Đó là một ngôi làng đặc biệt, nằm phía Tây Hà Nội. Trong làng tất cả các nhà đều có thiết kế dạng biệt thự, hoàn toàn giống nhau. Mỗi ngôi nhà mang tên một loài hoa: Phong Lan, Thủy Tiên, Đỗ Quyên, Hoa Phượng ...
Người mẹ 7 con trong ngôi nhà mang tên 1 loài hoa
Trên chiếc xe đạp cũ, chị Ngô Thị Sinh (SN 1975, quê Sóc Sơn Hà Nội) đón chúng tôi đến với căn nhà mang tên Hoa Phượng. Ngôi nhà nằm giữa làng, rợp bóng cây xanh. Trước lối vào nhà là một giàn hoa tigon được cắt tỉa tỉ mỉ.
Ngôi nhà trong làng trẻ SOS - nơi chị Sinh đang ở cùng 7 đứa con. |
“Đây là nơi ở của chị và 7 đứa con. Cháu lớn nhất học lớp 11, cháu nhỏ nhất mới hơn 6 tuổi”, chị Sinh giới thiệu, giọng chậm rãi.
Trong nhà của chị Sinh, mọi đồ đạc đều được thu dọn gọn sàng, sạch sẽ. Khách đến chơi, muốn thăm quan ngôi nhà, chị Sinh hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, chị luôn lắc đầu khi ai đó khen chị bố trí mọi thứ gọn gàng.
“Đó là công lớn của các con”, chị Sinh cười nói.
Chị Sinh chải tóc cho con gái trước giờ đi học. |
Theo lời chị sinh, trong nhà, mỗi con đều có những nhiệm vụ khác nhau, tùy theo từng độ tuổi mà chị phân công công việc cho hợp lý. Ví như, cháu bé 6 tuổi thì được giao lau 2 nhịp cầu thang. Cháu lớn hơn giặt quần áo, cháu khác lại nấu cơm, lau dọn nhà cửa… Cuối tuần, tất cả 8 mẹ con lại ra vườn trồng rau, nhặt cỏ hay thu hoạch củ quả.
“Tất cả những việc này, mình có thể làm cố. Nhưng, mình muốn các con phải tham gia để rèn luyện cách sống tự lập, có trách nhiệm và biết chăm lo cho tổ ấm của riêng mình”, người mẹ sinh năm 1975 bộc bạch.
Theo lời chị, cũng giống như những đứa trẻ khác trong làng, các con của chị đều có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Có con bị bố mẹ bỏ rơi từ lúc mới sinh, có con còn bố/mẹ nhưng bố/mẹ bệnh tật hoặc bị cách ly khỏi xã hội không còn khả năng nuôi…
Từ khi vào đây, các con không còn phải lo miếng ăn giấc ngủ, lại được học hành đầy đủ. Tuy nhiên, muốn trở thành một người có ích, sau này tự lo được cho bản thân và gia đình riêng, chị cần dạy các con từ những điều nhỏ nhặt nhất.
“Mỗi đứa mỗi tính cách, mỗi sở thích và mỗi ưu nhược điểm khác nhau. Muốn dung hòa được các con, dạy dỗ các con tốt, người mẹ nhất định phải công bằng, tâm lý và biết lựa lời”, chị Sinh nói.
Theo chị, tất cả các con đều có hoàn cảnh đặc biệt nên tâm lý các con khá nhạy cảm. Trách mắng con xong, nhiều khi ngồi nghĩ lại, chị lại thương con mà chảy nước mắt. Tất nhiên, đó là những giọt nước mắt thầm lặng, chỉ một mình chị biết.
Bất chấp sự ngăn cản của gia đình, người phụ nữ này đã dành trọn cuộc sống của mình, chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương. |
“So với mặt bằng chung trong làng, các con nhà mình thuộc nhóm ngoan, học tập tốt. Tuy nhiên, có đôi lúc, các con cũng khiến mẹ phiền lòng. Mình phải ngồi phân tích cho các con rất nhiều”, chị Sinh bộc bạch.
“Đó là trường hợp của cháu bé học cấp 1”, chị Sinh cho biết. Cậu con trai này còn nhỏ nhưng đã có tính tắt mắt, thường xuyên bị thầy cô, phụ huynh phản ánh, phê bình.
