đáp ứng mục tiêu đến năm 2030, trong đó, trên địa bàn tỉnh Long An được quy hoạch 5 tuyến đường bộ cao tốc và 6 tuyến quốc lộ để đáp ứng mục tiêu nêu trên.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Long An nghiên cứu bổ sung tuyến đường mới song song với QL.62 hiện hành và cập nhật trong quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai.
Về đầu tư xây dựng 2 cầu, cầu từ xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An qua xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp và cầu từ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An qua xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Bộ GTVT cho rằng, việc đầu tư xây dựng 2 cầu này theo kiến nghị của cử tri là cần thiết nhằm tạo sự liên kết phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười giữa hai tỉnh Long An và Đồng Tháp kết nối đường tỉnh ĐT.844 (đường Võ Văn Kiệt) và hai bờ kênh Phước Xuyên thuộc huyện Tháp Mười, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp với đường tỉnh ĐT.837B huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.
Tuy nhiên, đây là các tuyến thuộc quản lý đầu tư của UBND tỉnh Long An và UBND tỉnh Đồng Tháp. Ngày 7/1, Sở Giao thông Vận tải Long An và Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp đã có biên bản làm việc, thống nhất báo cáo UBND tỉnh Long An và UBND tỉnh Đồng Tháp bổ sung 2 cầu này vào quy hoạch tỉnh và dự kiến đầu tư từ nguồn vốn kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương.
Trong đó, UBND tỉnh Long An đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Bửu - Trường Xuân và UBND tỉnh Đồng Tháp đầu tư xây dựng cầu Hòa Bình - Vĩnh Châu B. Vì vậy, Bộ đề nghị UBND tỉnh Long An và UBND tỉnh Đồng Tháp chủ động cân đối nguồn vốn của địa phương để triển khai thực hiện.
Về bố trí nguồn vốn đầu tư đường Vành đai 4 kết nối khu vực ĐBSCL với miền Đông Nam Bộ, cũng như kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, đường Vành đai 4 TP HCM đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 77 km có quy mô quy hoạch 8 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Hồi tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận thành phố Hồ Chí Minh), chiều dài khoảng 71 km.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Long An căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện, đồng thời trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Long An về nội dung nêu trên theo thẩm quyền. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
Về kiến nghị của cử tri về hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng 3 cầu trên tuyến ĐT.827E nay là QL.50B, bao gồm cầu Cần Giuộc và 2 cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, QL.50B đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 36 km có quy mô quy hoạch cấp III, 6 làn xe.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ tỉnh Long An, tuyến ĐT.827E đoạn qua địa phận tỉnh Long An đi trùng với QL.50B được quy hoạch với quy mô 6 - 8 làn xe.
Theo quy hoạch trên, các tuyến đường địa phương được quy hoạch thành quốc lộ trong quyết định này chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn quy mô đường cấp IV, 2 làn xe.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Long An căn cứ quy định nêu trên để triển khai đầu tư ĐT.827E và 3 cầu trên tuyến phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Long An đã được phê duyệt từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.