Nâng tầm khu công nghiệp TP HCM - Bài 1: Mô hình tiên phong

Khu chế xuất, KCN tại TP HCM đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số và các nhà đầu tư lớn đang có kế hoạch chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam.

Để có cái nhìn tổng quan, Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu hai bài viết về thực trạng và những vấn đề liên quan mà khu chế xuất, KCN thành phố đã và đang chuyển mình thay đổi nhanh nhằm đáp ứng yêu cầu trước giai đoạn mới.

Bài 1: Mô hình tiên phong

Từ những năm đầu thập niên năm 1990 đến nay, các khu chế xuất, KCN thành phố được thành lập đã đạt được nhiều thành tựu bước đầu, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Mục tiêu ban đầu của các khu chế xuất, KCN nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo tiền đề hội nhập nền kinh tế Việt Nam với thế giới.

* Giải quyết “bài toán” về lao động

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất, KCN thành phố (Hepza), đến nay TP HCM có 17/19 khu chế xuất, KCN được thành lập đã đi vào hoạt động với diện tích đất cho thuê đạt 1.948 ha/tổng số 2.539,06 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 77%.

Về cơ bản, các khu chế xuất, KCN thành phố đáp ứng yêu cầu đặt ra trong việc thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị xuất khẩu. Đồng thời, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu phát triển, thành phố lấy tiêu chí “lấp đầy” để giải quyết “bài toán” về lao động; chưa nhiều kinh nghiệp trong việc tiếp cận với công nghệ, nguồn vốn và trình độ quản lý từ nước ngoài nên chưa có sự chọn lọc dự án đầu tư. Các khu chế xuất, KCN thiếu tính hấp dẫn về chính sách ưu đãi, kết cấu hạ tầng đồng bộ, giá cho thuê lại đất, nguồn nhân lực; khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên thiếu quỹ đất lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất, KCN TP HCM cũng nhìn nhận, điều này khiến cho chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu chế xuất, KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa. Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình trên 1 ha đất công nghiệp cho thuê tuy có gia tăng qua các thời kỳ, nhưng hiệu quả sử dụng đất tác các khu chưa cao hay nói cách khác là vẫn thấp so với tiềm năng và lợi thế của TP.

Cùng với đó là hạ tầng phục vụ KCN thiếu đồng bộ; một số khu công nghiệp được thành lập giai đoạn đầu thiếu các công trình hạ tầng xã hội phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của công nhân. Do đó, hạ tầng xã hội tại các khu chế xuất và KCN chưa đáp ứng được nhu cầu của hơn 71% lao động nhập cư đến từ các tỉnh. Hệ thống giao thông kết nối đến các khu chế xuất và khu công nghiệp dù có cải thiện, nhưng chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ so với sự phát triển của các khu chế xuất và KCN.

“Sau 30 năm thành lập, mô hình phát triển của các khu công nghiệp TP chậm đổi mới, chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Liên kết, hợp tác trong khu chế xuất, KCN; giữa các khu chế xuất, KCN với nhau và giữa khu chế xuất, KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế, mức độ nội địa hóa còn thấp; thiếu các KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa”, ông Năng nhận định.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất, KCN TP HCM cũng chỉ ra những hạn chế về nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư nên phải đào tạo lại. Mô hình quản lý theo cơ chế “Một cửa, tại chỗ” tuy được phát huy và nhân rộng nhưng còn nhiều bất cập, quy định về khu chế xuất và khu công nghiệp mới chịu sự điều chỉnh ở cấp nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp luật.

Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ban Quản lý Khu chưa rõ ràng, ổn định, chưa được phân cấp đầy đủ và đủ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa, tại chỗ” của Chính phủ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quản lý chuyên ngành không thống nhất với quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý…

Ông Hưng cho biết thêm, sắp tới các khu chế xuất và khu công nghiệp lần lượt hết thời hạn 50 năm thuê đất của nhà nước, do vậy cần phải xác định lộ trình thích hợp để từng bước chuyển đổi theo các mô hình khu công nghiệp hiệu quả hơn.

Theo đó, tập trung tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ. Đồng thời, tập trung xây dựng mới các Khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp dược, công nghệ thông tin, điện điện tử, cơ khí chế tạo, lương thực thực phẩm... gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển bền vững các khu chế xuất và khu công nghiệp.

