Mẹ đơn thân nuôi con tự kỷ: 'Bảy năm trôi qua mẹ con tôi đã cùng nhau trải qua những cung bậc cảm xúc tột cùng'

“Năm lớp 3, con thi học kỳ môn Toán được 10 điểm nhưng hiệu trưởng không tin nên yêu cầu con phải thi lại một mình. Lần này thì con được 8 điểm”, người mẹ  có con tự kỷ đau đớn kể.

Đó là chia sẻ của chị Trần Thị Thu Hạnh, hiện đang làm việc tại khách sạn lớn ở Hà Nội khi nhìn lại quãng thời gian 7 năm đưa con cố gắng hòa nhập trong môi trường với trẻ bình thường.

Bà mẹ đơn thân đã lựa chọn cách riêng trong cuộc chiến đẩy lùi chứng tự kỷ của con trai mình.

me don than nuoi con tu ky bay nam troi qua me con toi da cung nhau trai qua nhung cung bac cam xuc tot cung
Chị Hạnh và con trai mình - Nguyễn Ngọc Anh Quân trong một chương trình nhận thức về chứng tự kỷ. Ảnh NVCC

Muôn lý do trường đòi trả về vì… không dạy được

Con chị Hạnh – Nguyễn Ngọc Anh Quân (sinh năm 2005) mắc chứng tự kỷ từ khi 3 tuổi. Nhờ được phát hiện và can thiệp sớm nên đến năm 6 tuổi Quân đã biết đọc, biết viết, tính toán đơn giản và được vào học lớp 1 với đúng lứa tuổi của mình.

Cũng từ năm lớp 1, Quân khó bắt nhịp hơn hẳn khi học mầm non. Chị Hạnh chia sẻ: “Môi trường với nhiều thứ mới cộng thêm đặc trưng của trẻ tự kỷ là khó tập trung nên trong giờ học con vẫn tự do đi lại hay chạy ra khỏi lớp bất kỳ lúc nào”.

Khi xin cho con mình vào học tại trường tiểu học, chị Hạnh khai sơ yếu lý lịch và trình bày rõ con có chứng tự kỷ. Nhưng việc Quân không tập trung học mà thường xuyên ở ngoài sân trường cô giáo lại không hề phản ánh lại. Chỉ khi bảo vệ và lao công trong trường thấy tội cho Quân nên nhắn lại thì gia đình chị Hạnh mới biết.

Dù học đúng tuyến nhưng mỗi năm học, chị đều phải viết đơn xin cho con học hòa nhập cùng các bạn.

Nhớ lại những lần nhà trường đòi trả lại con vì không tuân theo nội quy, chị Hạnh đều cảm thấy buồn vì nhà trường không chịu thấu hiểu cho hoàn cảnh khó khăn của cả hai mẹ con chị.

“Lần đầu tiên trường muốn trả về là vào cuối năm lớp 1. Hiệu trưởng yêu cầu tôi đưa con về vì lý do “con chỉ lang thang không chịu học”. Đúng lúc ấy có một cô giáo đồng ý nhận dạy con lên lớp 2 và cũng chính cô là người đã giúp con hòa nhập hơn ở lớp”.

“Cô giáo ân cần dạy con, dặn dò các bạn trong lớp yêu thương bảo vệ con. Con cũng thôi ko lang thang chạy ra vào tự do nữa. Con còn biết làm bài tập thật nhanh để chạy lên đưa cô phê bài. Mỗi khi cô khen là con thích lắm. Để con có nề nếp học tập, tôi chủ động xin cho con học lại lớp 2 thêm một năm nữa. Hai năm học lại là hai năm êm đềm, con tiến bộ trông thấy”, chị Hạnh tâm sự.

Bước vào lớp 4, thời kỳ u ám của Quân bắt đầu. Cô giáo mới không còn nhắc nhở, quan tâm nên Quân dần cảm thấy cô đơn trong lớp học. Các bạn trong lớp chép bài của nhau, Quân bắt chước theo đến nỗi đánh nhau để giành vở với bạn.

Chị Hạnh nhớ lại: “Lúc bị cô hiệu trưởng gọi lên mắng mỏ, bắt viết cam kết nếu con còn đánh hay có hành động tương tự là trả về gia đình, tôi cũng chỉ biết xin thôi. Đến khi hỏi các bạn lớp con nói rằng cô giáo cho chép bài nên lớp mới lộn xộn như vậy. Quá ấm ức tối đó tôi nói với cô chủ nhiệm rằng đã biết sự thật, vì vậy mọi chuyện mới êm xuôi”.

Cuối năm học lớp 4, Quân lại bị nhà trường từ chối việc tiếp tục dạy vì lý do đánh và cắn bạn bầm tím tay. Gia đình bạn kia sau đó đã làm đơn gửi ban giám hiệu và phòng giáo dục quận.

