Môi trường vịnh Cửa Lục bị đe dọa bởi cảng HD Hải Dương và Làng Khánh 1

Hoạt động trong một thời gian dài, nhưng Bến Hải Dương HD chưa được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cảng Làng Khánh 1 thuộc Công ty Tuyển than Hòn Gai (TKV) (đóng tại phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có công suất 1 triệu tấn/năm. Với diện tích rộng hơn 5ha, có 3 điểm rót than chính quy nhưng Cảng này ngày đêm vẫn xả nước thải trực tiếp ra sông Diễn Vọng và vịnh Cửa Lục. 

Trong suốt nhiều năm qua, cảng Làng Khánh 1 vẫn luôn được coi là “bến bãi xuất than tạm” nên công tác đánh giá về tác động của hoạt động sản xuất than đối với vịnh Cửa Lục đang còn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, những cảng bến tư nhân như Hải Dương HD dù chỉ là bến hàng hóa (trừ than) nhưng vẫn vận hành xuất, nhập như một cảng than chính quy.

Môi trường vịnh Cửa Lục bị đe dọa bởi cảng HD Hải Dương và Làng Khánh1 - Ảnh 1.

Không có hệ thống kè, hàng ngày nguồn nước xả thải đen kịt được chảy ra từ Bến Hải Dương HD.

Vịnh Cửa Lục nằm ở phía trên của Vịnh Hạ Long và được phân định bởi cầu Bãi Cháy. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã công bố quyết định số 702 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

 Theo đó, thành phố Hạ Long phát triển theo hướng đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển vịnh Hạ Long với 4 vùng phát triển.

Thực tế đó cho thấy vịnh Cửa Lục rất quan trọng trong các đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Tuy vậy, thời gian vừa qua, vấn đề môi trường của vịnh Cửa Lục đang bị bỏ ngỏ, khiến vịnh Hạ Long rơi vào “nguy hiểm”. 

Ngày 15/8/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng ra Quyết định 3466 “Về việc sắp xếp cảng, bến thủy nội địa tiêu thị than, bã sàng, đá xít, đất đá lẫn than và tuyến vận chuyển than trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Một loạt cảng bến thuộc vùng Hạ Long như cảng Làng khánh 1, Làng Khánh 2 (Công ty tuyển Than Hòn Gai); Bến Hải Dương HD (Công ty cổ phần Đầu tư Hải Dương HD); Bến Quảng Hưng (Công ty CP Hàng Hải Quảng Hưng)…được “cho” vào quy hoạch. Toàn bộ hệ thống cảng, bến này có tổng chiều dài gần 2,5km đều nằm ở bờ trái luồng sông Diễn Vọng chảy thẳng ra vịnh vịnh Cửa Lục.

Thực tế tại Bến Hải Dương HD (Công ty Cổ phần đầu tư Hải Dương HD) cho thấy hệ thống thu gom, thoát nước để đấu nối với hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo gây ảnh hưởng đến môi trường của sông Diễn Vọng. 

Nước xả thải đổ thẳng ra vịnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường cho vùng đệm của vịnh Hạ Long. Theo giấy phép hoạt động bến thủy nội địa số 59/2018 có thời hạn cấp phép đến hết ngày 30/12/2019, bến thủy nội địa Hải Dương HD là bến hàng hóa (trừ than), tuy nhiên hoạt động tập kết, vận chuyển than ở khu vực này diễn ra ồ ạt? 

Những bãi than chất đống như núi mà không hề được che đậy, không có phương án bảo vệ môi trường. Dù đã hoạt động trong một thời gian dài, nhưng Bến Hải Dương HD cũng chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Môi trường vịnh Cửa Lục bị đe dọa bởi cảng HD Hải Dương và Làng Khánh1 - Ảnh 2.

Dù chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng Bến Hải Dương HD vẫn ngang nhiên hoạt động.

Trong khi đó, tại cảng Làng Khánh 1 (Công ty tuyển Than Hòn Gai, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) còn nhiều vấn đề bất cập trong vấn đề xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường. 

Cảng Làng Khánh 1 được chuyển giao từ Xí nghiệp Dịch vụ và Kinh doanh than, Công ty Than Hạ Long và được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận gia hạn thời gian thuê để làm bến bãi xuất than “tạm” tại phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long. Từ khi tiếp nhận vào năm 2016 đến nay, khu bến “tạm” hơn 5ha với 3 điểm rót than này vẫn chỉ làm “tạm” và được gia hạn từng năm.

Ông Phạm Văn Hòa, Giám đốc Công ty Tuyển than Hòn Gai (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) cho biết: “Về thực hiện đánh giá tác động môi trường trước kia cảng này cũng đã có. Tại vì cảng này cũng chỉ là cảng tạm thôi, dùng để xuất những sà lan nhỏ, chứ không phải xuất lớn. 

Về môi trường, công ty cũng tuân thủ làm những hố lắng để đảm bảo thoát nước, quy hoạch rãnh thoát nước, gom lại, sau đó sẽ xử lý. Ở Làng Khánh 1, công ty có 3 điểm rót than, 1 năm khoảng 1 triệu tấn. Từ trước đến giờ công ty cũng thuê theo năm một. Chủ trương từ 2018 trở về trước công ty cũng chỉ thuê năm một, chứ không đầu tư mới ở cụm cảng này”.

