Việt Nam đứng đầu danh sách các nước sản xuất video, clip có nội dung xấu độc để kiếm tiền trên Youtube

Theo đánh giá sơ bộ, có 55.000 video, clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật, phát tán tin giả, bạo lực… tồn tại trên YouTube ở Việt Nam. Đáng chú ý, cứ 10 đồng thu nhập có được đến từ các video, clip vi phạm thì 5,8 đồng đến từ Việt Nam. Có nghĩa là Việt Nam đang đứng đầu thế giới trong việc sản xuất các nội dung xấu độc để kiếm tiền dựa trên nền tảng YouTube.

Việt Nam là nước sản xuất video, clip có nội dung xấu độc hàng đầu thế giới

quang-cao-youtube-1-1560171383272294340491

Việt Nam đứng đầu trong danh sách các nước sản xuất nội dung xấu độc trên thế giới. (Ảnh: Reuters).

Tại buổi làm việc "Chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới", do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì diễn ra tại Hà Nội chiều nay, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục phát thanh Truyền hình & Truyền thông điện tử, cho biết thời gian qua, Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) đã rà quét để đánh giá các nội dung vi phạm trên hai nền tảng YouTube và Facebook. Hiện nay, theo đánh giá sơ bộ có 55.000 video, clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật, phát tán tin giả, bạo lực…đang tồn tại trên YouTube ở Việt Nam.

Tuy nhiên, sau hơn một năm, hiện mới chỉ gỡ bỏ 8.000 video, clip. Con số này thực sự rất nhỏ so với 55.000 video xấu độc, chống phá Nhà nước vẫn đang tồn tại trên Internet. Ông Lâm giải thích sở dĩ quá trình này diễn ra chậm vì chúng ta ở thế thụ động, không kiểm soát được chất lượng nội dung ngay ban đầu. Sau khi phát hiện ra clip vi phạm còn phải mất một khoảng thời gian để báo lại với YouTube và chờ đơn vị này xử lí.

"Cách làm như vậy từ trước đến giờ là không hiệu quả. Vì mỗi một phút trên thế giới hiện có 400 giờ video được tải lên YouTube, trong đó có Việt Nam. YouTube cũng chỉ gỡ bỏ từng đường dẫn một chứ không xóa hẳn kênh vi phạm nên hai bên rất vất vả", ông Lâm nói.

Cũng theo đại diện Bộ TTTT, đa phần các kênh YouTube có nội dung xấu độc đều được thực hiện ở Việt Nam. Người tạo ra những kênh này không chỉ nhằm mục đích kiếm tiền ở Việt Nam mà còn nhằm kiếm tiền ở thị trường nước ngoài.

Đáng chú ý, hiện nay thống kê được, cứ 10 đồng thu nhập có được đến từ các video, clip vi phạm thì 5,8 đồng đến từ Việt Nam. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang là nước đứng đầu thế giới trong việc sản xuất các nội dung xấu độc để kiếm tiền dựa trên nền tảng YouTube.

Giải thích việc Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các video có nội dung xấu độc phát triển, Bộ cho rằng lỗi thuộc về cơ chế của Google, khi các bộ lọc của YouTube đã không làm việc hiệu quả, cơ chế kiểm duyệt lỏng lẻo, không có biện pháp ngăn chặn hay xử lí kịp thời.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh những video mang nội dung xấu độc, chống phá chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên YouTube, khoảng 0,1%, thế nhưng lại được phát tán và lan truyền nhanh, phủ sóng cao. Điều này đã gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lí để gỡ bỏ những video này.

Doanh nghiệp muốn quảng cáo xuất hiện trên nội dung sạch: Hãy chi nhiều tiền hơn

youtube_fpct

Có khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip xấu độc.

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Thế Tân, CEO VCCorp trong buổi làm việc cùng Bộ TTTT chiều nay.

Trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng Việt Nam là đất nước sản xuất video xấu độc đứng đầu thế giới, không thể không kể đến vai trò từ chính các doanh nghiệp Việt Nam, mà cụ thể là nguồn tiền quảng cáo mà các doanh nghiệp này đổ vào hai nền tảng YouTube và Facebook, trở thành mạch máu nuôi dưỡng những vdieo, clip vi phạm pháp luật.

Các doanh nghiệp Việt Nam chi tiền để chạy quảng cáo trên YouTube nhưng lại phó mặc cho đại lí phân phối hay Google, dẫn tới việc không thể kiểm soát được. Nhiều thương hiệu nổi tiếng đã xuất hiện trong phần quảng cáo của những video xấu độc, như thương hiệu: FLC, Vincom, Sungroup, Thaco, Shopee, FPT, Grab… Vấn đề này vô hình chung đã tạo ra những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.

