Một địa phương được ví như 'vựa lúa' của miền Bắc sắp chuyển mình với 3 tuyến cao tốc, ông lớn rục rịch gom đất

Được quy hoạch 3 tuyến cao tốc, 5 tuyến quốc lộ và khu kinh tế, cùng với đó là kế hoạch mở rộng thành phố, xây dựng sân bay... Tỉnh lẻ Thái Bình trước đây vốn lấy nông nghiệp làm thế mạnh, nay không giấu tham vọng lên đời hạ tầng để đón làn sóng đầu tư.

Cách Thủ đô khoảng 120 km, Thái Bình nằm trong cụm tứ giác kinh tế phát triển phía bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa.

Cơ cấu kinh tế của Thái Bình trong năm 2022. (Nguồn: Cục Thống kê Thái Bình).

Thái Bình có truyền thống lâu đời về phát triển nông nghiệp nhờ được phù sa bồi đắp từ hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình. Cũng bởi vậy mà địa phương này được mệnh danh là "Quê hương 5 tấn", là vựa lúa của khu vực miền bắc.

Song, những năm trở lại đây, Thái Bình đang có sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế. Năm 2022, các ngành nông - lâm - thuỷ sản chiếm 21,2% quy mô GDRP, trong khi mảng công nghiệp - xây dựng chiếm đến 42,9% và ngành dịch vụ chiếm 29,6%.

Vậy đâu là nguồn cơ cho sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế mạnh mẽ của một tỉnh vốn "thuần nông" như Thái Bình?

Bàn đạp từ khu kinh tế và cao tốc

 Với khu kinh tế, Thái Bình sẽ có dự địa phát triển như Hải Phòng, Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN). 

Đầu tiên phải nói đến là khu kinh tế (KKT). Vào năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch KKT Thái Binh với diện tích 31.000 ha và chiều dài bám biển khoảng 54 km.

Về tính chất, đây sẽ là KKT tổng hợp, đa ngành với các khu chức năng công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đô thị nghỉ dưỡng,... Trong đó, thị trấn Diêm Điền sẽ là khu đô thị dịch vụ cảng; Tiền Hải gắn với công nghiệp, du lịch; bên cạnh đó sẽ có thêm một số đô thị khác như Thụy Trường, Đông Minh, Nam Phú,... 

Cũng là một tỉnh duyên hải bắc bộ như Hải Phòng và Quảng Ninh, các chuyên gia thời điểm đó đã nhìn nhận rằng KKT Thái Bình sẽ có dư địa phát triển như KKT Quảng Yên hay KKT Đình Vũ trong giai đoạn 3 - 4 năm tới, đồng thời trở thành động lực để Thái Bình khai thác hiệu quả các quỹ đất của địa phương này.

Không chỉ dựa vào KKT, những nền tảng về hạ tầng cũng chính là từ khoá khiến tỉnh lẻ Thái Bình được chú ý nhiều hơn vài năm trở lại đây.

Theo hồ sơ dự thảo quy hoạch Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong tương lai sẽ hình thành ba tuyến cao tốc, trong đó có hai tuyến theo quy hoạch cấp trên là cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 Hà Nội (CT.39) và một tuyến tao tốc phục vụ kết nối Khu kinh tế ven biển - Đô thị Trà Giang và TP Thái Bình với với vùng kinh tế phía tây bắc Thủ đô và các vùng kinh tế miền Trung và miền Nam Việt Nam. 

Một góc quốc lộ 37 vừa được thông xe ở Thái Bình. (Ảnh: Báo Thái Bình).

Cụ thể, cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Hải Phòng) được tích hợp theo quy hoạch quốc gia, thuộc hệ thống cao tốc phía Bắc có chức năng hỗ trợ quốc lộ 10 kết nối cảng Hải Phòng với khu vực Bắc Trung bộ. Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất về phương án đầu tư cao tốc CT.08 đối với đoạn Ninh Bình - Thái Bình.  

Cao tốc CT.39 (vành đai 5 Hà Nội) có tổng chiều dài 272 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình khoảng 28,5 km, có điểm đầu tại cầu Thái Hà; điểm cuối tại xã Quỳnh Giao huyện Quỳnh Phụ.

Cao tốc CT.16 Thái Bình - Vành đai 5 Thủ đô - Hưng Yên là tuyến cao tốc kết nối TP Thái Bình, đô thị Trà Giang với vùng kinh tế phía Đông Nam thủ đô và các vùng kinh tế miền Trung và miền Nam Việt Nam thông thông qua tuyến vành đai 5 vùng Thủ đô và cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ (CT.01).  

Bên cạnh các tuyến cao tốc, Thái Bình dự kiến sẽ nâng cấp, mở rộng 4 tuyến quốc lộ hiện hữu gồm quốc lộ 10, quốc lộ 37 (vành đai 3), quốc lộ 37B và quốc lộ 39, đồng thời mở thêm một tuyến quốc lộ mới là quốc lộ 39B. Tháng 2 vừa qua, tỉnh này đã thông xe kỹ thuật dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa. 

