Như tin đã đưa, ngày 20/3 tại Trường THPT Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xảy ra vụ việc ba em học sinh lớp 12 phải nhập viện do bị một mảng vữa trần rơi trúng đầu trong giờ học. Ngay sau báo chí đưa tin về vụ việc này, lãnh đạo UBND Thành phố và Sở GD&ĐT Hà Nội đã lập tức chỉ đạo các bộ phận liên quan và nhà trường khẩn trương di dời các em học sinh đến các địa điểm mới để học tạm bắt đầu từ ngày 22/3.
Các em học sinh tại địa điểm học tạm ở Trường THPT Đoàn Kết. Ảnh: Đình Tuệ. |
Theo đó, hơn 1.500 học sinh và hàng trăm giáo viên của nhà trường được bố trí tới 4 địa điểm khác nhau để dạy và học. Các địa điểm gồm: Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) của quận tại số 14 phố Lê Gia Định; Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng ở 174 Hồng Mai; Trường THCS Minh Khai ở Ngõ 84 Kim Ngưu và số trường trung cấp nghề số 9 phố Bùi Ngọc Dương. Việc di dời khỏi địa điểm trường học hiện tại ở phố Hương Viên là để tránh nguy cơ mất an toàn do trường học xuống cấp.
Ghi nhận thực tế cho thấy, thầy cô giáo Trường THPT Trần Nhân Tông đã phải 'chạy xô' nhiều lần trong ngày để dạy các em học sinh ở những địa điểm khác nhau cho kịp tiết học.
Cô giáo Tăng Nguyễn Tú Thi - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A9 chia sẻ, vạn bất đắc dĩ mới phải di chuyển khỏi ngôi trường mà cả thầy và trò đều đã gắn bó nhiều năm. Nhưng do điều kiện phòng ốc bị xuống cấp, nguy hiểm nên buộc phải tạm xa ngôi trường cũ để thành phố xây dựng mới. Các trường bạn cũng tạo điều kiện tối đa để nhà trường học nhờ được thuận lợi nhất.
Giáo viên phải tranh thủ ăn sáng ngay tại phòng chờ 'bán lộ thiên' trước khi vào giờ dạy. Ảnh: Đình Tuệ. |
"Một điều mà các giáo viên chúng tôi dù biết trước nhưng vẫn cố gắng là phải di chuyển nhiều nơi để đi dạy học. Có hôm, tôi phải di chuyển đủ cả 4 địa điểm trong một buổi để dạy môn Tiếng Anh cho cả ba khối.
Tuy nhiên do các trường giờ học khác nhau, mình học nhờ nên phải nhập gia tuỳ tục. Thời khoá biểu của trường chưa kịp thay đổi nên giáo viên khá vất vả trong việc di chuyển giữa các điểm trường sao cho đúng giờ lên lớp và không bị muộn giờ học", cô Thi cho hay.
Còn theo cô Lý Thị Hương - Giáo viên dạy Toán Trường THPT Trần Nhân Tông, việc di chuyển nhiều giữa các điểm học nhờ là điều bất khả kháng. Khó khăn nhất với học sinh lớp cô là đang học chiều giờ chuyển sang học sáng. Các em học sinh có phần hơi "ngợp' vì thời gian biểu cũng thay đổi theo lịch học mới do phải học tạm ở địa điểm mới ở cả Trung tâm nghề số 2 và Trung tâm GDTX quận Hai Bà Trưng.
Các em Ngô Đức Duy (lớp 10A9) và Nguyễn Linh Chi (lớp 10A10) đều cho biết, cảm giác của các em khi sang học tạm ở địa điểm mới ban đầu đều khá lạ lẫm. Ở trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, các em học tạm ở nhà thể chất nên khá ồn. Nhưng nhà trường đang cố gắng bố trí một số lớp phía dưới để đỡ ồn hơn, dự kiến sang tuần sẽ được chuyển.
