Việt Nam thất thu hàng ngàn tỉ đồng từ tiền thuế của Facebook, Google

Facebook, Google là hai website có lượng người dùng truy cập nhiều nhất Việt Nam, theo thống kê từ SimilarWeb. Ước tính doanh thu mỗi năm lên tới hàng ngàn tỉ đồng, tuy nhiên việc xác định và thu thuế đối với hai công ty này tại Việt Nam đang vấp phải những rào cản nhất định.

Lượng khách hàng khổng lồ và câu chuyện doanh thu "khủng"

Screenshot - 2019-06-21T184304

Facebook, Google là hai website có lượng người dùng truy cập nhiều nhất Việt Nam. (Thống kê: SimilarWeb).

Theo báo cáo mới nhất của SimilarWebFacebook và Google đang chia nhau hai vị trí dẫn đầu top các website được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam. Cũng theo báo cáo này, hiện tại ở Việt Nam có khoảng 60 triệu tài khoản Facebook hoạt động thường xuyên, xếp thứ 6 thế giới.

Alexa đưa ra số liệu chi tiết hơn với gần 400 triệu lượt truy cập mỗi tháng vào Google và hơn 350 triệu lượt đối với Facebook. Thời gian ở lại trang mỗi lần truy cập của hai web này lần lượt là 12 và 25 phút, lớn nhất trong tất cả các website hiện có.

Được biết, nguồn thu của hai nền tảng này lại chủ yếu đến từ các dịch vụ quảng cáo, điều này đồng nghĩa với việc càng có nhiều người truy cập thì doanh thu quảng cáo sẽ càng tăng lên.

Theo những dự đoán từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng đạt 550 triệu đôla.

Trong khi đó, Google và Facebook chiếm khoảng 66,7% thị phần, tương đương 387,1 triệu đôla. Cụ thể, Facebook kiếm được khoảng 235 triệu đôla, Google khoảng 152,1 triệu đôla từ các hợp đồng quảng cáo tại Việt Nam.

Dự đoán trong năm 2019, con số này sẽ còn tăng lên. Cụ thể, Facebook sẽ chiếm khoảng 275 triệu đôla, Google chiếm 174,9 triệu đôla trong "miếng bánh" quảng cáo trị giá 648 triệu đôla, tức khoảng 2/3 giá trị thị trường.

Làm một phép chuyển đổi đơn giản, dễ thấy mỗi năm cả Facebook và Google đều bỏ túi gần 9.000 tỉ đồng ở Việt Nam. Lượng khách hàng đáng mơ ước, doanh thu khủng, Facebook và Google đang hoạt động với tư cách là những doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề thu thuế đối với hai nền tảng này hiện đang còn rất nhiều rào cản dẫn tới việc thất thu thuế.

Những nghịch lí chỉ có ở Việt Nam: Doanh thu khủng, nộp thuế ít

nguyen-the-tan-6968-1557375644600x0-1557383221273830516128

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp, bày tỏ quan ngại với các hoạt động trốn thuế của Google, Facebook ở Việt Nam. (Ảnh: VnExpress).

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp trong Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 vừa qua.

Ông Tân cho hay Chính phủ cũng cần xem lại các chính sách thuế của mình. Bởi các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài như Google, Facebook hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhưng nhiều năm liền không đóng một đồng thuế nào, trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa như VCCorp mỗi năm phải đóng từ 15-20% thu nhập thuế.

Theo đó, ANTS đưa ra thống kê, doanh thu từ quảng cáo của các đơn vị trong nước năm 2018 chỉ vỏn vẹn 150 triệu đôla, chiếm hơn 30% nhưng lại là các doanh nghiệp chịu sự quản lí thuế chặt và đóng thuế nhiều nhất. Điển hình như: VCCorp, Zing, 24H, VnExpress…

Trong khi đó, mặc dù có doanh thu khủng, nhưng Google, Facebook không đóng thuế tại Việt Nam mà lại đẩy nghĩa vụ đóng thuế cho đối tác đại lí trong nước, đa phần là các công ty Việt Nam.

"Thời gian qua, khoản thuế nhà thầu mà cơ quan thuế thu được không phải do các doanh nghiệp nước ngoài như Google và Facebook nộp, mà chính doanh nghiệp Việt Nam đóng. Đây là điều rất bất hợp lý", PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho biết, theo VTC News.

