Thái Bình sắp có 53 ha đất công nghiệp trên quốc lộ 39, khởi động trong quý I/2024

CCN Phong Châu do liên danh PLD Phú Lâm - Thăng Long làm chủ đầu tư có diện tích 52,5 ha, tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn quý IV/2023 - quý I/2025 triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Một góc huyện Đông Hưng. (Ảnh: Thái Bình TV).

Liên danh CTCP PLD Phú Lâm - CTCP Dịch vụ Thương mại Thăng Long vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án cụm công nghiệp Phong Châu tại huyện Đông Hưng, Thái Bình. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH Môi trường Quang Minh.

CCN Phong Châu được UBND tỉnh Thái Bình thành lập và giao cho liên danh Phú Lâm - Thăng Long làm nhà đầu tư vào tháng 9/2022. 

Sẽ chuyển đổi 47,3 ha đất lúa

Dự án được triển khai trên diện tích hơn 52,5 ha. Phía bắc, đông và phía tây giáp đất nông nghiệp xã Phong Châu; phía nam giáp kênh Thống Nhất và Quốc lộ 39. Phía đông của dự án có tuyến đường huyện ĐH 58C rộng 29 m. Vị trí này bám dọc quốc lộ 39 kết nối hướng tây ra đường Thái Bình - Hà Nam, kết nối hướng đông ra quốc lộ 10.

Hiện trạng khu đất dự án có khoảng 47,3 ha đất lúa, chiếm 90% tổng diện tích. Còn lại là đất giao thông nội đồng, thuỷ lợi và hành lang an toàn lưới điện. Về tính chất, đây là CCN tổng hợp đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biết, chế tạo ít gây ô nhiễm môi trường.

Trong cơ cấu sử dụng đất, đất công nghiệp tại dự án sẽ có diện tích gần 33 ha. Đất giao thông chiếm 6,5 ha; đất cây xanh mặt nước là 5,5 ha; còn lại là đất hạ tầng kỹ thuật, điều hành dịch vụ và nhà máy nước sạch.

Tất cả các công trình trong khu vực dự án đều phải thiết kế dạng sân vườn. Nhìn từ trục quốc lộ 39, công trình điểm nhấn của dự án là công trình của liên danh chủ đầu tư.

Dự án sẽ có 3 tuyến giao thông đối ngoại là quốc lộ 39; tuyến đường gom rộng 14,5 m và tuyến đường gom 16,5 m. Hệ thống giao thông nội bộ sẽ có các tuyến đường rộng 16,5 - 18 m. Hệ thống thoát nước mưa của dự án sẽ thoát ra kênh Thống Nhất ở phía nam. 

Về tiến độ, dự kiến từ quý IV/2023 đến hết quý I/2025 dự án sẽ triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Tổng vốn đầu tư là hơn 781 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 156 tỷ đồng. 

Vị trí thực hiện dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Chủ đầu tư từng thi công nhiều dự án hạ tầng lớn

Về chủ đầu tư, CTCP Dịch vụ Thương mại Thăng Long thành lập từ năm 2007, có trụ sở ở quận Hà Đông, Hà Nội. Đây là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong mảng bất động sản, vốn điều lệ tính đến tháng 10/2022 là 156 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp là ông Nguyễn Viết Sơn.

Cái tên còn lại trong liên danh là PLD Phú Lâm, doanh nghiệp này ra đời vào năm 2010, lấy trụ sở tại Đông Anh, Hà Nội. Tính đến tháng 4/2021, Phú Lâm có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, Tổng Giám đốc là ông Đỗ Trung Kiên.

Phú Lâm tiền thân là CTCP bê tông AmacCao3 thuộc Tổng Công ty Cổ phần AvinaA. Doanh nghiệp này chuyên tham gia đấu thầu và thi công các công trình xây dựng.

Một số dự án đáng chú ý mà Phú Lâm từng tham gia có thể kể đến như dự án Đường đua công thức F1 ở Mỹ Đình; đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 38 đoạn nối quốc lộ 1 - quốc lộ 5 qua Bắc Ninh và Hải Dương; đường An Phú Đông, quận 12 TP HCM; thi công toàn bộ hạng mục đường nội bộ cho nhà máy ô tô Vinfast Hải Phòng...

Thái Bình sắp đón thêm nhiều dự án công nghiệp

Hồi tháng 2 vừa qua, Thái Bình đã khởi công KCN Hải Long tại huyện Tiền Hải. Dự án này có quy mô gần 300 ha, tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.

Thời gian tới, Thái Bình sẽ đón thêm hai dự án công nghiệp khác tại Nam Trực và Đông Hưng do Tập đoàn BMK làm chủ đầu tư.

Hai dự án này bao gồm CCN Hồng Việt (70 ha) cách TP Thái Bình 20 km, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào quý IV, triển khai giai đoạn 2 trong 2024 - 2025 và CCN Tân Thịnh (50 ha) dự kiến bắt đầu thi công vào đầu năm 2024.

Ngoài ra, CTCP Sợi EFFEL vừa qua cũng đã được đề xuất lựa chọn làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Ninh An gần 680 tỷ đồng tại huyện Kiến Xương, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2025...

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.