Karl Marx khi còn là sinh viên. ẢNH: TƯ LIỆU |
Suốt cả cuộc đời mình, Karl Marx đã hy sinh không mệt mỏi vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng con người. Ít ai biết rằng ngay từ khi còn là một học sinh trung học sắp bước vào đời, Marx đã lựa chọn cho mình con đường cách mạng ấy.
Ai cũng có một thời thanh niên sôi nổi, ai cũng phải bước vào cuộc đời với những lựa chọn đầu tiên cho sự nghiệp của mình. Karl Marx cũng vậy. Vào những ngày tháng 8.1835, chàng thanh niên Karl Marx vừa tròn 17 tuổi, cũng đứng trước bước ngoặt cuộc đời - thi tốt nghiệp trung học.
Trong đề thi yêu cầu: “Suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề”. Và một trong những người được điểm cao nhất với bài luận xuất sắc nhất chính là Karl Marx. Trong luận văn ấy, chàng thanh niên Karl Marx đã hé lộ những tư tưởng cách mạng đã được anh theo đuổi trọn cuộc đời.
Mở đầu bài luận của mình, Marx cho rằng đối với một thanh niên, nghiêm túc lựa chọn cho mình một nghề nghiệp là “bổn phận trước nhất” của một thanh niên khi bước vào đời nếu không muốn phó mặc cuộc đời mình cho may rủi.
Tiếp đến, Marx cho rằng mỗi thanh niên khi lựa chọn nghề nghiệp cần xác định cho mình một mục tiêu đáng để theo đuổi, một mục tiêu mà mình cho là vĩ đại. “Nghiêm túc cân nhắc xem sự nghề nghiệp được lựa chọn ấy có thật sự cổ vũ chúng ta không, tiếng nói nội tâm của ta có tán đồng nghề đó hay không”.
Nhưng xác định được điều đó không dễ, theo Marx, bởi “những ai bị lôi cuốn bởi con quỷ háo danh thì lý trí không còn có thể kiềm chế được nữa, và thế là con người lao vào nơi mà sức mạnh không gì khắc phục được lôi kéo anh ta vào đó: con người không còn tự mình lựa chọn vị trí cho mình trong xã hội nữa, mà việc đó đã được quyết định bởi vận may rủi và ảo tưởng”. Do đó, cần phải có một lý trí sáng suốt để thoát khỏi sự háo danh, hư danh.
Marx với lý trí của mình cũng nhận ra rằng “chúng ta không phải bao giờ cũng có thể lựa chọn cái nghề mà chúng ta gắn bó; những quan hệ của chúng ta trong xã hội, ở chừng mực nào đó, đã bắt đầu được xác lập trước khi chúng ta có thể tác động ở mức độ nào đó vào những quan hệ ấy”.
Chọn nghề vì thế là một cuộc đấu tranh giữa sở thích, say mê và tính quy định của “tổng hòa những quan hệ xã hội” của con người. Chúng ta vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của hoàn cảnh. Người chọn nghề hay nghề chọn người cũng có nghĩa là như vậy! Do đó khi chọn nghề, thanh niên cũng cần quan tâm đến các quan hệ xã hội đã được thiết lập đó.
Marx cũng nhận thấy rằng chọn một nghề nghiệp phù hợp cũng cần quan tâm đến năng lực cá nhân cần thiết để làm nghề. “Nếu chúng ta lựa chọn một nghề mà chúng ta không có năng lực cần thiết để làm nghề ấy thì chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện nó một cách xứng đáng và ta sẽ mau chóng nhận ra, với những nỗi hổ thẹn, rằng bản thân ta bất lực và phải tự nhủ rằng chúng ta là những sinh vật vô dụng của tạo hóa”.
Khi đó hậu quả tự nhiên nhất là sự “khinh bỉ đối với bản thân mình”. Liệu có cảm giác nào đau khổ hơn thế không? Marx tự hỏi. Thanh niên chúng ta ngày nay cũng vậy, khi chọn nghề phải cân nhắc năng lực của chính mình.
Và khi chúng ta cân nhắc tất cả những điều đó, và chúng ta đã đáp ứng được tất cả những điều kiện đó, khi chúng ta đã có thể lựa chọn tất cả các nghề trong khả năng của chúng ta thì chúng ta sẽ chọn nghề nào? Theo Marx, khi ấy chúng ta có thể lựa chọn cái nghề sẽ đem lại cho chúng ta phẩm giá lớn nhất. Đó không phải bao giờ cũng là nghề cao nhất, nhưng lại luôn là nghề đáng mong muốn nhất, là nghề sẽ đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc nhất.
Vậy kim chỉ nam nào sẽ giúp ta chọn nghề mà làm ta hạnh phúc nhất? Theo Marx, “kim chỉ nam chủ yếu phải định hướng cho chúng ta trong việc lựa chọn nghề nghiệp chính là phúc lợi của loài người, là sự hoàn thiện của chính chúng ta”.
Marx cho rằng sự hoàn thiện cá nhân và phúc lợi loài người không hề mâu thuẫn nhau, bởi “bản chất con người được cấu tạo khiến cho con người chỉ có thể đạt được sự hoàn thiện của mình bằng hoạt động cho sự hoàn thiện của những người cùng thời, với mình và vì phúc lợi của họ”.
Lịch sử đã chứng minh chân lý đó của Marx. Khi “Lịch sử công nhận là những vĩ nhân chỉ những ai bằng lao động vì mục tiêu chung, tự bản thân mình trở nên cao đẹp hơn”. Và hạnh phúc của mọi người đó cũng chính là hạnh phúc của chúng ta, “kinh nghiệm ca ngợi những ai đem lại hạnh phúc cho một số lượng người nhiều nhất là người hạnh phúc nhất”.
Đó chính là lý tưởng cao đẹp mà Marx theo đuổi suốt cuộc đời, lý tưởng giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, bất công, lý tưởng đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất. Đó cũng chính là lý tưởng của nhân loại tiến bộ ngày nay.
Và điều kỳ diệu là lý tưởng ấy đã được ươm mầm ngay trên ghế nhà trường phổ thông. Do đó, thanh niên hãy mạnh dạn thể hiện ý chí của mình trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Những vĩ nhân đã bắt đầu sự nghiệp của mình cũng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường như các bạn!
* (Những câu trích trong bài viết này được trích từ tác phẩm Những suy tư của một chàng trai trong việc lựa chọn nghề nghiệp in trong Karl Marx và Friedrich Engels Toàn tập, tập 40, NXB Chính trị quốc gia)
Thấy gì từ xu hướng chọn ngành, chọn nghề của thí sinh
Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố thông tin chung (số liệu) về kỳ thi THPT Quốc gia 2018, cũng như số lượng nguyện vọng ... |
Chọn ngành học là đầu tư cho tương lai: Cách xác định thế mạnh nghề nghiệp
Không phải học sinh nào cũng biết cách xác định thế mạnh nghề nghiệp để hoạch định tương lai. Thanh Niên đã có cuộc trao ... |