Giáo viên mầm non có trình độ thạc sĩ được hỗ trợ 18 triệu đồng/năm | |
Học trường mầm non quốc tế nhưng chỉ phải đóng 800.000 đồng/tháng | |
Giáo viên mầm non ở Sài Gòn được thêm phụ cấp |
Theo thông tin được đăng tải, ông Nguyễn Bá Minh (Vụ trưởng Vụ Mần non - Bộ Giáo dục và đào tạo) cho biết sẽ ủy nhiệm cho Sở GD&ĐT Đà Nẵng thẩm định giáo trình giáo dục mầm non do Tổ chức OneSky (Hoa Kỳ) biên soạn để tiến đến nhân rộng việc đào tạo, trao đổi với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và các chủ nhóm trẻ độc lập tư thục trên địa bàn thành phố.
Thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là các những người đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Nhiều bậc phụ huynh bày tỏ thắc mắc về nội dung của giáo trình cũng như những điểm ưu việt của nó. Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã liên hệ với bà Võ Thị Hiền (Giám đốc chương trình của Tổ chức OneSky tại Việt Nam).
3 tiêu chí để chọn trẻ vào trường
Theo chia sẻ của bà Hiền, trường mầm non OneSky không phải trường mầm non công lập hay tư thục, cũng không phải là trường kinh doanh mà nó là một tổ chức do tổ chức phi lợi nhuận thực hiện, gần như là một trung tâm bảo trợ xã hội với mục đích tạo ra một môi trường chuẩn quốc tế cho các con em của công nhân nghèo Khu công nghiệp Hòa Khánh và các khu công nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Chi phí sinh hoạt và các bữa ăn trong ngày cho trẻ hàng tháng là 4,7 triệu đồng/trẻ nhưng phụ huynh chỉ phải đóng 800.000 đồng/tháng/trẻ, còn lại được tài trợ.
Bà Hiền cho biết, tiêu chí chọn trẻ vào trường rất quan trọng và được tiến hành nghiêm túc. Tiêu chuẩn đầu tiên phải là con công nhân, ngay cả cán bộ công nhân viên trong trường cũng không được ưu tiên bất cứ trường hợp nào. Công nhân đó phải chưa có nhà ở, có thể là đang ở tạm, ở nhà người khác, ở nhà thuê…
Ngoài ra tổng thu nhập bình quân đầu người của gia đình là dưới 3,5 triệu đồng/tháng/người. Đồng thời những trường hợp ưu tiên là con không có bố/không có mẹ nhưng người còn lại phải là công nhân hoặc bố/mẹ bị bệnh nan y mà không thể lao động, đang là gánh nặng gia đình. Hai trường hợp ưu tiên này được tuyển thẳng, không phải bốc thăm.
Có 3 tiêu chí quan trọng để chọn trẻ vào trường |
Với số lượng đăng kí quá lớn, trường mầm non OneSky đã tổ chức bốc thăm công khai bằng thùng phiếu trước sự chứng kiến của Công đoàn các nhà máy, Sở giáo dục, phòng giáo dục Quận. Sau khi bốc thăm xong, nhân viên đến từng nhà để kiểm tra xem công nhân có khai thông tin đúng hay không. Có nhiều trường hợp khai không có nhà nhưng khi đoàn kiểm tra đến xem xét thì phát hiện gian lận và hủy bỏ luôn.
"Theo kế hoạch thì chúng tôi sẽ nhận trông giữ 250 trẻ nhưng điều đặc biệt là mục tiêu không chỉ phục vụ cho 250 trẻ mà trung tâm có ba chức năng: Nuôi dạy 250 trẻ thành trường điểm, tổ chức tập huấn cho các giáo viên và những người giữ trẻ của các trường mầm non tư thục trên địa bàn TP Đà Nẵng, tập huấn cho bố mẹ là công nhân, tư vấn cho họ về các kỹ năng làm cha mẹ.
Những hoạt động này sẽ mang đến cho 250 trẻ được hưởng lợi trực tiếp và khoảng 3000 – 7000 trẻ hưởng lợi gián tiếp từ chương trình. Trong đó, 250 trẻ được chia làm 2 giai đoạn tuyển sinh. Hiện giờ trường mầm non OneSky đang có 50 cô giáo và 11 cán bộ nhân viên".
