Hãy trả thêm 35 USD mỗi tháng nếu muốn dùng internet sạch. (Ảnh: AFP).
Các công ty công nghệ cho phép bạn sử dụng các dịch vụ miễn phí như Gmail, Maps, Facebook hay Instagram, đổi lại, họ có quyền thu thập các dữ liệu cá nhân của bạn, từ lịch sử duyệt web, những gì bạn mua, những vấn đề bạn quan tâm…
Những dữ liệu này ngoài việc góp phần gia tăng trải nghiệm cá nhân hóa của người dùng như các công ty công nghệ công bố, thì nó còn nhằm mục đích giúp các nhà phát triển tối ưu hóa quảng cáo trên các thiết bị cá nhân.
Vấn đề là người dùng bình thường sẽ không thể biết được mức độ mà những dữ liệu này được thu thập. Họ cũng không biết chính xác những gì mà các công ty công nghệ có thể làm khi nắm giữ thông tin của họ trong tay, sử dụng với mục đích gì, bảo mật như thế nào.
Đôi khi, những dữ liệu cá nhân có thể bị hack, hoặc được sử dụng cho những mục đích bất chính hơn là dùng để quảng cáo.
Hiện tại, Chrome là công cụ thu thập dữ liệu hàng đầu của gã khổng lồ tìm kiếm Google. Trong khi đó, Facebook đang vướng phải bê bối vì mua bán trái phép dữ liệu người dùng cho bên thứ ba.
Giả thiết rằng nếu các công ty công nghệ không có quảng cáo, họ sẽ ít thu thập dữ liệu cá nhân hơn. Nhưng nếu vậy thì họ sẽ kiếm tiền từ đâu? Chắc chắn sẽ phải tìm cách khác vì quảng cáo hiện đang là "bát cơm" nuôi sống những công ty tỉ đô như Google hay Facebook.
Và liệu rằng người dùng có thể trả thêm phí để sử dụng các dịch vụ công nghệ này?
Đó là lí do tại sao, Mỹ đang yêu cầu các công ty như Facebook, Google hay Amazon tiết lộ dữ liệu cá nhân người dùng hiện nay đáng giá bao nhiêu. US Digital Media, một công ty mua không gian quảng cáo cũng như thời gian quảng cáo trực tuyến từ Facebook, Google, được dự đoán là sẽ phải chi 106 tỉ USD trong năm nay, theo Zenith.
Chia con số này cho khoảng 250 triệu người dùng internet ở Mỹ, thì có thể thấy mỗi người sẽ phải trả khoảng 35 USD mối tháng, tương đương hơn 800.000 đồng để được sử dụng Internet sạch.
Về vấn đề này, các công ty như Amazon, Google hay Facebook đã từ chối bình luận khả năng sẽ cung cấp các phiên bản dịch vụ trả phí không có quảng cáo cho người dùng trong tương lai.
Không dễ gì để các công ty từ bỏ nguồn lợi từ dữ liệu cá nhân người dùng.
Nếu cứ cho rằng Facebook, Google sẽ thu phí người dùng để không hiển thị quảng cáo nữa, thì một vấn đề khác đặt ra là họ sẽ cá nhân hóa trải nghiệm trên các ứng dụng của mình như thế nào? Tức là, các dịch vụ của Facebook hay Google sẽ không còn hữu ích cho mọi người nữa, khi họ không còn được phép thu thập dữ liệu cá nhân.
Mặt khác, với hàng tỉ người dùng hiện tại, khả năng mỗi người dùng sẽ cùng lúc chi trả 35 USD mỗi tháng, sẽ tạo ra một khối lượng công việc khổng lồ, khiến các công ty công nghệ thêm vất vả với nhiệm vụ này.
Hơn nữa, con số 35 USD mỗi tháng chỉ là phỏng đoán, có thể giá trị thực tế của dữ liệu người dùng sẽ lớn hơn rất nhiều. Do đó không dễ gì để các công ty từ bỏ nguồn lợi này.
