Sáng 10/11, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày với Quốc hội dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Theo Đại tướng, quá trình thực hiện Luật hơn 10 năm qua, bên cạnh các thành tựu quan trọng, đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, cụ thể ở bốn nhóm vấn đề cơ bản.
Trong đó, ông Ngô Xuân Lịch cho hay, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, an ninh phi truyền thống, sẽ được sử dụng là chủ yếu, ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh.
"Thế giới đã và đang có nhiều thay đổi khó lường về phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến... để tiến hành chiến tranh", Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Ảnh: Hữu Công |
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật bổ sung thêm nhiều nội dung mới. Cụ thể như, trong phần giải thích từ ngữ, dự thảo Luật định nghĩa chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là tất cả các quyền của Nhà nước đối với không gian mạng theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Chiến tranh thông tin cũng được đưa vào dự thảo Luật, như là các hoạt động, biện pháp để "bảo đảm an toàn hệ thống thông tin của ta và vô hiệu hóa, phá hủy hệ thống thông tin của các thế lực thù địch trong mọi tình huống".
Tại điều 8 về nền quốc phòng toàn dân, dự thảo Luật thêm quy định về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án, biện pháp phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Sáng 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).