Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) sáng 4-12 - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Các đại biểu Quốc hội tham gia tiếp xúc cử tri gồm bà Nguyễn Thị Kim Ngân (ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Quốc hội), bà Trần Thị Vĩnh Nghi (bí thư Thành đoàn Cần Thơ) và ông Nguyễn Thanh Xuân (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ).
Cả nước 700km đường cao tốc, sao ĐBSCL chỉ có hơn 40km?
Tại phần cử tri phát biểu ý kiến, thiếu tướng Vũ Cao Quân (nguyên chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ) nêu quan điểm: “Tôi thấy nghị quyết của Quốc hội là rất phù hợp, đúng đắn, nhưng việc thực hiện còn nhiều cái chưa đúng theo nghị quyết. Đối với ĐBSCL tôi thấy các cơ quan trung ương chưa quan tâm đúng mức.
ĐBSCL rất xa xôi, từ trước giờ đầu tư rất ít so với các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Riêng TP Cần Thơ, vốn trung hạn 5 năm tới cũng chưa công bằng khi phần hỗ trợ ngân sách từ trung ương với Đà Nẵng gấp hai, Hải Phòng gấp ba TP Cần Thơ.
Một cử tri khác cho rằng không phải phân biệt vùng miền, nhưng việc đầu tư hạ tầng vừa qua khi cả nước có hơn 700km đường cao tốc mà ĐBSCL chỉ có hơn 40km là còn ít cho vùng, cần phải xem xét trong giai đoạn tới.
Cử tri quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trình bày nhiều vấn đề bức xúc với các đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 4-12 - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Nhiều cử tri quan tâm vụ ông Trịnh Xuân Thanh
Vấn đề kỉ luật cán bộ cấp cao liên quan vụ ông Trịnh Xuân Thanh cũng được các cử tri quan tâm và nêu nhiều thắc mắc, như các ý kiến của Trung tướng Huỳnh Tiền Phong (nguyên tư lệnh Quân khu 9) và thiếu tướng Vũ Cao Quân - nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự TP.Cần Thơ cho rằng việc kỉ luật cán bộ cấp cao vụ ông Trịnh Xuân Thanh là chưa công bằng, chưa nghiêm minh.
Đáp lại ý kiến thắc mắc của cử tri, thay mặt các đại biểu Quốc hội, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích vừa qua Ủy ban Kiểm tra trung ương đã thi hành kỉ luật một số cán bộ cấp cao liên quan vụ ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Bí thư quyết định, nếu có khiếu nại thì thẩm quyền xem xét của Bộ Chính trị và nếu vẫn có khiếu nại thì Ban chấp hành trung ương sẽ xem xét giải quyết.
Bà Ngân giải thích việc kỉ luật cán bộ cấp cao trong vụ ông Thanh là thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư, mức nặng hay nhẹ căn cứ vào kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và bà sẽ tiếp thu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và trả lời cử tri sau.
Tuy nhiên bà Ngân cũng thông tin về những sai phạm của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trong việc xin ông Trịnh Xuân Thanh. “Theo hồ sơ, lãnh đạo Hậu Giang phải có trách nhiệm vì xin một người ở trung ương đưa về nhưng lại xin đúng Trịnh Xuân Thanh. Lần đầu tiên chỉ xin một phó chủ tịch, nhưng lần thứ hai thì xin đúng tên ông Thanh, việc này cũng không thông qua Ban thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh mà không thông qua thường vụ tỉnh ủy là sai. Tôi biết có hai cái sai như thế. Việc làm không đúng nguyên tắc đó gây ảnh hưởng đảng bộ và nhân dân Hậu Giang".
Cũng theo chủ tịch Quốc hội, liên quan vụ kỉ luật các cán bộ cấp cao nêu trên, hiện có nhiều trường hợp trong số này đang kêu oan.
Sớm có đường cao tốc từ Trung Lương về Cần Thơ
Về vấn đề nguồn vốn đầu tư cho ĐBSCL và cho TP Cần Thơ với các địa phương khác của cả nước, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận cả nước có khoảng 700km đường cao tốc thì ĐBSCL mới chỉ có hơn 40km đoạn TP.HCM - Trung Lương.
“Tôi đã nói cả vùng ĐBSCL chẳng có đường cao tốc, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thông tin đã giải phóng mặt bằng và sẽ sớm có đường cao tốc từ Trung Lương về Cần Thơ. Còn đường Hồ Chí Minh đã tới Đất Mũi, sắp tới có cầu Vàm Cống thì giao thông ĐBSCL sẽ tốt hơn”, chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhìn nhận đúng là nguồn vốn hỗ trợ cho TP Cần Thơ không bằng các thành phố trực thuộc trung ương khác là Đà Nẵng và Hải Phòng và bà đã có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ đề nghị thực hiện đúng nghị quyết của Bộ Chính trị (nghị quyết 45 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa- PV), sau đó Thủ tướng có chỉ đạo các bộ ngành liên quan.
Tuy nhiên khi thực hiện thì các bộ ngành vẫn cắt giảm 1.500 tỉ đồng vốn hỗ trợ cho TP Cần Thơ, còn 3.000 tỉ đồng. Khi nhận được ý kiến của TP Cần Thơ, bà tiếp tục có ý kiến với Chính phủ và cuối cùng nguồn vốn hỗ trợ cho TP Cần Thơ mới là 4.500 tỉ đồng, bằng với TP Đà Nẵng.
Chủ tịch Quốc hội cũng giải thích nguồn vốn này là chưa bằng TP Hải Phòng (hơn 6.000 tỉ đồng) bởi thành phố này có dự án nâng cấp sân bay Cát Bi, trong khi sân bay quốc tế TP Cần Thơ đã đầu tư xong.