Để giải quyết bài toán trên, ông Nguyễn Thế Tân đưa quan điểm các doanh nghiệp hãy bỏ nhiều tiền hơn để quảng cáo được xuất hiện trong những nội dung sạch.

Theo ông Tân, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa có thói quen này. Dẫn chứng việc làm quảng cáo cho VTV, ông cho biết các doanh nghiệp đang đặt nặng vấn đề về chỉ số view mà quên mất một yếu tố quan trọng khác, là lượt view đó đến từ đâu.

"Giá trị lượt view có trong các video độc hại, nhảm nhí sẽ không thể bằng với lượt view đến từ các nội dung số sạch, chất lượng người xem đảm bảo. Nên đừng quy rằng nó bằng nhau và phải chấp nhận mức giá khác, cao hơn", ông Tân chia sẻ.

Dẫn chứng từ các công ty đã thành công khi quảng cáo thương hiệu trên những nội dung số sạch, CEO này chia sẻ: "Gần đây, Samsung, Nestle đã bắt đầu mua dịch vụ quảng cáo an toàn cho thương hiệu của họ. An toàn tức là thương hiệu đó sẽ không xuất hiện trong các nội dung chính trị, nội dung cướp, giết, hiếp…, tức là không có những hình ảnh ghê rợn. Họ trả sẵn sàng trả thêm 60% so với giá quảng cáo tiêu chuẩn, để thương hiệu được xuất hiện trên những nội dung sạch".

Đề xuất một giải pháp khác, đại diện Novaon cho rằng nếu Bộ TTTT muốn dọn rác thì dọn thẳng từ người xả rác. Pháp luật Việt Nam nên có những chế tài mạnh như phạt tù nhằm vào những đối tượng sản xuất video xấu độc tại Việt Nam, để tạo sự răn đe trong xã hội.

Ngoài ra, vị đại diện này cũng cho rằng nếu Google nhất quyết không hợp tác để giải quyết tình trạng này, Việt Nam có thể xây dựng một đội ngũ hacker để report các kênh xấu độc.

Đồng ý với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng phải đi bằng nhiều chân, và không bao giờ được khẳng định là không thể làm được. Việt Nam sẽ làm hết sức để mang lại môi trường Internet sạch cho người dân.

Chưa thu được một đồng tiền thuế nào từ Google, Facebook

hard-youtube-money-670x335

Việt Nam đang thất thu thuế với Facebook, Google. (Ảnh: MakeUseOf).

Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết thêm hiện tại Việt Nam chưa thể kiểm soát được những nội dung đưa lên Google, Facebook ngay từ ban đầu, "cũng chưa thu được một đồng tiền thuế nào từ các tập đoàn này".

Vướng mắc ở chỗ người mua dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam ngày càng có xu hướng mua trực tiếp với Google, mà không thông qua các đại lí phân phối để giảm chi phí trung gian.

Hiện có hơn 130.000 kênh trên YouTube là tiếng Việt, nhưng chỉ có 6.000 kênh có quảng cáo thông qua các đại lí phân phối chính tại Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng rất khó để tìm ra mã số thuế, chủ tài khoản, hay dòng tiền lợi nhuận để kiểm soát.

Được biết năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng đạt 550 triệu USD. Trong khi đó, Google và Facebook chiếm khoảng 66,7% thị phần, tương đương 387,1 triệu USD. Cụ thể, Facebook kiếm được khoảng 235 triệu USD và Google khoảng 152,1 triệu USD từ các hợp đồng quảng cáo tại Việt Nam.

Không những không kiểm soát được nguồn tiền từ quảng cáo của Facebook, Google, ông Nguyễn Thanh Lâm còn đưa ra thống kê mỗi người sáng tạo nội dung YouTube tại Việt Nam có thể kiếm được từ 100-300 USD trên mỗi nội dung. Tuy nhiên, nguồn doanh thu này Việt Nam vẫn chưa thể kiểm soát.

Để khắc phục thực tế này, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu quay lại cơ chế "Thu thuế trước, hoàn thuế sau". Cụ thể, cứ doanh thu trên 100 triệu thì thu, dưới 100 triệu thì bỏ qua.

Trong khi đó, về phía Facebook và Google, sau rất nhiều lần hứa hẹn vẫn chưa mở văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam. Điều này đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lí của các cơ quan chức năng.