Mất quyền lợi vì mượn hồ sơ đi xin việc


Do thiếu hiểu biết, nhiều lao động (LĐ) đã mượn tên, mượn hồ sơ của người thân đi xin việc, mà không biết sẽ gặp rắc rối, thiệt thòi về sau.

4 năm trước, chưa đến tuổi đi làm nhưng vì muốn lên Hà Nội kiếm việc, Vũ Thị Hà (quê H.Bình Lục, Hà Nam) đã mượn tên của chị họ để làm hồ sơ xin việc. Một công ty may mặc ở KCN Sài Đồng, Q.Long Biên, Hà Nội đang cần tuyển công nhân nên Hà dễ dàng trúng tuyển mà không gặp trở ngại nào. Rắc rối bắt đầu nảy sinh khi Hà lập gia đình và có con.

Hà cho hay: “4 năm đi làm, tôi đóng bảo hiểm đầy đủ, nhưng do tên trong chứng minh thư và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không giống nhau, nên tôi không được hưởng chế độ thai sản. Toàn bộ chi phí đi đẻ hơn 10 triệu đồng, gia đình phải tự chi trả”.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (TTDVVL), bộ phận tiếp nhận và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho biết, đã gặp nhiều trường hợp tương tự. Mới đây nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị V., làm việc trong nhà máy sản xuất đồ chơi KCN Phú Nghĩa (H.Chương Mỹ), vì không có bằng THPT, chị V. đã mượn bằng của em gái làm hồ sơ xin việc.

Khi công ty dừng hoạt động, chị V. đến TTDVVL làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, mới phát hiện em gái cũng đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp cách đó không lâu. Sự việc xảy ra đã nhiều tháng, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Ông Lê Hải Anh, Phó trưởng phòng Thông tin thuộc TTDVVL nhận định đây là những trường hợp người LĐ không cố tình trục lợi, mà là do thiếu hiểu biết về pháp luật. Người LĐ chỉ nghĩ đơn giản xin được làm vào nhận lương hàng tháng, không nghĩ đến rắc rối phát sinh về sau.

mat quyen loi vi muon ho so di xin viec

Nguy cơ thua kiện

Theo ông Đào Việt Thanh, Trưởng phòng Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Hà Nội: “Việc người LĐ cho và mượn hồ sơ của người khác đi xin việc làm là trái luật định. Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính”.

Trong cuộc tiếp xúc với công nhân LĐ tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội gần đây, một số doanh nghiệp yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ sai lệch tên, tuổi cho những người LĐ đã tham gia BHXH theo hướng hoàn trả hoặc thanh toán tiền BHXH. Tuy nhiên, theo ông Đào Việt Thanh, những trường hợp như vậy, thanh tra Sở mất rất nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh xem có đúng người thật, việc thật hay không, quá trình đóng BHXH, điều kiện làm việc có phù hợp với trình độ, độ tuổi người LĐ không... “Có những trường hợp chúng tôi phải thanh tra đến 4 tháng mới ra được quyết định xử phạt”, ông Thanh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH Hà Nội) cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã phải tiếp nhận và giải quyết nhiều trường hợp người LĐ mượn hồ sơ đi làm việc kể trên. Theo bà Hương, về nguyên tắc, nếu hồ sơ BHXH không đúng người tham gia thì cơ quan BHXH không giải quyết các chế độ. Nếu mượn tên người khác để kê khai khi đóng BHXH thì không được hưởng, khi phát sinh các loại trợ cấp có liên quan, vì không chứng minh được mình là người được cơ quan BHXH chịu trách nhiệm chi trả.

Để tháo gỡ, ngành BHXH đã có văn bản cho phép người LĐ cấp đổi lại sổ BHXH cho đúng với nhân thân sau khi đã nộp phạt vi phạm hành chính.Tuy nhiên, bà Hương cho hay, có nhiều trường hợp được nhận chế độ, nhưng cũng có DN lợi dụng những sơ hở của người LĐ để không đóng BHYT, BHXH cho họ, cũng như không chi trả trợ cấp thôi việc khi người LĐ chấm dứt hợp đồng, hoặc chuyển công tác. Thậm chí, theo bà Hương, có những vụ kiện ra tòa án dân sự, thời gian kéo dài, gây tốn kém, mệt mỏi và nguy cơ thua kiện luôn thuộc về người LĐ.

Theo Hải Bình

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.