Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai phía nam TP Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư 3T.
Dự án này được HĐND tỉnh Thái Bình duyệt đầu tư vào tháng 5/2021, đến tháng 1/2022 được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đầu tư.
Đường vành đai phía nam TP Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài có tổng chiều dài hơn 8.372 m, đi qua địa phận xã Vũ Phúc, TP Thái Bình và một số xã thuộc huyện Vũ Thư (xã Tự Tân, xã Hoà Bình, Song An, Trung An).
Điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 10 tại xã Tự Tân, huyện Vũ Thư. Điểm cuối tại nút giao với đường Chu Văn An, thuộc địa phận xã Vũ Chính, TP Thái Bình.
Về hiện trạng, khu vực dự án đi qua chủ yếu là đất trồng lúa, một số đoạn tuyến đi qua khu vực dân cư nhưng chủ yếu là đi qua khu vực rìa làng thưa thớt nhà cửa.
Đoạn tuyến đi qua khu vực đồng ruộng thuộc địa phận các xã Tự Tân, Hòa Bình, Song An và Trung An, huyện Vũ Thư; xã Vũ Phúc, TP Thái Bình có địa hình tuyến tương đối bằng phẳng, cao độ mặt ruộng thay đổi trong khoảng 0,8 - 1,3 m.
Đoạn tuyến cắt qua sông nội đồng là sông Kiến Giang, khu vực dự kiến xây dựng cầu thì thẳng, lòng sông và hai bên bờ sông tương đối ổn định. Địa hình hai bên bờ sông tương đối cao, ít có nguy cơ ngập úng. Dự án này sẽ là đường xây mới hoàn toàn.
Bên cạnh đó, các khu dân cư dự án chạy qua hoàn toàn là khu vực nông thôn có mật độ dân số không lớn. Dự án thực hiện hình thức tái định cư và một số hộ đền bù phù hợp để người dân có thể tự túc di dời.
Toàn tuyến sẽ có mặt cắt ngang 67 m, trong đó phần đường xe chạy là 30 m (4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h). Trong tương lai khi bố trí đủ nguồn vốn sẽ tiến hành thi công mở rộng nền đường và đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật dọc hai bên tuyến với bề rộng nền đường 67 m. Phạm vi sát nhà dân xây dựng hệ thống đường gom (rộng 5,5 m) để kết nối với tuyến chính. Trồng dải cây xanh rộng khoảng 5 m trong giải dự trữ giáp ranh giới 67 m.
Trước mắt, đường sẽ được xây dựng với bề rộng 30 m, trong đó lòng đường xe chạy rộng 20,5 m; giải phân cách giữa 4 m; giải phân cách bên là 3 m; bề rộng lề đất 2,5 m. Còn lại 37 m là dải dự trữ cho giai đoạn sau.
Trong phạm vi dự án có 4 nút giao gồm: nút giao Quốc lộ 10, giao ĐT 463, giao đường ĐH 07 và giao đường Chu Văn An kéo dài. Trong đó, nút giao Quốc lộ 10 sẽ xây dựng trên cơ sở cầu ngang S1 hiện có, xây dựng thêm hai đơn nguyên cầu ở hai bên cầu ngang S1 để các xe ra vào tuyến đường được thuận lợi.
Nút giao với ĐT 463 và đường ĐH 07 sẽ thiết kế dạng ngã tư đồng mức, bán kính các nhanh rẽ được thiết kế phù hợp, đảm bảo tầm nhìn trong phạm vi nút giao. Nút giao với đường Chu Văn An kéo dài tại vị trí cuối tuyến sẽ là dạng đảo tròn với đường kính đào 80 m.
Đối với các đoạn qua khu dân cư, sẽ xây dựng một số đoạn đường phục vụ dân sinh nhằm tập trung lưu lượng giao thông từ các khu dân cư đến một số điểm tập trung để kết nối với tuyến chính. Quy mô đường sẽ rộng 5,5 m và rãnh dọc thoát nước 0,6 m.
