"Thị trấn" tí hon Rice's Creek không tồn tại trên bản đồ hành chính bang North Carolina vì chỉ có vỏn vẹn 27 nhân khẩu. Người dân nơi đây sống trong những rơ-moóc "nhà di động", được cải tạo thành nhà gỗ nằm không xa bờ sông.
Khi cơn bão Florence đổ bộ kéo theo gió xoáy và lũ quét, thị trấn hẻo lánh này có nguy cơ biến mất luôn ngoài đời thật, theo Guardian.
Từ đầu tuần, John Silvy cùng những thành viên còn lại của Rice's Creek đã hứa sẽ cùng trụ lại khoảnh đất ven sông và đương đầu với cơn bão.
Tuy nhiên, đến trưa 12/9, khi chính quyền 3 bang North Carolina, South Carolina và Virginia phát động di tản gần 1,7 triệu dân, cô con gái của Silvy đã gọi điện nài nỉ ông cùng 2 cậu em tìm nơi đất cao để tránh nạn.
Nước đã dâng cao chỗ nhánh sông nơi những đứa trẻ nhà Silvy bơi mỗi ngày, tràn lên cả bãi bồi. Vài ngày qua, người dân tại Rice's Creek còn phát hiện rắn và cá sấu con bò lên sát mép nước.
Mực nước nhánh sông gần thị trấn Rice's Creek đã dâng cao hơn thường lệ trong những ngày qua. (Ảnh: Guardian) |
"Nếu chỉ có một mình, tôi chắc chắn sẽ ở lại vì còn bạn bè tại đây. Tôi cũng chẳng quá lo lắng đâu. Chúng tôi sẽ đùm bọc lẫn nhau. Lũ trẻ là nỗi lo lớn nhất của tôi", người đàn ông 50 tuổi chia sẻ.
Bố con nhà Silvy là trường hợp hiếm tại Rice's Creek chấp nhận di tản đến nơi an toàn.
Về lý thuyết, cộng đồng này thuộc thị trấn Winnabow (dân số 6.000 người) thuộc hạt Brunswick. Người dân trong toàn hạt đã được lệnh di tản và chính quyền địa phương đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Những người sở hữu nhà di động tại vùng này cũng đã nhận đề nghị di tản.
Tuy nhiên, cả hai lệnh đều bị người dân tại Rice's Creek làm ngơ. Cũng không ai đến gõ cửa buộc họ di chuyển đến các điểm lánh nạn. Khác với khu dân cư giàu có Wrightsville Beach lân cận, cảnh sát không lập chốt tuần tra tại Rice's Creek để đảm bảo người dân tuân thủ lệnh giới nghiêm và di tản đến những vùng đất cao.
Alex Tatum thất vọng khi nhìn thấy người hàng xóm sắp rời đi. Chàng ngư dân 26 tuổi đã có "thâm niên" hơn 6 năm sống tại thị trấn và không muốn bỏ lại nhà cửa để đến các điểm sơ tán.
"Tài sản của của chúng tôi chỉ có căn nhà này, chút tiền của và công việc", anh nói với người bạn gái Mandy Dreeland hơn mình 1 tuổi, cố thuyết phục cô rằng ở lại Rice's Creek là lựa chọn tối ưu.
Ông lão Raymond Hill tự tin đã có đủ đồ dùng tích trữ để đương đầu với bão Florence. (Ảnh: Guardian) |
Để cầm cự qua những ngày sắp tới, cặp đôi đã chi 600 USD để mua đèn pin, bánh trái và nhu yếu phẩm để tích trữ. Tuy nhiên, họ có thể phải di tản vào phút chót vì thiếu máy phát điện.
"Tôi đã tính mua vào thứ 6 tuần trước. Đáng lẽ tôi nên mua ngay nhưng lại chờ đến chủ nhật và giờ thì họ bán sạch hết rồi", Tatum than thở.
Sống đối diện căn nhà 4 phòng ngủ của căp đôi trẻ tuổi là ông lão Raymond Hill, chọn an cư ở Rice's Creek từ năm 2004. Ông đã gửi vợ đến nhà cô con gái cách thị trấn gần 8 km để tránh bão.
