'Lương tối thiểu của Việt Nam tăng quá nhanh'

Mức lương tối thiểu tăng quá nhanh trong khi đó năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước láng giềng, báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết.

Mức lương tối thiểu vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng, bên cạnh đó tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Đây là một trong những bất cập trong quá trình tăng lương ở Việt Nam được các chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cùng các chuyên gia kinh tế của Nhật Bản chỉ rõ tại Hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” diễn ra sáng 13/9.

nang suat lao dong thap nhung luong toi thieu cua viet nam tang qua nhanh
Mức lương tối thiểu của Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động. (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo của VEPR cho biết trong giai đoạn 2004 - 2015 năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4.4. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5.8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động. Theo tính toán từ bộ số liệu điều tra doanh nghiệp, trong giai đoạn 2004 - 2009, lương trung bình tăng chậm hơn năng suất lao động. Tuy nhiên từ năm 2009 tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động.

Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình nếu kéo dài sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích luỹ vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sứ cạnh tranh của nền kinh tế.

"Tăng lương tối thiểu một cách liên tục không liên quan gì đến năng suất lao động, điều này khác hoàn toàn với các nước trong khu vực. Các chuyên gia quốc tế và ngay cả bản thân người nghiên cứu chính sách như chúng tôi tự hỏi Việt Nam có quy luật nào để điều chỉnh lương tối thiểu? Việc tăng lương phải chăng chỉ để thỏa mãn người lao động và phần lớn quần chúng nhân dân, nhưng không tính đến những tác động tổng thể của nó đối với năng lực của nền kinh tế”,TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho biết.

Năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn mức chi phí tại Indonesia.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, giai đoạn 2007-2015, lương trung bình tại Việt Nam tăng 1,5 lần. Lương trung bình tăng nhanh đến năm 2010 nhưng chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2010-2014, phần nào phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Ông Thành cho biết, việc lương tối thiểu tăng cũng dẫn đến các phần chi trả cho các khoản bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo thời gian.

TS Futoshi Yamauchi, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Hoa Kỳ, đánh giá tăng lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Về góc độ kích thích đầu tư, khi tăng lương 1% sẽ khiến tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của DN giảm đi 2,3%.

Ngoài ra phân tích ở góc độ doanh nghiệp với trọng tâm là các doanh nghiệp tư nhân và FDI trong các ngành nghề chế biến, chế tạo đã chỉ ra rằng tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm trong các ngành công nghiệp. Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì cắt giảm việc làm nhiều hơn.

Về đầu tư máy móc, khi mức lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản xuất gỗ, thuỷ sản,.... sẽ đầu tư máy móc để giảm chi phí.

Từ đó VEPR kiến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Hội đồng tiền lương quốc gia nên có sự tham gia của các chuyên gia, có chuyên môn sâu về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động, có khả năng đánh tác động của mức lương tối thiểu đối với việc làm, thu nhập trước/sau khi điều chỉnh lương tối thiểu. Điều này khá phổ biến tại một số quốc gia trong khu vực, ví dụ như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia…

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.