“Tôi nghĩ lần này con sẽ không được học ở đây nữa và cảm thấy bản thân bất lực. Nhưng rồi nghĩ đến sự việc lần trước, tôi lại hỏi bạn cùng lớp và biết được rằng do con vặn vòi nước để nghịch, bạn dọa mách cô giáo, con bảo: đừng, đừng… bạn biết con sợ nên càng dọa nhiều hơn khiến con nổi khùng lao vào đánh”, chị Hạnh chia sẻ.

Biết được con mình sai nên chị Hạnh đã chủ động xin số điện thoại của phụ huynh học sinh kia để xin lỗi. Nhưng đáp lại chị chỉ là những lời mắng xối xả, bảo rằng con bị thần kinh thì phải cho đi học riêng ở trường chuyên biệt và dọa không cho Quân học tiếp ở trường này.

“Bảy năm trôi qua mẹ con tôi đã cùng nhau trải qua những cung bậc cảm xúc tột cùng. Tột bậc vui với mỗi tiến bộ của con, tột bậc buồn và giận dữ với những thái độ phân biệt đối xử. Và cả sự biết ơn tận đáy lòng với những cô giáo biết cảm thông và chăm sóc cho con…”

Chị Trần Thị Thu Hạnh

Lần cuối cùng bị đuổi là khi Quân mới bước vào học lớp 5, cô hiệu trưởng gọi điện về cho chị Hạnh với thái độ vô cùng tức giận: “Gia đình đến đón em ngay vì chúng tôi không thể chịu đựng được nữa. Con nhà chị đánh cô giáo ngất ra đây này”.

“Lần này tôi chẳng còn muốn quan tâm đến nguyên nhân vì biết con lại bị chèn ép. Tôi hiểu rằng mình không thể để con tiếp tục học ở môi trường học đường nhưng lại khiến con thêm đầy rẫy những tổn thương nghiêm trọng như vậy”, chị Hạnh nhớ lại.

Vì vẫn muốn biết lý do thực sự nên hôm sau chị lại hỏi bạn cùng lớp của con và được biết sự thật. Một bạn lớp khác nói Quân bị điên, Quân đuổi theo nhưng bị cô giáo túm tay. Trong cơn giận dữ ấy Quân đã tát cô 1 chiếc. Sau khi biết được nguyên nhân, chị về nhà, chỉ biết ôm con và khóc rất nhiều. Chị cũng quyết định cho con mình nghỉ học từ hôm đó.

Những phân biệt đối xử đầy tàn nhẫn

“Con thường bị anh lớp lớn bắt nạt, thậm chí bắt bốc cát ăn. Một số bạn mách cô giáo nhưng cũng không ngăn được việc con thường xuyên bị chế nhạo, bắt nạt”, chị Hạnh xót xa khi nhớ về những ngày Quân còn đi học ở trường.

Chị Hạnh kể: “Ở trường có cô bí thư chi đoàn trẻ và rất yêu quý trẻ con, cô còn đặc biệt thương Quân nên mỗi khi có quà bánh cô đều dành cho cậu học trò đặc biệt. Con cũng rất quý cô, những giờ ra chơi con thường chạy lên văn phòng đoàn và nhìn cô cười qua cửa kính. Những lúc cô không có ở đó, con chạy vào phòng, nhìn rồi thơm lên ảnh cô. Nhiều người thấy liền xì xào rằng con yêu cô bí thư theo nghĩa biến thái khiến tôi vô cùng tức giận”.

me don than nuoi con tu ky bay nam troi qua me con toi da cung nhau trai qua nhung cung bac cam xuc tot cung
Chị quan niệm khi cùng con trải nghiệm nhiều hoạt động sẽ giúp con dần thoát khỏi vỏ bọc tự kỷ. ẢNh NVCC

Thế nhưng, điều khiến chị Hạnh thất vọng nhất ở ngôi trường này đó là sự thiếu cảm thông đến mức kỳ thị của chính những giáo viên trong trường.

Năm lớp 1, Quân nghịch dại nên cầm ghế nhựa ném từ tầng 2 xuống làm hỏng. Sau đó, gia đình chị được gọi đến để bồi thường, nhà trường cũng không đồng ý cho Quân ăn bán trú nữa. Vì con mình không tập trung ngồi yên trong lớp học được nên chị Hạnh xin có cô kèm đi mỗi buổi sáng nhưng nhà trường cũng không cho phép.

Chị Hạnh nhớ lại: “Năm lớp 3, con thi học kỳ môn Toán được 10 điểm nhưng hiệu trưởng không tin nên yêu cầu con phải thi lại một mình. Lần này thì con được 8 điểm”.