Môi trường vịnh Cửa Lục bị đe dọa bởi cảng HD Hải Dương và Làng Khánh1 - Ảnh 3.

Công ty tuyển Than Hòn Gai (TKV) xác nhận đây là hệ thống bể lắng, thu gom nước thải? Tuy nhiên nước xả thải lại chảy thẳng ra sông Diễn Vọng.

Theo ghi nhận của PV Đài TNVN tại cảng Làng Khánh 1, hệ thống thu gom nước tập trung, bể chính có hệ thống ngăn lắng đọng trước khi đổ ra nguồn thải như phía Công ty tuyển Than Hòn Gai giới thiệu đều không có. 

Quan sát bằng mắt thường có thể thấy những dòng nước đen kịt, đặc sệt màu bùn than thoát ra từ bề mặt, xuống cống chảy thẳng ra sông Diễn Vọng rồi đổ ra vịnh Cửa Lục. Theo giấy phép xả nước thải vào nguồn nước được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp ngày 26/4/2019 cho Cảng Làng Khánh 1, lưu lượng xả thải lớn nhất là 2,931m3/ngày đêm; nguồn nước tiếp nhận nước thải tại hạ lưu sông Diễn Vọng (phía dưới đập Đá Bạc).

Với giấy phép này, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị đơn vị phải thu gom triệt để và vận hành công trình xử lý nước thải đảm bảo các thông số chất lượng nước thải đạt quy chuẩn; có sổ nhật ký vận hành các công trình xử lý nước thải trong quá trình hoạt động. 

Vậy “Công trình xử lý nước thải” của Cảng Làng Khánh 1 được đề cập đến trong “Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước” được đặt ở đâu trong cảng khi tất cả nước thải đều chảy ra sông Diễn Vọng và đổ thẳng ra vịnh Cửa Lục?

Bên cạnh đó, dù Cảng Làng Khánh 1 được chuyển giao về cho công ty Tuyển Than Hòn Gai quản lý, vận hành từ Công ty Kho vận Hòn Gai từ năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, phía đơn vị này vẫn sử dụng “Giấy xác nhận bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường” do UBND thành phố Hạ Long cấp ngày 31/7/2007 cho Xí nghiệp Dịch vụ và Kinh doanh than (Công ty Than Hạ Long) - đơn vị đầu tiên quản lý khu vực cảng này.

Trong 12 năm, khu vực Cảng này đã có thay đổi về mặt quy mô, công suất, phương án sản xuất nhưng chỉ phải viết giấy cam kết bảo vệ môi trường và được UBND tỉnh Quảng Ninh gia hạn thời gian thuê đất từng năm với định danh là “bến bãi xuất tạm than”. 

Trong khi đó, theo mục 5, Điều 33, Luật Bảo vệ môi trường: “Trường hợp dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thay đổi tính chất hoặc quy mô đến mức thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt”.

Ông Vũ Tuấn Linh, Phó Giám đốc công ty tuyển than Hòn Gai thông tin “Kho vận Hòn Gai họ nhận của Xí nghiệp Dịch vụ và Kinh doanh than (Công ty Than Hạ Long) từ năm 2008, khi về đây họ có đầu tư thêm 1 điểm rót số 4 và đầu tư thêm 2 hệ thống nhà cân ô tô”.

Môi trường vịnh Cửa Lục bị đe dọa bởi cảng HD Hải Dương và Làng Khánh1 - Ảnh 4.

Với quan sát bình thường có thể thấy nước xả thải một màu đen kịt được chảy ra từ bãi chứa than của Công ty tuyển than Hòn Gai.

Ông Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo từng cho biết vịnh Cửa Lục là nơi 6 con sông từ đầu nguồn đổ ra nên có sự tương tác, trao đổi nước rất lớn với vịnh Hạ Long. Vì thế, vịnh Hạ Long sẽ phải gánh tất cả rác nếu vịnh Cửa Lục không xử lý tốt. 

“Chúng tôi có chuyến khảo sát và thấy vịnh Cửa Lục đã trở thành “vành đai nâu”. Nhiều chỗ trước đây trong xanh, giờ nông và đục. Ước tính, diện tích vịnh Cửa Lục đã giảm khoảng 40%”. Tính đến năm 2017, diện tích rừng ngập mặn khu vực bắc vịnh Cửa Lục – cầu Bang đã giảm gần 160 ha so với năm 2013. Không chỉ có vậy, chất lượng rừng cũng ngày một kém đi do quá trình san lấp khiến nền đáy bùn có độ sét cao", ông Nguyễn Chu Hồi nói.

Vịnh Cửa Lục đang ngày đêm oằn mình với những đợt xả thải của những cảng bến than, cảng vật liệu xây dựng. Nếu không siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên chắc chắn môi trường sống ở khu vực này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới vịnh Hạ Long, cũng như chiến lược phát triển lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển vịnh Hạ Long.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.