Chưa hết, Thái Bình sẽ xây mới tuyến Thái Bình - Hà Nam quy mô 4 làn xe; bổ sung tuyến Thái Bình - Nam Định quy mô 4 làn xe; cải tạo nâng cấp các tuyến ĐT.456, ĐT.461, ĐT.462 lên 2 - 4 làn xe...

Tham vọng mở rộng thành phố và làm sân bay

TP Thái Bình sẽ mở rộng gần gấp đôi. (Ảnh minh hoạ: Báo Đầu tư).

Cũng trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh này dự kiến sẽ đưa TP Thái Bình lên đô thị loại 1, chuyển trọng tâm phát triển về phía đông, hoàn thiện mô hình thành phố hai bên sông Trà Lý, phát triển mở rộng không gian thành phố tập trung về phía đông và đông bắc với tổng diện tích khoảng 132 km2, gần gấp đôi so với hiện nay.

Cùng với đó, nhiều vùng nông thôn của Thái Bình cũng được định hướng lên thành thị. Tỉnh này đã đề xuất bổ sung 8 đô thị mới gồm: Đô thị Thái Thuỵ, Thụy Phong, Thụy Văn, Thái Thịnh (huyện Thái Thụy); Đô thị Trà Giang (huyện Kiến Xương); Đô thị Nam Trung (huyện Tiền Hải); Đô thị Cộng Hòa, Hồng Minh (huyện Hưng Hà).

Sân bay cũng là một nội dung được Thái Bình đưa vào dự thảo quy hoạch. Theo đó, tỉnh đề xuất xây dựng sân bay lưỡng dụng trong KKT Thái Bình, ưu tiên đầu tư trong giai đoạn sau năm 2030.

Cụ thể, sau năm 2030, khi hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế ven biển, các khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ logictics ven biển, Thái Bình sẽ hình thành khu cụm cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ du lịch, cứu hộ, cứu nạn, an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển tỉnh Thái Bình. Cụm cảng hàng không này gồm các điểm đáp trực thăng, các bãi đáp thủy phi cơ ven biển Thái Bình.

Doanh nghiệp BĐS rục rịch gia tăng quỹ đất

Một góc TP Thái Bình. (Ảnh: Báo Đấu thầu).

Trên thực tế, với những tiềm năng và lợi thế về quy hoạch nói trên, cùng với làn sóng dịch chuyển đầu tư về tỉnh lẻ, từ năm 2021, Thái Bình đã trở lọt vào không ít nhà đầu tư.

Giai đoạn đó, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh của Hải Phát Invest đã đánh giá với quy hoạch KKT, quỹ đất nông nghiệp lớn khiến giá vốn rẻ, khả năng giải phóng mặt bằng nhanh thì Thái Bình chính là "khẩu vị" ưa thích của các doanh nghiệp lớn.

Xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm 2023.

Theo thống kê của người viết, tính từ ngày 1/1 - 15/5/2023, trên địa bàn Thái Bình đã có 7 dự án bất động sản được mời gọi đầu tư, trong đó có 4 dự án đã đón các doanh nghiệp đăng ký thực hiện, có những dự án tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Tại huyện Vũ Thư, mới đây CTCP Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long (Dragon Group) là doanh nghiệp duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Phát triển nhà ở Khu đô thị tại xã Song An và xã Trung An. Dự án này có diện tích khoảng 123 ha, tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng.

Dragon Group là một doanh nghiệp BĐS lớn ở Thái Bình, khi sở hữu loạt dự án lớn ở địa phương này trước đó như Khu đô thị Kỳ Đồng Thái Bình Dragon City; Nhà ở xã hội Dragon Group hay Khu đô thị Vũ Phúc Thái Bình Dragon City.

Tại huyện Kiến Xương, hồi đầu năm nay CTCP BID Group - doanh nghiệp BĐS có tiếng ở Hà Nội, là nhà đầu tư duy nhất đáp ứng sơ bộ năng lực thực hiện khu dân cư mới Tân Tiến, thị trấn Kiến Xương (6 ha, 343 tỷ đồng).

Trước đó, BID Group cũng đã nắm một dự án nghìn tỷ ở TP Thái Bình là khu nhà ở thương mại Lê Hồng Phong - Eden Garden tại phường Lê Hồng Phong với tổng mức đầu tư 1.428 tỷ đồng.

Nhà Eurowindow cũng muốn bước vào cuộc chơi ở Thái Bình. Mới đây liên danh Công ty TNHH Thăng Long – CTCP Eurowindow Quảng Bình Five Star, CTCP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang là nhà đầu tư duy nhất đăng ký làm dự án Phát triển nhà ở khu đô thị mới tại xã Tân Bình và phường Tiền Phong, TP Thái Bình. Dự án có diện tích hơn 125 ha, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 7.960 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp phía nam cũng muốn bắc tiến với điểm đến Thái Bình. Đó là trường hợp của CTCP Đầu tư Nam An Bình - doanh nghiệp xây dựng có trụ sở tại TP Thủ Đức đã đáp ứng sơ bộ năng lực làm khu dân cư tại xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà (6,1 ha, gần 200 tỷ đồng)...