Vì vậy, rất ít khả năng Google, Facebook sẽ chuyển sang hoặc cung cấp thêm các mô hình trả phí. Nhưng những quan tâm của người dùng cũng như của chính phủ các nước về tính bảo mật và an toàn của dữ liệu cá nhân khiến các công ty này không thể mãi làm ngơ vấn đề này.
Đến một lúc nào đó, Facebook hay Google bắt buộc phải đánh giá lại cách khai thác dữ liệu và có những cam kết thực chất đối với quyền riêng tư của người sử dụng.
Việt Nam đứng đầu trong danh sách sản xuất các video có nội dung xấu độc để kiếm tiền trên YouTube.
Theo đánh giá sơ bộ, có 55.000 video, clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật, phát tán tin giả, bạo lực… đang tồn tại trên YouTube ở Việt Nam. Đáng chú ý, cứ 10 đồng thu nhập có được đến từ các video, clip vi phạm thì 5,8 đồng đến từ Việt Nam. Có nghĩa là Việt Nam đang đứng đầu thế giới trong việc sản xuất các nội dung xấu độc để kiếm tiền dựa trên nền tảng YouTube.
Giải thích việc Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các video có nội dung xấu độc phát triển, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng lỗi thuộc về cơ chế của Google, khi các bộ lọc của YouTube đã không làm việc hiệu quả, cơ chế kiểm duyệt lỏng lẻo, không có biện pháp ngăn chặn hay xử lí kịp thời.
Hiện tại, những video mang nội dung xấu độc, chống phá chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên YouTube, khoảng 0,1%, thế nhưng lại được phát tán và lan truyền nhanh, phủ sóng cao. Điều này đã gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lí để gỡ bỏ những video này.
Làm thế nào để bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường Internet? (Ảnh: Lorenzo Law Firm).
Theo các chuyên gia, việc rò rỉ thông tin cơ bản trên Facebook tại Việt Nam đã diễn ra từ lâu, và gần như không thể ngăn chặn nữa, vì chúng đã được tải về sẵn và lưu trữ trên máy chủ của các chợ đen, trước cả khi Facebook kịp tung ra các giải pháp hạn chế truy cập thông tin cá nhân.
Do vậy, về cơ bản người dùng sẽ không thể làm gì với thứ đã xảy ra, ít nhất là đối với những người dùng mạng từ 1-2 năm trở về trước.
Tuy nhiên, để hạn chế lộ thêm các thông tin không mong muốn, thì người dùng nên tránh tham gia các tiện ích Facebook được ngụy trang dưới dạng giải trí vui vẻ, như đoán tuổi, dự báo kiếp trước,... vốn được chia sẻ đầy nhan nhản trên mạng.
Bởi khi tham gia vào các tiện ích này, người dùng thường được hỏi quyền truy cập danh bạ, thông tin bạn bè,... và hầu hết chúng ta bấm "OK" (đồng ý) trong vô thức, vô tình cấp quyền cho phép các tiện ích truy cập các thông tin nhạy cảm.
Ngoài ra, nên hạn chế công khai các thông tin cá nhân như mã số bảo hiểm xã hội, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, nơi ở, ảnh gia đình,..trên trang cá nhân, bởi rất có thể các hacker sẽ sử dụng chúng như một nguồn dữ liệu để xâm nhập trái phép vào các tài khoản không được bảo mật đầy đủ.
Thời gian qua, vụ bê bối Facebook cung cấp dữ liệu cá nhân của 50 triệu người Mỹ và Anh cho Cambridge Analytica, một công ty tư vấn chính trị có trụ sở tại Anh và Mỹ, liên quan tới chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016 đã khiến Facebook đứng trước cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng có.
Tuy nhiên, Facebook cũng không phải là công ty duy nhất trên thế giới cho phép chia sẻ dữ liệu với các nhà phát triển và đối tác đến từ bên thứ ba, trong đó có thể nêu tên Google, Amazon,...