Những khi đi dã ngoại Quân luôn bị coi là thứ gì đó vướng víu. “Năm lớp 3 con đã có một ngày dã ngoại với bạn bè thật vui. Nhưng sau đó hiệu trưởng lại trách cô chủ nhiệm: vì sao lại cho con đi, lỡ như có vấn đề gì thì sao. Hay lần khác, đến buổi tối trước ngày cả trường đi dã ngoại cô giáo mới gọi điện thông báo cho tôi với thái độ miễn cưỡng nên tôi bực mình và trả lời thẳng rằng không muốn để con đi”.

Họp cha mẹ học sinh, chị Hạnh không được cầm học bạ của con mình. Chương trình và tình hình học tập của Quân nhà trường cũng không hề trao đổi lại. Chỉ khi chị Hạnh 2 lần liền yêu cầu học bạ thì hiệu trưởng mới đưa ra hồ sơ của Quân.

Hay thậm chí, đến việc gửi giấy báo họp phụ huynh chị cũng không được thông báo. Vô tình gặp phụ huynh khác trên đường đi họp về chị mới biết. Chị gọi điện hỏi giáo viên chủ nhiệm thì cô đưa ra lý do Quân không đi học chiều nên không gửi được giấy mời.

Quân bị bạn bè, thầy cô xa lánh và kỳ thị nên lại càng cô đơn. “Càng lớn thì con càng nhận thức được sự kỳ thị của bạn bè. Con cũng không còn khóc nữa mà thay bằng những phản ứng dữ dội hơn. Nếu đánh lại kẻ trêu trọc mình không được thì sẽ trút giận nên những bạn yếu hơn. Vì vậy người ta lại càng nhìn vào đó và quy chụp con là kẻ… thần kinh”, chị Hạnh bộc bạch.

Tiếng đàn “thần kỳ” từ đôi tay con

Chị Hạnh chia sẻ, Quân mới bắt đầu học piano từ đầu năm nay ở một trung tâm dạy nhạc cho trẻ tự kỷ. Mới được hơn nửa năm nhưng hiện tại Quân đã chơi được nhiều bản nhạc nổi tiếng như: Chiều Matxcova, Kiss the Rain, Beautiful in White,… thậm chí có những bài không cần phải nhìn vào khuông nhạc.

“Ban đầu tôi cho con học đàn organ. Nhưng một lần đi dạo trên phố đi bộ, ngang qua một cửa hàng piano rồi con tự nhiên bước vào bấm phím. Nhận thấy sự thích thú của con nên tôi mua về. Cũng từ ấy cuộc sống của con có thêm màu sắc sinh động. Bây giờ, dù có mệt mỏi đến đâu đi nữa, chỉ cần nghe thấy tiếng piano của con thì tất cả những khó khăn mệt nhọc đều chỉ như mây gió”, chị Hạnh hào hứng chia sẻ.

Về việc học hiện tại của Quân, chị cho biết từ khi cho con nghỉ ở trường, phần lớn chị tự dạy con học ở nhà.

“Buổi sáng con ở nhà với bà ngoại, học Toán, tiếng Anh và viết chính tả từ 8h đến 9h30. Sau đó tập đàn 1 tiếng, ăn cơm, ngủ chờ mẹ về đón đi học tại trung tâm nhạc. Tối mẹ đón về, sau ăn tối thì mẹ kiểm tra lại bài giúp con, hướng dẫn, giao bài tập mới. Sau đó con tập đàn 40 phút và mẹ con cùng nhau chơi “Ai là triệu phú” khoảng nửa tiếng trước khi đi ngủ”.

“Tôi và chồng ly hôn khi con mới 5 tuổi. Trong suốt quãng thời gian khó khăn ấy con cũng ít nhận được sự quan tâm của nhà nội. Dù có lúc cực kỳ bí bách về kinh tế hay mệt mỏi vì áp lực từ nhà trường nhưng tôi chưa từng có ý nghĩ sẽ buông bỏ. Có lẽ cũng bởi tôi mắc bệnh hay nhìn cuộc sống với một màu hồng”, chị Hạnh tâm sự.

Theo chị Hạnh, giúp con hòa nhập không nhất thiết phải bằng cách đưa đến trường học. Chị thường xuyên cho con đi khắp nơi công tác cùng mình, đi chơi cũng bạn bè, đồng nghiệp, đi nhà sách, siêu thị,… để con giao tiếp với thế giới bên ngoài nhiều hơn.

Chị Hạnh chia sẻ: “Sắp tới, tôi dự định sẽ tiếp tục để con nghỉ ngơi khoảng 1 năm để tinh thần thật sự ổn định rồi cho con đi học lập trình – một lĩnh vực con rất thích”.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.