Điều đó đồng nghĩa với việc, hiện tại, Việt Nam chỉ có thể kiểm soát và thu thuế đối với hai gã khổng lồ công nghệ này, với nguồn duy nhất là thu trực tiếp từ người mua quảng cáo thông qua các đại lí phân phối có trụ sở tại Việt Nam.

Tuy nhiên, với mạng xã hội Facebook, cho tới thời điểm hiện tại chưa có một đại lý chính thức nào được ủy quyền tại Việt Nam. Đặc biệt, để mua được các gói quảng cáo của trang mạng xã hội Facebook, khách hàng chỉ có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng, hoặc thẻ ghi nợ đồng thương hiệu gồm American Express, Mastercard, Visa hoặc bằng ví PayPal.

Riêng Google đã có một số đại lí đối tác được ủy quyền chính thức. Tuy nhiên, một lượng lớn nguồn tiền giao dịch lại không được thông qua các đại lí này, mà lại được chuyển thẳng trực tiếp cho Google thông qua các thẻ thanh toán quốc tế.

Trong khi đó, sau rất nhiều lần hứa hẹn, cả Facebook và Google vẫn chưa mở văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam. Điều này đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lí thuế của các cơ quan chức năng.

Facebook, Google bị tố trốn thuế tại nhiều quốc gia

image_dai_dien_giffacebook-google-tron-thue-quang-cao-doc-hai-tai-viet-nam-1520266683-871-width660height441

Facebook, Google bị tố trốn thuế tại nhiều quốc gia.

Việc thất thu thuế đối với các công ty công nghệ không chỉ là bài toán đau đầu của Việt Nam. Nó còn là nỗi nhức nhối của rất nhiều quốc gia trên thế giới cho phép các nền tảng công nghệ này hoạt động.

Theo phân tích của công ty tư vấn tài chính Standard & Poor’s, trong giai đoạn từ năm 2007- 2015, thuế suất của các công ty lớn tại Mỹ thu được rất ít, chỉ vỏn vẹn 27% lợi nhuận.

Cụ thể, Alphabet (công ty mẹ của Google) trả 16% lợi nhuận cho tiền thuế; Amazon trả 13% và con số này ở Facebook thậm chí còn thấp hơn, chỉ 3,8%.

Ở các quốc gia khác, sự chênh lệch giữa lợi nhuận và thuế còn lớn hơn. Năm 2016, Apple trả 2 tỉ đôla tiền thuế trong khi kiếm được 41 tỉ đôla lợi nhuận, thuế suất thực tế chỉ khoảng 4,8%.

Theo một báo cáo khác của Viện nghiên cứu Taxwatch, năm 2018 tổng lợi nhuận tại Anh của Facebook, Google, Apple, Microsoft và Cisco là hơn 6,6 tỉ bảng Anh, nhưng các doanh nghiệp này chỉ đóng tổng cộng 191 triệu bảng tiền thuế, một con số ít ai ngờ tới.

Để tránh thuế, cũng như tại Việt Nam, những ông lớn công nghệ này đã đặt chi nhánh tại nhiều nơi, và lợi dụng sơ hở về luật thuế của các quốc gia nhằm tránh nhiều khoản thuế khổng lồ một cách hợp pháp.

Nhận thức được thực trạng, mới đây 9/6, các nhà lãnh đạo tài chính của khối G20 đã đồng ý soạn thảo bộ quy tắc chung, để ngăn ngừa những "lỗ hổng" mà các đại gia công nghệ toàn cầu đang lợi dụng để né thuế.

Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã đưa ra gói cải cách có tên "Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận". Đến nay, có 125 quốc gia tham gia cải cách, tạo thành diễn đàn hợp tác chung với tên gọi "Inclusive Framework". 

Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 100 của diễn đàn này từ tháng 7/2017.

Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa thể giải quyết được gốc rễ vấn đề. Hầu hết các tập đoàn công nghệ vẫn tiếp tục chuyển lợi nhuận đến bất cứ đâu họ muốn và lợi dụng những lỗ hổng trong các phương thức giao dịch, thanh toán để trốn tránh nghĩa vụ phải đóng những khoản thuế khổng lồ.