Trên tuyến sẽ xây dựng hai công trình cầu thuộc 2 nút giao với Quốc Lộ 10 và đường Chu Văn An. Trong đó, cầu ngang S1 qua quốc lộ 10 dài khoảng 60 m, rộng 10 m. Cầu vượt sông Kiến Giang dài khoảng 61,1 m, gồm 2 nhánh (mỗi nhánh rộng 10 m).
Về tiến độ, dự án sẽ thi công trong giai đoạn 2022 - 2025, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác bắt đầu từ năm 2026. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.034 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư là 211 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 695 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 92 tỷ đồng...
Tổng diện tích đất thu hồi vĩnh viễn của đường vành đai phía nam TP Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài khoảng 54,7 ha (huyện Vũ Thư là 41,1 ha và TP Thái Bình là 13,7 ha), trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 44,4 ha; đất thổ cư khoảng 0,15 ha; đất ao khoảng 2,42 ha; đất vườn khoảng 3,54 ha và 3,23 ha đất khác.
Do hướng tuyến chủ yếu đi qua khu vực đất canh tác nông nghiệp, hạn chế đi qua khu vực dân cư, do đó số lượng người dân phải di dời nhà, đất thổ cư là không nhiều (khoảng 45 hộ dân).
Theo ĐTM, các hộ dân bị chiếm dụng vĩnh viễn đất nông nghiệp không chỉ đối mặt với tình trạng giảm, mất thu nhập mà còn gặp khó khăn trong việc phục hồi sản xuất hoặc tìm kiếm các nguồn thu nhập mới. Do vậy chỉ đền bù thiệt hại bằng giá thay thế đối với các diện tích đất bị chiếm dụng là vẫn chưa đủ.
Do đó, khi bồi thường về đất, phương án sẽ là đền bù bằng tiền. Đối với các phần đất hợp pháp sẽ được bồi thường 100% giá trị theo quy định hiện hành; còn đất không hợp pháp sẽ bị thu hồi và không được bồi thường.
Đối với đất công do UBND xã quản lý, đất thuê có thời hạn, đất do hộ dân sử dụng lâu năm không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không tranh chấp và được cơ quan địa chính cấp huyện xác nhận mức độ hợp pháp, đất giao cho các tổ chức sự nghiệp hành chính Nhà nước, đất giao cho các doanh nghiệp để kinh doanh thì tuỳ theo mức độ hợp pháp của đất bị thu hồi, UBND tỉnh sẽ quy định phần trăm giá trị hỗ trợ.
Đối với nhà cửa, công trình kiến trúc hợp pháp sẽ được bồi thường 100% giá trị theo cấp hạng của nhà cửa, công trình kiến trúc. Nhà cấp 4, nhà tạm và nhà cấp 3 trở lên sẽ có trợ cấp sửa chữa mặt tiền đối với hộ bị cắt xén. Các đối tượng giải toả trắng dự án sẽ có thêm trợ cấp ổn định đời sống; lắp đặt đồng hồ điện, đồng hồ nước, điện thoại; trợ cấp san lấp mặt bằng và cây xanh.
Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị chiếm dụng vĩnh viễn, cũng như cây cối hoa màu trên đất sẽ được đền bù theo giá vào thời điểm kiểm đếm chi tiết.
Đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư và đất vườn, ao liền kề với đất ở trong khu dân cư, ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng mục đích sử dụng còn được hỗ trợ về đất. Đơn giá đền bù đất nông nghiệp theo quy định sẽ là 42.000 đồng/m2.
Dự án 12:21 | 18/11/2024
Dự án 16:30 | 25/10/2024
Dự án 19:00 | 23/10/2024
Dự án 11:11 | 22/10/2024
Dự án 11:52 | 21/10/2024
Dự án 12:00 | 07/10/2024
Dự án 06:30 | 03/10/2024
Dự án 13:17 | 02/10/2024