Trở về từ kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế tổ chức ở Indonesia, chủ nhân huy chương vàng Tạ Bá Dũng liên tục nhận được lời chúc mừng từ người thân và bạn bè. Dáng vẻ cao to và nụ cười hiền lành, Dũng luôn khiêm tốn khi ai đó hỏi về thành tích học tập.
Nam sinh trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ bất ngờ khi giành giải vàng vì đề thi thử thách học sinh và bài làm của em có phần không hoàn hảo, số điểm nhận được chỉ 30,25/50 điểm. "Làm bài xong, em vẫn nghĩ chắc cao nhất chỉ được huy chương bạc", Dũng nói.
Trước đó, Bá Dũng từng đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia và huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á. Tất cả thành tích này đều đạt được trong năm cuối cùng ở trường THPT.
Đam mê Vật lý ngay từ lần đầu tiếp xúc với môn học năm lớp 6, Dũng cho rằng Vật lý có rất nhiều ứng dụng vào đời sống. “Từ cậu bé không biết vì sao có cầu vồng, nhật thực hay nguyệt thực, vì sao máy móc hoạt động được, nhờ Vật lý em đã giải đáp được hàng trăm câu hỏi khi còn nhỏ”, Dũng say sưa nói.
Từ kiến thức hữu ích ban đầu đó, tình yêu Vật lý của Dũng lớn dần, đến độ “thấm vào trong máu”. Dũng hay tò mò về những thiết bị xung quanh. Khi không hiểu nguyên lý hay quá trình hoạt động của thứ gì, em lại tìm tài liệu đọc.
“Em không đọc quá nhiều đầu sách nhưng đổi lại em rất chú trọng tìm ý chính, tự phát triển và mở rộng kiến thức”, Dũng nói và cho rằng cách học này giúp em nhớ sâu và lâu hơn.
Nhận định Vật lý hay nhưng yêu cầu phức tạp và có phần nặng về Toán học, Dũng thường xuyên gặp phải bài khó. “
Một bài Vật lý, hai ngày không nghĩ ra cách giải là chuyện bình thường.
Những lúc như vậy, em và các bạn trong đội tuyển lại cùng nhau trao đổi”, Dũng thông tin.
Theo chàng trai sinh năm 1999, điều quan trọng trong mỗi lần trao đổi là có thể lục lại rất nhiều kiến thức, ngay cả khi không tìm ra cách giải quyết.
Tạ Bá Dũng đam mê Vật Lý và đặc biệt yêu thích piano. Ảnh: Dương Tâm |
Cùng với niềm đam mê Vật lý, Dũng đặc biệt thích chơi piano và coi đó là cách hiệu quả giúp thoải mái đầu óc. “Em có thể chơi thuần thục một số bài. Mỗi ngày em dành 3 tiếng để học thì cũng dành khoảng 1-2 tiếng cho piano”, Dũng chia sẻ và cho biết cũng thích chơi tennis hay xem phim lúc rảnh rỗi.
Bà Đỗ Thanh Hà, mẹ của Tạ Bá Dũng, nói về con trai: "Một khi Dũng đã ngồi vào đàn thì phải chơi chán mới đi học”.
Có chồng làm bác sĩ và bản thân làm ở một viện nghiên cứu, bà Hà từng mong muốn Dũng học Y nhưng không ép con. “Tôi nghĩ vậy nhưng khi con đưa ra quyết định theo đuổi đam mê Vật lý, gia đình rất khuyến khích”, người mẹ nói.
Bà Hà xúc động nhớ lại câu chuyện khi còn học THCS, Dũng rất hay hỏi mẹ những vấn đề liên quan đến Vật lý. Khi bất kỳ ai đó hỏi muốn làm gì, em cũng dõng dạc đáp muốn trở thành một nhà vật lý. Bắt đầu lên THPT, Dũng say mê với những thí nghiệm. Em thường tự tìm hiểu rồi lên chợ trời mua đồ về làm.
“Tôi vẫn nhớ một lần khi đang nấu cơm, điện vụt tắt và một tiếng nổ phát ra. Chưa kịp lấy lại bình tĩnh thì Dũng từ trong phòng lao ra hỏi mẹ có sao không rồi bảo con vừa làm thí nghiệm”, bà Hà kể. Đôi khi bà cũng lo lắng với mấy thí nghiệm có phần mạo hiểm của con, nhưng không vì thế mà ngăn cản.
Tạ Bá Dũng (giữa) hy vọng có thể nghiên cứu sâu ngành Vật lý ở môi trường quốc tế. Ảnh: Dương Tâm |
Cụ Võ Đương Đảm, hàng xóm của gia đình Bá Dũng, khẳng định Dũng không thể làm gì khác ngoài nghiên cứu khoa học. Tuổi cao, sức khỏe không tốt nhưng cụ Đảm vẫn có mặt ở sân bay, đợi đến 11h đêm đón Dũng từ Indonesia trở về.
“Sống gần Dũng từ nhỏ, tôi hiểu cháu như những đứa cháu của mình. Dũng trầm tính và chắc chắn đúng như phong cách của một nhà khoa học. Điều đáng quý nữa ở cậu bé rất lễ phép và chơi piano giỏi. Tôi mê tiếng đàn của Dũng lắm. Nhà khoa học mà chơi đàn giỏi thì rất thú vị", cụ Đảm nhắc đi nhắc lại câu nói đó khi đứng đợi Dũng ở sân bay.
Nói về dự định tương lai, Dũng cho biết sẽ nhập học ngành Cơ điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của em vẫn là du học Mỹ để có điều kiện nghiên cứu sâu ngành Vật lý.
“Em nhắm tới những trường top đầu như Viện Công nghệ Massachusetts hay Đại học Chicago. Em hy vọng có thể nâng cao trình độ ngoại ngữ, sớm hoàn thành hồ sơ để được sang Mỹ vào năm sau”, Dũng nói.
11 "chàng trai vàng" Olympic quốc tế. Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2017 được tổ chức tại Indonesia, có 424 thí sinh từ 86 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đội tuyển Việt Nam có 5 học sinh góp mặt và đều giành huy chương, đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Singapore. Đây là thành tích cao nhất của Việt Nam trong lịch sử thi Olympic Vật lý quốc tế. 4 em đạt huy chương vàng là Đinh Anh Dũng (lớp 12, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội); Tạ Bá Dũng (lớp 12, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội); Nguyễn Thế Quỳnh (lớp 12, THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình); Trần Hữu Bình Minh (lớp 12, THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An). Huy chương bạc thuộc về em Phan Tuấn Linh (lớp 12, THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An). |