“Mình đã nói với con, nếu còn giữ tính này, dù con có học giỏi đến đâu, thông minh đến đâu, lẻo mép đến đâu con cũng sẽ khiến mọi người rời xa con. Hoàn cảnh của chúng ta đã thế này, con không thể để mọi người xa lánh con”, chị Sinh nhớ lại những lời đã nói với con.
Ngay sau khi nghe mẹ nói, cháu bé đã bật khóc. Cháu hứa hẹn sẽ thay đổi. Nhưng hiện tại, chị Sinh vẫn đang mong ngóng và rèn rũa để lời hứa của con trở thành hiện thực …
Từ bỏ hạnh phúc riêng để trở thành mẹ của những đứa trẻ cô đơn
17 năm làm việc tại Làng trẻ em SOS, trong đó có 11 năm làm dì và 6 năm làm mẹ, chị Sinh nói, chị đã coi nơi này là nhà và những đứa trẻ như khúc ruột của mình. Mỗi khi có việc về quê Sóc Sơn, Hà Nội, chị lại dẫn theo cả 7 đứa.
Bữa cơm đầm ấm của mẹ con chị Sinh. |
Bố mẹ, người thân của chị đã coi chúng như cháu ngoại của mình. Họ cũng coi ngôi nhà Hoa Phượng hiện tại là tổ ấm riêng của chị. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, 17 năm trước khi quyết định bước vào ngôi làng này, chị cũng từng gặp phải sự can ngăn của gia đình.
Luống rau do mẹ con chị Sinh tự tay vun trồng. |
“Tất cả các mẹ, các dì trong làng này đều phải là những người không có gia đình riêng, con cái riêng. Vì vậy, bố mẹ mình đã rất băn khoăn”, chị Sinh chia sẻ.
Theo lời mẹ chị, phụ nữ đến tuổi trưởng thành thì phải lấy chồng, sinh con mới có được mái ấm hạnh phúc. Tuy nhiên, chị vẫn kiên định vào làng khi tuổi đời mới 27.
“Bây giờ thì bố mẹ mình có tới 7 đứa cháu ngoại, là con của mình. Hàng ngày, nhìn các con lớn khôn, quấn quýt với mẹ mình cũng thấy mãn nguyện. Hạnh phúc cũng chỉ đơn giản vậy thôi”, chị Sinh mỉm cười.
Làng trẻ em SOS Hà Nội được xây dựng vào năm 1988. Đây là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Làng hoạt động theo 4 nguyên tắc chung, gồm: "Bà mẹ, các anh chị em, ngôi nhà gia đình và cộng đồng làng". Trong đó, nhân tố chính là các "bà mẹ" - là những phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi, không có ý định lấy chồng, không có con riêng, cũng không nặng gánh gia đình, tình nguyện tuyên thệ đảm nhận thiên chức làm mẹ, nuôi dưỡng những trẻ mồ côi (có hoàn cảnh đặc biệt) như những đứa con riêng của mình theo đúng nghĩa xã hội học. Mỗi "bà mẹ" làm chủ một "ngôi nhà gia đình", có toàn quyền định đoạt trong việc nuôi dưỡng từ 8 đến 10 "đứa con" (từ sơ sinh đến 18 tuổi) như những người mẹ khác trong xã hội. |
XEM THÊM
Hồng Nhung lần đầu trải lòng về những tháng ngày làm mẹ đơn thân
“Tôi vừa trải qua sóng gió của cuộc đời và điều này đã tác động không nhỏ đến tôi về cả thể chất lẫn tinh ... |
Bộ tranh về sự đổ vỡ trong hôn nhân và nỗi đau của người ở lại
Tác giả Thụy Sỹ Stephan Schimitz đã khắc họa góc khuất trong hôn nhân mà con người phải đối mặt. Cuộc sống đâu chỉ có ... |
Ngỡ ngàng nhan sắc sau phẫu thuật thẩm mỹ của mẹ đơn thân từng bị miệt thị 'xấu ma chê quỷ hờn'
Xuất hiện với ngoại hình mới sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, ít người nhận ra bà mẹ đơn thân bán hàng nuôi con từng ... |