Sự nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp - 'Kẻ giết người thầm lặng' | |
Người trẻ bị bệnh tim mạch ngày càng tăng |
Theo các thống kê, tại Việt Nam chỉ có 2% bệnh nhân được điều trị khống chế huyết áp tốt. Số còn lại không được điều trị đúng cách, rất nhiều người đã bỏ qua phương pháp điều trị rẻ tiền là điều trị không cần dùng thuốc.
Theo TS.BS Phạm Như Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam: Các biện pháp điều trị bệnh tăng huyết áp không cần dùng thuốc đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị tiền tăng huyết áp và tăng tuyết áp. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít bệnh nhân nhận thức được việc làm này một cách đầy đủ, khiến cho việc kiểm soát bệnh trở nên khó khăn hơn.
(Ảnh: Female First) |
Nghiên cứu cho thấy, việc thay đổi lối sống sẽ giúp chỉ số huyết áp được giảm xuống, dù rất ít nhưng sẽ rất quan trọng với người bệnh. Bởi vì chỉ cần giảm 5mmHg con số huyết áp tâm thu thì bệnh nhân đã được giảm 14% tỷ lệ tử vong do đột quỵ, 9% tử vong do bệnh lý tim mạch và 7% tỷ lệ tử vong chung.
Các phương pháp điều trị tăng huyết áp không cần dùng thuốc bao gồm: hạn chế ăn muối, tập thể dục thể thao thường xuyên, không uống rượu bia, không hút thuốc lá và dành thời gian để ngồi thiền...
1. HẠN CHẾ MUỐI
Trong một thử nghiệm được tiến hành ở những người cao tuổi tại Mỹ, những bệnh nhân cao huyết áp được phân ngẫu nhiên thành 2 nhóm và áp dụng chế độ ăn khác nhau. Trong đó 1 nhóm thực hiện chế độ ăn như thông thường, nhóm còn lại chỉ sử dụng lượng muối đưa vào cơ thể nhiều nhất là 1,9g/người/ngày.
(Ảnh: VnReview) |
Sau hơn 2 tuần thực hiện, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những người áp dụng chế độ ăn ít muối (1,9g/người/ngày) có thể giảm được 2,8mmHg chỉ số huyết áp tâm thu. Sau đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục thay đổi lượng muối đưa vào cơ thể ở những bệnh nhân này và phát hiện ra rằng, chỉ số huyết áp sẽ thay đổi theo từng bậc, tỉ lệ thuận với khối lượng muối nạp vào cơ thể.
Để có thể kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp, các chuyên gia đã đưa ra một khuyến cáo cho người bệnh là cần hạn chế lượng natri nạp vào cơ thể hàng ngày dưới 100mEq hay 2,4g.
2. TẬP THỂ DỤC ĐỀU ĐẶN
Với những người khỏe mạnh, luyện tập thể dục đều đặn sẽ mang lại sự dẻo dai, cơ bắp và sức bền. Với những người tăng huyết áp, thường xuyên luyện tập cũng là một thói quen tốt cần được duy trì mỗi ngày. Một nghiên cứu cho thấy, những người tập thể dục ít nhất 30 phút một ngày trong khoảng 4 tuần sẽ giảm được 4mmHg chỉ số huyết áp tâm thu và 3mmHg huyết áp tâm trương.
(Ảnh: Hello Bacsi) |
Tuy nhiên, một khó khăn đặt ra là làm sao để những người tăng huyết áp có thể hứng thú với việc luyện tập và có thể luyện tập với quỹ thời gian nhất định. Các bác sĩ đưa ra lời khuyên là bạn có thể tự chọn một bộ môn thể thao yêu thích như bơi lội, đi bộ, đạp xe, chơi cầu lông để tập luyện mỗi ngày. Hoặc nếu cảm thấy nhàm chán với 1 bộ môn thì người bệnh có thể thay đổi các bài tập thường xuyên.
3. ÍT UỐNG RƯỢU BIA
Thực hiện tốt việc kiểm soát lượng rượu bia, đồ uống có cồn được đưa vào cơ thể cũng là cách bạn có thể phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả. Khuyến cáo được đưa ra là nam giới không nên uống quá 2 khẩu phần rượu/ngày và nữ giới không uống quá 1 khẩu phần rượu/ngày. Mỗi khẩu phần đó tương đương với khoảng 360ml bia, 150ml rượu vang (12%) và 45ml rượu 40 độ.
(Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Nếu thực hiện tốt việc hạn chế uống bia, rượu, bạn sẽ có thể giảm được chỉ số huyết áp với con số trung bình là 3mmHg huyết áp tâm thu và 2mmHg huyết áp tâm trương.
4. THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ ĂN
Các nhà khoa học cho biết, chế độ ăn DASH sẽ rất tốt với những người bị tăng huyết áp. Để áp dụng chế độ ăn này, bạn cần cắt giảm lượng chất béo bão hòa, cholesterol và muối xuống thấp nhất. Đồng thời tăng cường bổ sung hoa quả, rau xanh với 4 – 5 phần/ ngày, cùng với đó là những thực phẩm giàu chất xơ, chế phẩm từ sữa với hàm lượng chất béo thấp, thịt nạc, canxi, kali, magie.
(Ảnh: Hello Bacsi) |
Khi tiến hành kiểm tra trên một số bệnh nhân cao huyết áp thực hiện chế độ ăn này, các nhà nghiên cứu thấy rằng chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương của họ đã lần lượt giảm được 6mmHg và 3mmHg.
Ngoài ra, việc giảm cân cũng có thể đem lại hiệu quả hạ huyết áp một cách ngoạn mục. Với mỗi 9kg mà một người giảm được, người đó có thể giảm huyết áp tâm thu từ 5 - 20mmHg.
5. NGỪNG HÚT THUỐC LÁ
Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan, phổi mà còn là nguyên nhân làm tăng huyết áp tâm thu khoảng 4mmHg và 3mmHg đối với huyết áp tâm trương. Bởi vì chất nicotin trong khói thuốc lá sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm và làm tăng epiephrin và norepinephrine, dẫn tới các chỉ số huyết áp tăng cao.
(Ảnh: sei80.com) |
Không những vậy, hút thuốc lá và tăng huyết áp là hai yếu tố cộng hợp làm tăng đáng kể tỷ lệ tử vong do tim mạch và đột quỵ. Vì vậy, việc dừng hút thuốc lá không chỉ giúp bạn kiểm soát tốt huyết áp mà còn giúp làm giảm tỷ lệ các biến cố tim mạch.
6. NGỒI THIỀN MỖI NGÀY
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Kentucky (Mỹ) đã nghiên cứu và phát hiện việc ngồi thiền có thể giúp làm giảm tình trạng cao huyết áp ở bệnh nhân.
(Ảnh: Trung Tâm Dưỡng Sinh Thiền Việt) |
Hãng tin Reuters cho biết, những người thường xuyên thực hành phương pháp thiền trong 20 phút, mỗi ngày 2 lần, có thể giảm từ 12 - 15% nguy cơ tử vong vì các chứng bệnh liên quan đến tim mạch, và giảm 15 - 20% nguy cơ đột quỵ.
Việc thực hiện phương pháp thiền này không quá khó, người tập chỉ cần nồi trên một chiếc ghế hoặc dưới sàn trải thảm, để chân xếp bằng, hai tay đặt vào gối, lòng bàn tay hướng lên, khẽ nhắm mắt và để đầu óc thư giãn.