CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông (mã chứng khoán: VC3) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần 193 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 51,7 tỷ đồng cùng kỳ. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh từ mức 1,1 tỷ đồng cùng kỳ lên 31,8 tỷ đồng trong quý III vừa qua, dù giá vốn, chi phí đều tăng và phát sinh thêm chi phí bán hàng.
Trong cơ cấu doanh thu thuần quý III của Nam Mê Kông, doanh thu kinh doanh bất động sản đạt 191,3 tỷ đồng, chiếm 99,2%. Biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh bất động sản cũng tăng từ mức 14% cùng kỳ lên 31% trong quý vừa qua.
Kết quả doanh thu bất động sản này cũng tương đương cao gấp 4 lần cùng kỳ, chủ yếu do trong quý, công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu từ các sản phẩm bất động sản thuộc dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (tên thương mại: dự án La Celia City) bàn giao cho khách hàng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Nam Mê Kông đạt 384 tỷ đồng và 56,8 tỷ đồng, đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận ròng đạt 56,6 tỷ đồng, cũng tăng mạnh so với con số 2,7 tỷ đồng cùng kỳ và tương đương thực hiện gần 13% kế hoạch lợi nhuận năm nay của doanh nghiệp.
Lợi nhuận thu về lớn, song, trong kỳ, công ty cũng có nhiều khoản chi lớn cho hoạt động kinh doanh như để giảm các khoản phải trả, tăng các khoản phải thu... do đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm, hơn 358 tỷ đồng.
Nhờ các khoản thu vào từ thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác, cũng như thu từ đi vay, dòng tiền thuần trong kỳ của Nam Mê Kông vẫn duy trì dương ở mức gần 2,3 tỷ đồng.
Qua đó, lượng tiền và tương đương tiền của công ty tại ngày 30/9 có tăng nhẹ so với đầu năm. Song, công ty không còn khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (vào tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn) như đầu năm, do đó, tổng lượng tiền mặt giảm 70% còn gần 134,6 tỷ đồng.
Ngược chiều, dư nợ vay tài chính tăng gần 60% so với đầu năm lên mức hơn 387 tỷ đồng, trong đó 384 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, chủ yếu là các khoản vay ngân hàng nhằm bổ sung vốn lưu động và rót vốn cho hai dự án bất động sản là Khu đô thị Bảo Ninh 2 (Quảng Bình) và The Charms (Bình Dương).
Tại ngày 30/9, tồn kho của hai dự án này lần lượt là 1.877 tỷ đồng và 475 tỷ đồng, cũng là hai dự án đang ghi nhận giá trị tồn kho lớn nhất của Nam Mê Kông. Bên cạnh đó, công ty cũng ghi nhận hơn 18 tỷ đồng tồn kho tại dự án Khu dân cư Vinaconex 3 - Phổ Yên (Thái Nguyên) và gần 5 tỷ đồng tại các dự án bất động sản khác.
Danh mục tồn kho nói trên đều là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án. Công ty cho biết, tại ngày 30/9, công ty không ghi nhận tồn kho thành phẩm nào.
Riêng đối với dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2, tại ngày 30/9, công ty đang ghi nhận hơn 1.256 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước theo tiến độ dự án, tăng 5,3% so với đầu năm.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Nam Mê Kông ở mức hơn 3.546 tỷ đồng.
Nam Mê Kông tiền thân là thành viên thuộc Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG), từng được biết đến với tên gọi CTCP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) và được cổ phần hóa từ năm 2002.
Đến năm 2019, Nam Mê Kông rời nhóm Vinaconex và đổi tên thành CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông (Mekong Group) như hiện tại, chuyển hướng sang phân khúc bất động sản hạng sang, thay vì những dự án nhỏ, dân dụng như trước.
Website của Nam Mê Kông cho thấy, hiện công ty đang triển khai hai dự án bất động sản tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình là Khu đô thị Bảo Ninh 2 (La Celia City) (quy mô 18,19 ha) và Tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở Đồng Hới Complex (quy mô 5,81 ha), cùng một dự án tại Bình Dương là The Charms (quy mô 1,31 ha). Theo doanh nghiệp, đây cũng là các dự án gối đầu của công ty trong năm 2024.
Trong đó, dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 đã bắt đầu bàn giao trong quý IV/2022 và giúp công ty báo lãi sau thuế gần 78 tỷ đồng, cũng là mức lãi quý cao nhất của Nam Mê Kông từ trước đến nay.