"Giờ căn nhà là của tôi", Hill nói rồi bật cười.
Đứng trước hiên nhà cùng chai nước ngọt, ông tự tin chỉ vào nhà rồi tuyên bố: "Tôi không cần máy phát điện. Tôi cũng chẳng cần tích trữ xăng. Tôi có đèn dầu và tất cả những gì tôi cần ở trong đấy cả rồi. Bà vợ tôi cũng để lại đủ thực phẩm và đồ hộp trong tủ đông".
Người đàn ông tóc đã hoa râm quyết không rời bỏ căn nhà mà ông đã bỏ tiền xây 14 năm trước. Ông nói thị trấn đã trụ vững qua nhiều cơn bão lớn nên không có lý do gì ông phải rời đi vào lúc này.
Dù người bạn gái Dreeland đòi di tản, Tatum không muốn bỏ mặc căn nhà mình vừa tốn 25.000 USD để tân trang chìm trong dòng nước lũ. (Ảnh: Guardian) |
"Khi bão Floyd (năm 1999) đổ bộ, căn nhà đằng kia còn là một quán bar và nước chỉ mới ngập tới bàn billards thôi", ông vừa nói vừa chỉ về phía căn nhà màu đỏ cuối đường.
"Đến bão Matthew cũng không có gì ghê gớm", ông nói tiếp.
Hill cho biết lần ngập lụt nghiêm trọng nhất tại Rice's Creek là tận năm 1954, khi cơn bão cấp 4 mang tên Hazel đổ bộ vào bờ Đông nước Mỹ. "Bố tôi kể hồi đó nước sông ngập lên đến tận mái nhà", ông nói.
Thay cho không khí lo sợ trước cơn bão sắp đến, những thành viên tại Rie's Creek tranh nhau "khoe" về kỷ niệm những trận ngập mà thị trấn này từng trải qua.
Tim Buck nhanh tay mở cửa một nhà kho để chỉ dấu tích mực nước lụt năm 1999. "Cao chừng này này", ông nói với giọng hãnh diện rồi ước chừng mức ngập năm đó "chỉ" tầm 1 m.
Những người dân tại thị trấn Rice's Creek vẫn bình thản những ngày trước khi cơn bão Florence đổ bộ vào bờ Đông nước Mỹ. (Ảnh: Guardian) |
Buck cũng không muốn rời khỏi thị trấn. Ông đã chuyển 2 chiếc xe môtô quý báu của mình đến một nhà kho nằm ở khu đất cao để tránh ngập, nhưng ông và vợ vẫn quyết ở lại trông coi nhà cửa.
"Chỉ cần nước không đe dọa cuộc sống của tôi và gia đình, dù không có đồ gia dụng và xe cộ một thời gian tôi thấy cũng không sao", ông nói.
Ở lại để giữ nhà cũng là động lực lớn nhất khiến Tatum đòi ở lại. Trong năm nay, anh bỏ ra gần 25.000 USD và 4 tháng trời để tân trang lại sàn nhà bằng gỗ cứng. Anh muốn đảm bảo căn nhà của mình không bị biến thành gỗ vụn sau khi cơn bão đi qua.
Không ai tại Rice's Creek mua bảo hiểm ngập lụt. Điều này đồng nghĩa rằng nếu căn nhà bị tổn hại trong trận lụt thì họ sẽ mất trắng số tiền đã bỏ ra những năm qua.
Tin mới nhất về siêu bão Mangkhut: Chỉ còn cách đảo Luzon 360km, tiến thẳng về biên giới Việt-Trung
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 13h ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão ở cách đảo Luzon (Philippines) ... |
Siêu bão MangKhut gió giật cấp 17 ảnh hưởng tới 27 tỉnh, thành phố
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, siêu bão MangKhut sẽ ảnh hưởng đến 27 tỉnh, thành phố và sức gió ... |
Siêu bão mạnh nhất trong năm sắp đổ bộ Philippines, Hong Kong
Chính quyền Hong Kong và Philippines đang tất bật chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để ứng phó với siêu bão Mangkhut, dự kiến ... |