'Mùa đông' của môi giới bất động sản

Môi giới bất động sản đang đối mặt với áp lực không nhỏ về doanh số và thu nhập.

Thị trường bất động sản đang ở trong giai đoạn trầm lắng. Báo cáo nghiên cứu thị trường được các đơn vị công bố trong thời gian vừa qua đều cho thấy một bức tranh chung khá ảm đạm.

Dữ liệu mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt; tỷ lệ hấp thụ trong quý III đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư. Các chủ đầu tư đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại,...

Trong bối cảnh khách hàng khó mua, chủ nhà khó bán thì môi giới - lực lượng kết nối giữa hai bên cung và cầu của thị trường cũng gặp không ít khó khăn.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản hoạt động. Bộ cho biết, thị trường bất động sản có sự điều chỉnh trong quý III, lượng giao dịch giảm so với thời điểm đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch giảm, số lượng môi giới cũng giảm theo.

Trao đổi với người viết, anh Trần Đại, nhân viên kinh doanh của Đất Xanh Miền Bắc cho hay, hiện tại khách hàng đang rất e dè, khó khăn trong quyết định xuống tiền. Số lượng giao dịch anh Đại thực hiện được từ đầu năm đến nay chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2021. Các giao dịch tập trung chủ yếu ở những sản phẩm vốn nhỏ, dễ đầu tư, phục vụ mục đích đầu tư dài hạn và giữ tiền.

Anh Đại cũng cho biết, khá nhiều môi giới 5 - 6 tháng liên tiếp không có giao dịch đã phải nghỉ việc. Với bản thân anh, thu nhập giảm cũng ảnh hưởng đến nhiều dự định phát triển bản thân, nghề nghiệp. 

“Thực sự đây là thời điểm khá áp lực về doanh số và thu nhập. May mắn là mình làm việc tại một đơn vị phân phối có nguồn dự án phong phú nên có thể cân nhắc lựa chọn và thay đổi dự án bán để bắt kịp nhu cầu thị trường", theo anh Đại, đây là thời điểm thị trường thanh lọc những môi giới và đơn vị phân phối yếu kém, làm ăn chộp giật.

 Theo anh Đại đây là thời điểm để môi giới trau dồi, bổ sung kiến thức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp bất động sản đăng ký mới là 7.124, số doanh nghiệp bất động sản quay lại hoạt động là 769 - đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, song song với đó, số doanh nghiệp ngừng có thời hạn và phải giải thể cũng cao hơn - lần lượt là 2.095 và 870, trong khi số liệu 9 tháng đầu năm 2021 là 1.338 và 636.

Thực tế, thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10, một tập đoàn có tiếng trong phát triển và phân phối bất động sản đã liên tiếp bị nhân viên các bộ phận, đơn vị trực thuộc “tố” nợ lương, chậm trả lương và hoa hồng. Điều này đã phần nào phản ánh thực trạng khó khăn tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Lạc quan vào tương lai

Với hơn hai năm kinh nghiệm trong nghề, anh Đại cho rằng đây là thời điểm để môi giới tìm cách bổ sung, làm mới kiến thức. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, môi giới nên tìm bán các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của khách hàng.

"Mình chưa có ý định bỏ nghề. Bất động sản có tính chu kỳ nên mình tin vượt qua được thời điểm khó khăn này thì thị trường sẽ sớm ổn định, tăng trưởng trở lại, công việc sẽ có nhiều sức bật mạnh mẽ. Cũng hy vọng tình hình hiện nay không kéo dài quá quý II năm sau".

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Thương hiệu Bất động sản Tuấn 123 cho biết, do đặc thù các sản phẩm công ty phân phối chủ yếu là nhà đất thổ cư nên lượng khách mua có nhu cầu thực vẫn ổn định. Thị trường tuy có chút khó, lượng khách nhu cầu đầu tư giảm nhưng về cơ bản môi giới của công ty vẫn có công việc ổn định. 

Để thích ứng với bối cảnh thị trường hiện tại, doanh nghiệp tập trung vào nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng thật sự vì đây là giai đoạn tốt để họ mua vào, giá cả cũng đã được điều tiết phù hợp.

Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ tìm kiếm nguồn vay cho khách hàng. “Chúng tôi bổ sung các đối tác về tín dụng, để tìm kiếm các nguồn vay cho các khách hàng. Bên cạnh đó chúng tôi cũng hỗ trợ rất sát các đối tác ngân hàng để tìm kiếm những khoản vay thật sự an toàn”, bà Phương cho biết.

Theo bà Phương, thời điểm này các khách hàng liên hệ với môi giới thì chắc chắn là có nhu cầu thật sự. Các doanh nghiệp phân phối, sàn giao dịch cần lựa chọn những sản phẩm chất lượng, pháp lý rõ ràng để tư vấn cho khách mua. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng có thể trở thành đối tác phân phối của doanh nghiệp lớn để tìm được nguồn hàng có pháp lý rõ ràng và hợp đồng cụ thể.

Lãnh đạo Bất động sản Tuấn 123 tin tưởng thông tin tích cực về việc nới lỏng tín dụng và việc Tết Nguyên đán đang đến là những thông tin tốt và sẽ giúp thị trường những tháng cuối năm trở nên sôi động hơn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.