Chợ nổi là một trong những hình thức buôn bán nổi bật của người dân miền Tây. Không chỉ là nơi kiếm "miếng cơm manh áo" của người dân mà đây còn là nét một đẹp văn hóa, là điểm đến hấp dẫn du khách.
Có tiếng nhất nhì ở miệt sông nước đồng bằng sông Cửu Long, chợ nổi Cái Răng nằm trên một nhánh sông Hậu (Cần Thơ) là một trong ba chợ nổi lớn nhất trong khu vực. Thương lái tụ tập từ sớm, trên những chiếc xuồng, ghe, tắc ráng...
Chợ buôn bán các loại nông sản từ rau củ, trái cây như khoai lang, bầu, bí, khổ qua, củ sắn, vú sữa... cho đến lúa gạo, hàng tạp hóa và không thể thiếu các món ngon, trong đó có cà phê. Tuy chỉ là loại thức uống giản đơn nhưng đến đây mà không thử qua thì thật uổng phí.
Chợ nổi Cái Răng bắt đầu nhộn nhịp từ 3h đến 4h sáng, đến tầm 9h sáng là vãn. Ảnh: Phong Vinh.
Giống như những xuồng ghe khác, "ghe cà phê" cũng hoạt động từ sớm. Thường người bán là phụ nữ, họ không chỉ khéo léo trong cách pha chế mà còn gây ấn tượng bởi màn lái ghe điệu nghệ.
Giữa gần cả trăm chiếc ghe tấp nập, các chị, có người dùng tay cũng có người dùng chân để điều khiển cần lái. Len lỏi và luồn lách một cách khéo léo, các chị dễ dàng đến gần khách trong vài phút, trên miệng vẫn không quên rao "Ai cà phê không? Cà phê sữa không?".
Không sợ sông nước xô đẩy, các chị vẫn có thể đứng và chế cà phê cho khách. Ảnh: Phong Vinh.
Nếu như những chiếc ghe buôn nông sản được thương lái treo những món đồ bán lên phía trước, trên những cây tầm vông hoặc tre để khách dễ nhận biết thì người bán cà phê phải luôn miệng rao để gây sự chú ý.
Dù vất vả hơn, họ vẫn luôn tươi cười rạng rỡ khi gặp khách.
Chính vì vậy mà bạn sẽ cảm nhận được cái chân chất, thân thiện mà nhiều người vẫn hay nói với nhau về người miền Tây.
Nếu như người lớn tuổi thường thích vị đắng nguyên chất, các bạn trẻ lại yêu dư vị ngọt ngào của ly cà phê sữa. Dù phải lênh đênh và mất cân bằng, người bán vẫn pha cà phê ngay trên ghe.
Những chiếc phin to được đổ lưng lửng bột cà phê rồi chế nước sôi. Ghe chạy đến đâu, cà phê nhỏ giọt đến đó, từ lúc chưa bình minh.
Cà phê sữa cũng được nhiều người lựa chọn vì sự ngọt ngào mà không quá đắng, với giá 10.000 đồng một ly. Ảnh: Phong Vinh.
Ở đây, du khách không chỉ được dịp thưởng thức món ăn, đồ uống trong khung cảnh hoàn toàn khác lạ, mà còn bắt gặp hình ảnh cuộc sống rất đỗi gần gũi khiến ai cũng muốn quay trở lại.
Có phải vì thế mà dân gian mới có câu: “Cần Thơ gạo trắng nước trong - Ai đi đến đó lòng không muốn về”.
Mời đón đọc 'CẨM NANG DU LỊCH CẦN THƠ'
Sài Gòn nhộn nhịp, Cần Thơ yên bình, Phú Quốc đẹp mê hồn | |
Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ mùa nước nổi |