Rác thải chính là "nguồn sống" của người dân ở xóm Sở Thùng. Ảnh: Mai Tâm |
Xóm Sở Thùng nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Văn Trị quận Bình Thạnh, TP HCM giáp ranh quận Gò Vấp và đại lộ Phạm Văn Đồng.
Đến xóm Sở Thùng vào một ngày giữa tháng 6, tôi bắt gặp hình ảnh những chiếc xe chất đầy bao tải rác đang bắt bốc mùi phân hủy. Mùi rác thải hòa với mùi khói bụi dưới cái nóng và mưa của Sài Gòn thật làm người ta khó chịu.
Một ngôi nhà chứa đầy ve chai. Ảnh: Mai Tâm |
Hầu hết ở đây ai cũng sống nhờ vào “rác”. Đi dọc con hẻm là hình ảnh của những bao tải chứa đầy vỏ lon, giấy, chai nhựa. Phân loại rác dần trở thành công việc quen thuộc của những con người nơi đây. Ngay cả những đứa trẻ ở đây cũng dần quen với việc phụ giúp ba mẹ công việc vất vả này.
Công việc của những người trong xóm Sở Thùng bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi chiều muộn. Những chiếc xe đầy rác chạy vào chạy ra tấp nập. Những bao tải chứa đầy vỏ lon, chai nhựa, giấy... Có những nhà, rác thải chất cao che mất cả cửa nhà.
Một chiếc xe di chuyển rác thải. Ảnh: Mai Tâm |
Mỗi ngày, có các xe rác tới đây để chia rác cho người dân phân loại. Một số người tự đi nơi khác thu nhặt vỏ lon, chai nhựa... đem về để bán.
Công việc nặng nhọc này không phải ai cũng có thể làm được. Nhiều người bỏ xóm, bỏ lại sau lưng cái nghề cơ cực này để đi làm nghề khác. Chỉ có những con người đã quen "sống chung với lam lũ" mới tồn tại và thích nghi nổi với cái nghề thu gom rác.
Rác thải xuất hiện khắp nơi ở xóm Sở Thùng. Ảnh: Mai Tâm |
Bà Phương (60 tuổi) sống ở xóm Sở Thùng cho biết, công việc hàng ngày của bà là thu nhặt ve chai từ các thùng rác đem về. “Tôi làm nghề này đã 40 năm rồi, nghề vất vả lắm mà thu nhập lại không được bao nhiêu. Có ngày đi từ sáng tới tối mịt cũng chỉ có mấy chục nghìn”, bà Phương chia sẻ.
Theo bà Phương, cái xóm Sở Thùng có từ lâu lắm rồi. Bà lớn lên nối tiếp cái nghề của ba mẹ, rồi đến khi cưới chồng sinh con cũng lại tiếp tục cái nghề này, đến giờ vẫn vậy.
"Người dân Sở Thùng lạ lắm, tuy công việc có vất vả thế nào họ vẫn luôn lạc quan vui vẻ. Vì họ quan niệm rằng, làm gì cũng được miễn sao cái nghề mình làm phải chân chính, lương thiện”, bà Phương nói.
Chiều đến là lúc con hẻm trở nên đông đúc và chật hẹp. Những chiếc xe chở rác về nối đuôi nhau đậu khắp các ngả đường.
Người dân nơi đây lại hô hào nhau phân loại rác. Trời mát, công việc trở nên dễ dàng hơn, những cánh tay không ngừng nghỉ cứ mải miết làm việc. Họ vừa làm việc vừa trò chuyện vui vẻ với nhau. Tiếng cười tiếng nói làm nhộn nhịp cả xóm nghèo.
Chuyện đổi rác thải nhựa lấy bữa ăn ở Indonesia
Người dân nghèo ở bãi phế liệu Jatibarang, thành phố Semarang của Indonesia đổi rác thải nhựa do chính họ lượm nhặt để lấy bữa ... |