Mỹ truy tố hình sự hàng chục phụ huynh chạy điểm cho con vào trường danh giá

Có khoảng 50 người (cả phụ huynh học sinh) bị buộc tội do liên quan đến đường dây chạy điểm vào các trường đại học danh giá ở Mỹ diễn ra từ năm 2011.

Các công tố viên liên bang Hoa Kỳ đã buộc tội diễn viên Hollywood Felicity Huffman và Lori Loughlin, cùng gần 50 người khác trong kế hoạch giúp những người Mỹ giàu có đưa con cái vào học tại trường đại học danh giá gồm Yale, Georgetown, Stanford, Đại học Nam California, Đại học California và Los Angeles một cách dễ dàng.

Mỹ truy tố hình sự hàng chục phụ huynh chạy điểm cho con vào trường danh giá - Ảnh 1.

Diễn viên Lori Loughlin bị buộc tội gian lận và âm mưu. Ảnh: Daniel Moloshok / Reuters

Những người bị truy tố gồm 33 phụ huynh và một số huấn luyện viên thể thao trong trường đại học. Đây được cho là vụ gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất từng bị Bộ Tư pháp truy tố.

Về cách thức gian lận, các quản sinh tại các kì thi đại học SAT (kì thi phổ biến nhằm sát hạch học sinh, sinh viên trong các kì thi tuyển sinh vào hệ đại học - cao đẳng tại Mỹ) và ACT (kì thi chuẩn hóa được sử dụng đánh giá năng lực học tập của học sinh trung học, là một trong những điều kiện tiên quyết khi xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng tại Hoa Kỳ) đã bị mua chuộc để cho phép người thi hộ bước vào phòng thi làm bài. Một số trường hợp khác, quản sinh đã lén đưa đáp án hoặc sửa câu trả lời sai của thí sinh, theo đơn khiếu nại hình sự.

Theo FBI, một người đàn ông tên Mark Riddell, cựu vận động viên quần vợt, giám đốc luyện thi đại học tại một trường nội trú ở Florida là người hợp tác mạnh mẽ với đường dây gian lận. Theo đó người này sẽ thay các thí sinh làm bài thi hoặc tác động vào điểm số của họ.

Cha mẹ của các thí sinh gian lận sẽ phải trả từ 15.000 – 75.000 đô la cho một bài kiểm tra đã qua "xử lí". Chủ mưu của đường dây gian lận được cho là William Singer, người điều hành một công ty dự bị đại học có tên The Key.

Ngoài việc thi hộ, sửa điểm hộ, trong đường dây gian lận, các huấn luyện viên của trường đại học còn bị cáo buộc đã nhận hối lộ để tác động vào hồ sơ của thí sinh. Cụ thể, dù không có năng khiếu về các môn thể thao, các thí sinh vẫn được 'phù phép' để trở thành những vận động viên không chuyên – đối tượng sẽ được tuyển thẳng vào các trường đại học.

Cụ thể, họ sẽ sử dụng các phần mềm chỉnh sửa thông tin, hình ảnh để tạo hồ sơ giả, cùng với sự 'trợ giúp' của huấn luyện viên, các hồ sơ này sẽ dễ dàng được lựa chọn.

Các 'khách hàng' buộc phải trả cho William Singer tổng cộng 25 triệu đô la để hối lộ các huấn luyện viên và quản sinh.

Để hợp pháp hóa số tiền hối lộ, nhóm người trên đã lập ra một tổ chức từ thiện với tên gọi Key Worldwide. Các khoản thanh toán của các phụ huynh giàu có sẽ được chuyển đến tài khoản với nội dung: Quyên góp từ thiện. Số tiền này được sử dụng để hối lộ cho người coi thi và các huấn luyện viên trong trường đại học.

Trong một cuộc nghe lén của William Singer với một khách hàng được ghi vào năm 2018, 'ông trùm' nói: "Chúng tôi có thể giúp các gia đình giàu có nhất tại Mỹ cho con họ đi đại học".

Một chi tiết được nêu trong các tài liệu gửi tòa án, có phụ huynh đã trả chi trả 1,2 triệu đô la để đưa con vào học tại đại học Yale năm 2017.

Số tiền 200.000 – 6,5 triệu đô la là khoản mà các bậc phụ huynh bỏ ra để đảm bảo con cái họ có thể nhập học.

Để tránh sự nghi ngờ, các điểm số được nâng lên phải tính toán và cân nhắc kĩ lưỡng. Thậm chí các sinh viên còn được yêu cầu cung cấp mẫu chữ viết tay để người thi hộ tập viết cho trùng khớp.

Mỹ truy tố hình sự hàng chục phụ huynh chạy điểm cho con vào trường danh giá - Ảnh 2.

Mẫu chữ viết tay của một học sinh được cung cấp cho người thi hộ. Ảnh: Văn phòng luật sư Hoa Kỳ tại Boston

Sau khi vụ việc bị phát hiện, nhiều người dân tỏ thái độ phẫn nộ và bàng hoàng. "Cách mà tổ chức này hoạt động thật không thể tin được", một phụ huynh chia sẻ.

200 đặc vụ FBI đã tham gia vào cuộc điều tra với tên gọi Chiến dịch Varsity Blues. Thân thế của phụ huynh các học sinh được tham gia vào đường dây chạy trường được tiết lộ gồm các CEO, doanh nhân chứng khoán, thương nhân bất động sản, nhà thiết kết thời trang và chủ tịch của một công ty luật toàn cầu.

Trước đó, huấn luyện viên bóng đá nữ Rudy Meredith tại Yale đã cũng bị cáo buộc nhận 400.000 đô la để đưa một nữ sinh vào trường, mặc dù nữ sinh này chưa từng chơi bóng đá.

Sau quá trình điều tra, Rudy Meredith, John Vandemoer - cựu huấn luyện viên chèo thuyền tại Stanford - đều đã nhận tội.

Mỹ truy tố hình sự hàng chục phụ huynh chạy điểm cho con vào trường danh giá - Ảnh 3.

Nữ diễn viên Felicity Huffman là một trong 33 phụ huynh bị buộc tội mua điểm cho con. Ảnh: Mario Anzuoni / Reuters

Huffman và Macy bị buộc tội gian lận mua điểm khi thực hiện khoản thanh toán 15.000 đô la dưới hình thức quyên góp từ thiện để để đưa con gái của họ vào đại học Yale. Sau khi xuất hiện tại tòa án ở Los Angeles, Huffman có thể được ra ngoài với số tiền bảo lãnh 250.000 đô la. Tuy nhiên nữ diễn viên được yêu cầu không di chuyển đến các khu vực khác ở Hoa Kỳ.

Nhận định về vụ việc gian lận thi cử trên, Lenore Pearlstein, nhà xuất bản của tạp chí Insight Into Diversity, chuyên về giáo dục đại học và kinh doanh ở Mỹ cho biết: "Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra. Chúng như 'cái tát vào mặt' đối với những người thực sự đang cố gắng tạo ra sự thay đổi như tôi".


chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.