Năm Bảy Bảy thoát lỗ nhờ doanh thu hợp tác đầu tư, đã nhận khoản góp vốn 750 tỷ từ CII E&C

Theo BCTC hợp nhất quý I, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu thuần giảm 82% so với cùng kỳ, còn 14 tỷ đồng. Song, doanh thu tài chính 41 tỷ đồng, công ty thoát lỗ và báo lãi sau thuế 133 triệu đồng, giảm 93% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo tài chính quý I/2023 hợp nhất của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB) ghi nhận doanh thu thuần 14 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2022, phần lớn do giảm 85% doanh thu từ kinh doanh bất động sản còn 10,3 tỷ đồng, giảm doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn gần 3,8 tỷ đồng.

Song, doanh thu hợp tác đầu tư tăng cao, qua đó doanh thu tài chính kỳ này của Năm Bảy Bảy tăng 48%, đạt 41 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chi phí như chi phí tài chính và chi phí quản lý cũng lần lượt giảm 25% và 28% so với cùng kỳ.

Kết quả, Năm Bảy Bảy đạt lợi nhuận sau thuế 133 triệu đồng, giảm 93%.

 

 KQKD của Năm Bảy Bảy trong quý I. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC DN).

 

 

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp, trong quý I, hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động lỗ gần 2,5 tỷ đồng. Trong quý, công ty cũng chi tiền để tăng các khoản phải thu, tăng hàng tồn kho. 

Song, nhờ tăng các khoản phải trả, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty dương 484,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ở mức dương 144 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3, các khoản phải trả khác trong ngắn hạn của công ty đã tăng 247% so với đầu năm lên 1.031 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận thêm khoản 750 tỷ đồng lãi phải trả hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Năm Bảy Bảy và CII E&C để triển khai hoạt động kinh doanh tại các dự án. Việc ký kết hợp tác với CII E&C đã từng được Năm Bảy Bảy công bố hồi giữa tháng 3 vừa qua.

Tại ngày 31/3, tổng tài sản của Năm Bảy Bảy tăng 5,4% so với đầu năm, đạt 6.732 tỷ đồng, phần lớn nhờ tăng các khoản phải thu ngắn hạn (đạt 1.889 tỷ đồng) và khoản hàng tồn kho (đạt 1.418 tỷ đồng).

Trong đó, công ty có 1.857 tỷ đồng phài thu vốn góp hợp tác đầu tư, tăng 18% so với đầu năm, bao gồm ghi nhận mới khoản phải thu ngắn hạn 500 tỷ đồng. Đây là các khoản hợp tác với CII và Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm để kinh doanh dự án cao ốc 152 Điện Biên Phủ và các dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Hàng tồn kho của Năm Bảy Bảy chủ yếu tập trung tại các dự án như Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (593 tỷ đồng), Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư Delagi (738,2 tỷ đồng), Khối căn hộ văn phòng City Gate Towers (17,7 tỷ đồng), Khu căn hộ Cao tầng Diamond Riverside (22,8 tỷ đồng) và Khu đô thị Sinh thái Đồn điền Hạ Long (28 tỷ đồng),...

Về tình hình nợ tài chính, cuối quý I, tổng nợ tài chính của Năm Bảy Bảy đạt 2.705 tỷ đồng, giảm 13,6% so với đầu năm, chủ yếu nhờ giảm các khoản vay từ cá nhân (còn 898 tỷ đồng) và tất toán được một số khoản vay như từ CII (125 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội (400 tỷ đồng), tất toán được lô trái phiếu mã NBBH2124001 (290 tỷ đồng).

Sau khi tất toán lô trái phiếu trên, tính tới ngày 31/3/2023, doanh nghiệp không có dư nợ trái phiếu.

 

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.