Masan dòm ngó thị trường thịt heo hơn 10 tỉ USD

Thị trường thịt heo có quy mô lên đến hơn 10 tỉ USD khiến Masan quyết đưa công ty "con" chuyên doanh về mảng thịt mát giao dịch lên sàn UpCom vào tháng 12 này.
 - Ảnh 1.

Nhà đầu tư đặt câu hỏi với lãnh đạo Công ty cổ phần Masan MEATLife (MML) tại hội thảo giới thiệu tiềm năng đầu tư tổ chức tại TP HCM ngày 3/12. (Ảnh: Đ.TRANG).

Ngày 3/12, Công ty CP Masan MEATLife (MML) - công ty thành viên của Công ty CP Tập đoàn Masan chuyên doanh về mảng thịt mát - công bố kế hoạch giao dịch trên sàn UpCom (thị trường dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết) với các nhà đầu tư, thông qua buổi giới thiệu về tiềm năng cũng như cơ hội đầu tư vào cổ phiếu MML.

Kế hoạch niêm yết MML trên sàn UpCom được ông Phạm Trung Lâm, Tổng Giám đốc MML, xác nhận "sẽ diễn ra trong tháng 12 này".

Giới thiệu đến các nhà đầu tư, lãnh đạo MML dẫn thông tin từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), cho hay Việt Nam là nước có lượng tiêu thụ thịt heo cao thứ 2 thế giới. 

Thị trường này vẫn còn tiếp tục phát triển với tỉ lệ tăng trưởng tiềm năng của sản lượng thịt heo lên đến 20% trong giai đoạn 2019 - 2025.

Sở hữu sản phẩm thịt mát (thịt heo) với chứng nhận công nghệ chế biến đạt chuẩn châu Âu trên  thị trường từ tháng 12/2018, đến nay Masan MEATLife đã cán mốc phát triển 550 điểm bán tại Hà Nội và TP HCM, đạt 55% thị phần tại Vinmart và có mặt hầu hết tại các hệ thống siêu thị lớn khác trong cả nước.

Theo lãnh đạo MML, với tăng trưởng hơn gấp 10 lần số điểm bán, cùng doanh thu dự kiến đạt 500 - 1.000 tỉ đồng trong năm đầu tiên "chào sân" thị trường. 

"MML kì vọng đến năm 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50 - 70% doanh thu của công ty", ông Lâm chia sẻ. 

Doanh nghiệp này cũng không giấu tham vọng với các nhà đầu tư khi đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ trở thành doanh nghiệp đứng số 1 về thịt mát đóng gói có thương hiệu tại Việt Nam, chiếm 10% thị phần thịt heo toàn quốc, song song với phát triển trên 5.000 điểm bán.

Hiện MML đang sở hữu trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao ở tỉnh Nghệ An với hai phân khu có tổng diện tích 200 ha, cung cấp cho thị trường 250.000 con heo/năm.

Riêng tổ hợp chế biến thịt ở tỉnh Hà Nam có công suất thiết kế cho 1,4 triệu con heo, tương đương với 140.000 tấn thịt/năm, sẽ vận hành trong khi chờ tổ hợp chế biến thịt thứ hai tại tỉnh Long An sẽ được đưa vào hoạt động trong quý 4-2020.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.