Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 bất ngờ xả lũ cả bốn cửa đáy, gây lũ quét cục bộ, làm sập cầu treo, cuốn trôi tài sản của các hộ dân ở xã Bản Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai) hồi cuối tháng 6/2019. (Ảnh: Quang Lộc)
Mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ, trong đó có sự cố thủy điện Đắk Kar ở Đắk Nông và ngập lụt lịch sử ở Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, đến ngày 11/8, mưa lũ đã làm 10 người chết, trong đó Đắk Nông 5 người, 1 người ở Đồng Nai còn mất tích. Ước tính ban đầu thiệt hại về vật chất đã vượt 1.000 tỉ đồng.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh, tương tác với dải hội tụ nhiệt đới trên biển Đông gây mưa lớn và kéo dài ở Tây Nguyên và Nam bộ.
Đặc biệt, từ ngày 5 đến 10/8, ở Tây Nguyên đã xuất hiện mưa to đến rất to với tổng lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 8 ở khu vực này phổ biến 150-300 mm. TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) 402mm, Đắk Nông 353mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 375mm.
Ở khu vực Nam bộ, lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 8 cũng lên tới 100-250mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Trại An (Đồng Nai) tới 437mm. Đặc biệt tại Phú Quốc (Kiên Giang) tổng lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 8 là 1.167,4mm, trong đó ngày 5, ngày 7, ngày 8/8 có mưa rất lớn.
Theo ông Lâm, lượng mưa lớn như trên khá bất thường. Cụ thể, tại Buôn Ma Thuột, trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 8, lượng mưa chỉ khoảng 111mm, nhưng với lượng mưa 10 ngày đầu tháng 8/2019 đã gấp tới 4 lần.
Tại huyện đảo Phú Quốc, tổng lượng mưa trung bình mỗi năm vào khoảng 2.800mm, lượng mưa trung bình 10 ngày tháng 8 chỉ khoảng 163mm.
Tuy nhiên, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 8/2019 lượng mưa trung bình đã lên tới 1.167mm, vượt tới 7 lần so với trung bình và bằng gần một nửa lượng mưa cả năm. “Đây cũng là lượng mưa đo được cao nhất trong lịch sử quan trắc từ 1978 đến nay”, ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam bộ sẽ còn duy trì liên tục từ nay đến tháng 10. Khoảng thời gian này ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục chịu tác động của gió mùa Tây Nam.
Ngoài ra, khu vực này còn có thể có tác động của các xoáy thuận nhiệt đới, là áp thấp nhiệt đới hoặc bão xuất hiện vào giai đoạn cuối năm. “Đây là những hình thế có khả năng gây mưa lớn diện rộng ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, người dân cần hết sức lưu ý”, ông Lâm cảnh báo.
Trao đổi với Tiền Phong, GS TS Vũ Trọng Hồng cho biết, một số nhà khoa học đang đặt vấn đề, tại sao khu vực Quan Sơn (Thanh Hóa) mưa lũ đến sập nhà, nhiều người chết, mất tích?... Theo ông, cần phải làm rõ nguyên nhân, lũ trên các dòng sông là do mưa tự nhiên, hay là do thủy điện nhỏ xây dựng nhiều thời gian qua?
“Cái nguy hiểm nhất là thủy điện bậc thang, trên một dòng sông có đến 2,3,4 thủy điện nhỏ. Với các nước, đây là điều không hợp lý, bởi khi có lũ, thủy điện đầu tiên xả, thì thủy điện phía dưới cũng phải xả, gây ra lũ chồng lũ”, GS Hồng nói.
Thủy điện nhỏ ở Việt Nam có dung tích vài triệu m3, thậm chí mấy trăm nghìn m3. Năm 2012, Việt Nam đã dừng xây dựng thủy điện nhỏ, vì quy mô nhỏ, dễ gây lũ. Nhưng gần đây, các địa phương có quyền phê duyệt đầu tư các thủy điện nhỏ, loại nhà máy thủy điện chỉ mấy chục MW cũng được duyệt, với lý do thiếu điện…
“Tôi theo dõi, không quốc gia nào như ở Việt Nam, có dòng suối mấy chục lít/giây, họ cũng dồn ốp lại thành thủy điện nhỏ. Thậm chí, người ta còn đào hầm sâu xuống dưới đất để dòng chảy mạnh hơn, mất đi dòng chảy tự nhiên... Những loại thủy điện nhỏ tuổi thọ chỉ 66 năm, cao nhất là khoảng 100 năm”. Do vậy, việc xuất hiện lũ ở những vùng chưa bao giờ có lũ có thể còn gia tăng, GS Hồng cảnh báo.
Theo GS Hồng, những khu vực có nhiều thủy điện nhỏ là các tỉnh từ Quảng Nam trở vào, Thanh Hóa, Nghệ An, các tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn… Theo ông, lũ quét ở những khu vực này có thể còn diễn ra ở mức độ cao hơn nữa.
Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng cho rằng, cơ quan quản lý phải xem xét, tính toán lại, nếu những khu vực nào đã “lỡ” xây thủy điện nhỏ rồi, phải cảnh báo và có chính sách di dời dân. “Chẳng hạn chính sách một chốn đôi quê, mùa mưa di chuyển đi chỗ khác, nhưng mùa khô về đó để sản xuất”, ông Hồng đề xuất.
Liên quan đến mưa ngập nặng ở Phú Quốc (Kiên Giang), GS Hồng cho rằng đây là điều bất thường. Bởi Phú Quốc là một hòn đảo, nhưng không phải vị trí hứng bão như ở Philippines, hay là nơi xuất phát của những trận mưa… Lâu nay thường không bao giờ nhắc đến Phú Quốc về vấn đề ngập lụt.
Theo GS Hồng, vùng Cà Mau mưa nhiều hơn Kiên Giang. Vậy tại sao Phú Quốc vừa rồi lại ngập lụt nặng? “Phải chăng vừa rồi Phú Quốc phát triển quá nhanh, nhà nhà đổ xô mua đất, làm nhà, chưa tính toán đến quy hoạch, từ xây dựng đường sá, khu dân cư, quy hoạch thoát nước…hệ thống thoát nước tự nhiên bị phá vỡ, nên mới xảy ra ngập lụt?”, GS Hồng nói.
GS Hồng cũng cảnh báo, ở khu vực ở miền Bắc, có những nơi làm đường giao thông lại trúng nơi chứa nước, nên đến mùa mưa là ngập, sườn núi hai bên sạt lở. Đặc biệt, quá trình xây dựng nông thôn mới, xã nào cũng làm đường, tiện đâu làm đó, không tính toán đến vấn đề thoát nước tự nhiên.
“Quy hoạch nông thôn mới là phát triển theo xã, còn các dòng sông, dòng suối là phát triển theo lưu vực. Vì thế, các địa phương cần rà soát, xem xét thật kỹ vấn đề này”, GS Hồng lưu ý.