Nguyễn Thúy Trinh (trái) có phầm cảm thấy tiếc nuối khi phải tạm rời xa trường cũ để chuẩn bị xây mới. Ảnh: Đình Tuệ. |
Còn Nguyễn Thúy Trinh - học sinh lớp 11A6 tâm sự: "Nếu không chuyển đi thì sợ gặp nguy hiểm do vữa trần rơi, giờ di chuyển tới điểm học mới là Trường THCS Minh Khai thì lại thấy nhớ trường cũ. Ngôi trường chúng em đã gắn bó nửa quãng thời gian học cấp 3 nên thấy chống chếnh lắm.
Ở đây chúng em chỉ có ba lớp học tạm cùng trường bạn nên ít có điều kiện giao lưu với bạn bè cùng trường hơn. Nhưng cũng còn hơn là ở trường cũ học mà thấp thỏm lo âu, sang đây các thầy cô cũng giúp đỡ nhiều".
"Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, chúng em bước vào thi THPT quốc gia 2018 nên cũng thấy ảnh hưởng tâm lý chút xíu. Trường cũ xuống cấp cũng là trăn trở bao năm của các thầy cô trong BGH và nhà trường. Sắp tới sẽ được xây mới ai cũng vui, nhất là các em khối 10 và 11.
Còn chúng em cũng thấy có một chút tiếc nuối, vì bế giảng năm học này chắc chắn sẽ chan hòa cảm xúc. Ngôi trường cũ đã gắn bó gần ba năm qua sẽ không còn nữa và được xây mới, có nhiều bạn đã tranh thủ lúc tan học còn tạt qua trường cũ để chụp ảnh kỷ niệm trước khi bị phá đi xây lại", Đỗ Thu Thảo - học sinh lớp 12A11 chia sẻ.
Thầy trò cùng cố gắng vượt qua khó khăn ban đầu
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, hiện tại bà đang phụ trách trực Ban giám hiệu và quản lý chung 17 lớp học ở cả ba khối tại địa điểm Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, nhà trường cũng đang cố gắng từng ngày để khắc phục các khó khăn trước mắt. Bà Nguyệt nhấn mạnh: "Sau sự việc này chúng tôi cũng vừa mừng vừa lo. Mừng là lãnh đạo cấp trên đã quan tâm chỉ đạo kịp thời để thầy trò được học ở nơi an toàn hơn, đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng trường mới. Lo vì sắp tới cũng là giai đoạn quan trọng để học sinh thi học kì II. Các em khối 12 sắp bước vào kì thi THPT quốc gia 2018. Nhiều em học sinh cũng tỏ ra lo lắng và nói chuyện với các thầy cô về điều kiện học hành, phòng ốc. Vì điều kiện '1 chốn 4 nơi', giáo viên phải di chuyển nhiều để dạy nhưng cũng rất may mắn, nhà trường cũng được các đơn vị trường bạn hỗ trợ tối đa. Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng có 42 lớp với hơn 1.700 học sinh nhưng BGH nhà trường vẫn nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi về phòng ốc cho các em". Những ngày đầu mới chuyển sang, có một số lớp phải học tạm trên nhà thể chất tầng hai của trường Đoàn Kết - Hai Bà Trưng. Sang tuần sau khi lắp đặt xong một số phòng dưới tầng 1 các em sẽ di chuyển xuống học được yên tĩnh hơn. Mọi hoạt động dạy và học cũng phải kết hợp với trường bạn một cách hài hòa. Đặc biệt, kỉ luật giờ giấc và nội quy cần được đặt lên hàng đầu để không ảnh hưởng tới uy tín trường bạn. Về kế hoạch dạy và ôn thi THPT quốc gia 2018 cho các em học sinh khối 12, vị Hiệu phó nhấn mạnh vẫn cần phải được tập trung toàn lực, nỗ lực của các thầy cô. Buổi sáng tại đây có 3 lớp 12 và 5 lớp 11 cùng học. Buổi chiều có 5 lớp 11 và 4 lớp 10 cùng học tại đây. |
Sợ nhập viện, học sinh Trường Trần Nhân Tông đội mũ cối để chống vữa trần rơi vào đầu
Học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông phải mua mũ cối đội khi học trong lớp để đề phòng vữa trần rơi vào đầu vì ... |