Một cô giáo chỉ được phép giữ 4 trẻ, mỗi lớp học chỉ có 8 trẻ
Khi chia sẻ về tính ưu việt của trường mầm non OneSky, bà Hiền nhấn mạnh: " Chúng tôi dạy theo phương pháp, giáo trình mới của OneSky mang từ Mỹ về, không đi ngược lại với chương trình mầm non quốc gia hiện nay nhưng áp dụng nhiều phương pháp, biện pháp mới.
Các trẻ được giữ tại trường mầm non từ 6 tháng đến 6 tuổi chứ không phải là 24 tháng như các trường mầm non khác, bởi công nhân nữ 6 tháng đã đi làm lại rồi. Thời gian giữ trẻ là 6 giờ sáng đến 20 giờ tối vì công nhân đi làm ca 1 là 6 giờ sáng đến 2 chiều và ca 2 là 2 giờ chiều đến 20 giờ tối. Thời gian trông giữ trẻ cũng như mở rộng tuổi của trẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công nhân.
Một điểm ưu việt khác là chúng tôi tập trung và giáo viên. Ở các trường mầm non khác, một cô giáo trông khoảng 20 trẻ. Nhưng ở đây, một cô chỉ được phép giữ 4 trẻ (đối với các trẻ từ 6 tháng – dưới 3 tuổi) và chỉ được phép giữ 7 trẻ (đối với các trẻ từ 3 tuổi – 6 tuổi). Bởi phương pháp dạy mới này đòi hỏi là cô giáo phải tiếp xúc nhiều với trẻ, không lấy trẻ làm trung tâm một cách chung chung mà giáo trình sẽ dựa vào nhu cầu của trẻ. Với số trẻ như vậy thì cô giáo mới có thời gian tập trung cho từng em một được.
Các trẻ được giữ tại trường mầm non từ 6 tháng đến 6 tuổi chứ không phải là 24 tháng như các trường mầm non khác |
Vì là trường mầm non chuẩn quốc tế nên các cô giáo chỉ được phép làm 5 ngày trong tuần, một ngày làm đúng 8 tiếng đồng hồ, những giờ còn lại sẽ có cô khác vào thay. Cô giáo sẽ không dạy theo kiểu có một bảng kế hoạch giảng dạy sẵn trong tuần rồi đem sử dụng rập khuôn mà hướng tới việc quan sát trẻ trong ngày hôm đó. Những tiến độ, thay đổi của trẻ sẽ được cô ghi lại hết.
Chúng tôi có một hồ sơ trẻ ghi lại rõ hoạt động của trẻ. Ví dụ như ngày hôm đó cháu nói được từ gì, cháu bắt đầu mọc răng… nghĩa là phải ghi tất tần tật những gì nổi bật trong ngày, trong tuần vào cuốn số đó. Giáo trình đòi hỏi cực kỳ khắt nghe, nghiêm ngặt vậy nên các cô giáo phải theo dõi, quan sát tẻ thường xuyên để cô có thể quan tâm trẻ tốt nhất.
Ngoài ra, đối với trẻ từ 6 tháng – dưới 3 tuổi, một lớp học chỉ có 8 trẻ. Với trẻ từ 3 tuổi – 6 tuổi, một lớp không được vượt quá 19 trẻ. Ở các trường mẫu giáo khác thì trẻ có 1 bữa chính và 2 bữa phụ nhưng ở trường mầm non OneSky thì phải 5 bữa/ngày (bao gồm 2 bữa chính và 3 bữa phụ) vì trẻ được giữ từ 6 giờ sáng – 20 giờ tối".
Bà Hiền cũng chia sẻ rằng đang đối mặt với hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là tài chính, làm thế nào để gây quỹ vì công – tư kết hợp, gây quỹ như thế nào để trường có thể duy trì hoạt động. Vấn đề thứ hai là làm thế nào để đảm bảo việc nuôi dạy theo chuẩn quốc tế.
"Đây là mô hình điểm làm về trung tâm chăm sóc mầm non để giải quyết vấn đề xã hội hiện nay là trẻ em khu công nghiệp. Mục đích không chỉ nuôi dạy 250 trẻ mà muốn xây dựng mô hình công tư kết hợp, vận động tất cả các nguồn lực vừa công vừa tư và để duy trình mô hình một cách bền vững. Sau khi mô hình thành công, chúng tôi sẽ làm thành một mô hình chuẩn để gửi ra Bộ nhằm tạo đà để nhân rộng mô hình, phục vụ các trẻ em khu công nghiệp trên toàn quốc".