Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương thúc đẩy nhanh hơn nữa việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Mỹ.
Theo thông báo của Bộ Công Thương, nhiều nước trên thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu một lượng lớn mặt hàng khẩu trang, thiết bị bảo hộ y tế để phòng, chống dịch Covid-19.
Tại Mỹ, một số cơ quan thuộc chính quyền bang California hiện cần mua hàng tỉ sản phẩm khác nhau, từ khẩu trang N95, khẩu trang các loại, bộ đồ bảo hộ y tế, găng tay, tấm bảo vệ mặt, đến máy thở cả 2 loại xâm nhập và không xâm nhập, thiết bị nhỏ giọt IV, gạc y tế và các vật tư y tế khác.
Canada cũng đang có nhu cầu đối với các mặt hàng như khẩu trang N95 dùng một lần, khẩu trang phẫu thuật dùng một lần, găng tay, áo choàng y tế và bộ đồ bảo hộ y tế, sản phẩm rửa tay sát khuẩn… Ngoài ra, Canada còn cần máy trợ thở cấp ICU, thiết bị đo nhiệt độ, bộ kit xét nghiệm Covid-19, các sản phẩm, vật tư ngừa dịch khác…
Tại các nước châu Âu như Tây Ban Nha và Đan Mạch, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng đang ráo riết tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu thiết bị y tế và hàng bảo hộ phòng chống dịch Covid-19, để cung cấp cho Bộ Y tế cùng các bệnh viện nước sở tại.
Ngoài khẩu trang, thiết bị y tế, Nga cũng đang tìm kiếm các mặt hàng như thuốc và các hợp chất để đáp ứng nhu cầu đất nước hiện tại.
Cục Xúc tiến thương mại và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ của Bộ Công Thương gần đây liên tục thông báo tình hình nhu cầu thị trường từ các nước, để các doanh nghiệp Việt Nam liên quan có thể kết nối, cung cấp sản phẩm cho loạt thị trường tiềm năng này.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, ASEAN... đều bị ngừng trệ. Doanh nghiệp đang tăng cường chuyển một số mặt hàng xuất khẩu nước ngoài sang tiêu thụ tại thị trường nội địa; may mặc chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, để cung cấp cho thị trường, vớt vát phần nào doanh thu.
Đáng chú ý, một trong những doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là Tổng công ty May 10 vừa có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế, dự kiến giao hàng từ tháng 7 tới.
Tổng giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết tổng giá trị đơn hàng này ước tính đến 52 triệu USD, tương đương 30% doanh thu của May 10 trong năm nay. Ngoài ra, còn có đối tác Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần, đối tác Đức đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu khẩu trang y tế.
Ông Thân Đức Việt cho rằng trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các đối tác ngưng đặt hàng, khiến doanh nghiệp thiếu hụt gần 30% đơn hàng, thì doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi để thích ứng, kì vọng doanh thu phần nào sẽ được bù đắp từ việc may khẩu trang, khi nhu cầu đang rất lớn.
Doanh nghiệp này đã quyết định sản xuất thêm khẩu trang y tế bên cạnh khẩu trang vải, và hiện đã nhập máy móc về để lắp đặt, chuẩn bị vận hành.
Tuy nhiên, ông chủ của đơn hàng khẩu trang "khủng" trị giá 52 triệu USD này lại băn khoăn, hiện Chính phủ chỉ cho phép dùng trong nước 75% sản lượng khẩu trang y tế, 25% còn lại phải có chỉ định, hợp đồng. Điều này sẽ khiến những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khẩu trang gặp khó khăn.
Ngoài ra, trong khi nhiều nước đang có nhu cầu về quần áo phòng, chống dịch, nhưng hiện trong nước chưa có đơn vị kiểm tra tiêu chuẩn, cũng như chưa có hướng dẫn xuất từ Chính phủ nên các doanh nghiệp cũng đang đau đầu.
Trước thực tế hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là thời cơ của ngành công thương trong việc xuất khẩu khẩu trang ra nước ngoài.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương cùng Bộ Y tế sớm xác định số lượng cung ứng khẩu trang cần thiết để hướng tới xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, và mạnh mẽ hơn là tất cả các nước.
Bộ Công Thương phải thúc đẩy nhanh hơn việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Mỹ.
Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhập khẩu khẩu trang và dụng cụ phòng hộ từ các nước khác.
Sau đó, tổng hợp thông tin về đầu mối doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu khẩu trang và một số trang thiết bị y tế, gửi các doanh nghiệp có nhu cầu để chủ động kết nối.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các thương vụ khẩn trương tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn của Việt Nam, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp dệt may, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Phía Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tăng cường sản xuất và cung ứng các sản phẩm khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang vải, đáp ứng nhu cầu của người dân sử dụng phòng, chống dịch bệnh.
Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải hiện gặp phải, đó là cơ quan hải quan khó phân biệt khẩu trang vải và khẩu trang y tế khi làm thủ tục thông quan xuất khẩu.
Đại diện Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Tổng cục Hải quan, Bộ Y tế, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam để giải quyết vướng mắc này, nhằm tạo thuận lợi xuất khẩu khẩu trang vải cho các doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn về đầu ra.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020