* Gia tăng hiệu quả đầu tư

Theo thống kê của Hepza, hiện vốn đầu tư vào ngành điện tử, công nghệ thông tin ở các khu chế xuất, khu công nghiệp chiếm 4,78% tổng số vốn các dự án, với số vốn đầu tư 1,81 tỷ USD; tỷ lệ thu hút vốn đầu tư bình quân đạt 17,61 triệu USD/1ha đất. Với những ngành thâm dụng lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp vốn đầu tư chiếm 17,51% tổng số dự án với số vốn đầu tư 1,79 tỷ USD; tỷ lệ thu hút vốn đầu tư bình quân đạt 5,57 triệu USD/1ha đất.

“Điều này cho thấy, thực tế hiệu quả thu hút đầu tư ngành công nghệ cao luôn ưu thế và cao hơn nhiều so với các ngành thâm dụng lao động, các ngành sản xuất truyền thống. Đây cũng là bài toán đối với các công ty hạ tầng, quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp hướng đến giảm các ngành thâm dụng lao động, hình thành thành Khu công nghiệp “xanh”, thu hút chất xám, bảo vệ tài nguyên, môi trường", ông Trần Việt Hà, Phó Ban quản lý Hepza chia sẻ.

Điển hình tại Khu chế xuất Tân Thuận có 220 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 110 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề sản xuất truyền thống, thâm dụng lao động; 70 doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao, còn lại là doanh nghiệp thuộc các ngành dịch vụ. Trong những năm gần đây, thực hiện chuyển dịch cơ cấu đầu tư, Khu chế xuất Tân Thuận đã thu hút nhiều dự án đầu tư phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin, như: Công ty Renesas, VNG, FPT, CMC, Sao Bắc Đẩu... mang lại giá trị kinh tế cao.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc thu hút doanh nghiệp ngành nghề công nghệ cao đầu tư vào Khu chế xuất, ông TSao Chung Hung, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận (doanh nghiệp quản lý, vận hành Khu chế xuất Tân Thuận) cho biết, công ty áp dụng giá thuê đất hợp lý để không tạo áp lực tài chính đối với khách hàng; đầu tư xây dựng nhà xưởng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp công nghệ cao để họ có sẵn hạ tầng đi vào sản xuất, không mất nhiều thời gian chờ đợi.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là TP HCM chưa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thâm dụng lao động di dời cho nên các doanh nghiệp này vẫn hoạt động cho đến thời điểm hết thời hạn thuê đất. “Do vậy, các đơn vị dịch vụ quản lý hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ còn cách tự chuyển đổi cơ cấu thu hút đầu tư, khích lệ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động thông qua những cơ chế, chính sách mà mỗi khu chế xuất, khu công nghiệp thấy phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông TSao Chung Hung chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm SaVi (ở Khu chế xuất Tân Thuận) cho rằng, thành phố nên tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các dự án trọng điểm được hưởng chính sách kích cầu, miễn giảm lãi suất đầu tư. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đổi mới công nghệ; đồng thời động viên để doanh nghiệp các ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố nhanh chóng đổi mới hoạt động hướng tới mô hình sản xuất có tri thức cao, hiệu quả.

Ông Trần Tựu cũng chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, đổi mới Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ cao; trong đó toàn bộ trang thiết bị công nghệ tiên tiến của nhà máy sản xuất dược phẩm đều có xuất xứ từ các nước phát triển. Vấn đề này không chỉ khẳng định công ty luôn hướng tới mô hình sản xuất xanh, bảo vệ tài nguyên, môi trường mà còn hướng đến ứng dụng công nghệ cao, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cùng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, với định hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các khu chế xuất, khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Tại TP HCM, bình quân hàng năm các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; trung bình hàng năm nộp ngân sách nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách thành phố (không kể dầu thô). 

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, dòng vốn đầu tư mới đang luân chuyển nhanh sau những biến cố từ đại dịch và những tác động từ tình hình kinh tế thế giới. Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến môi trường, điều kiện đầu tư, nhất là tại Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng chính là thời điểm để các khu chế xuất, khu công nghiệp đón đầu cơ hội hay nhờ các chính sách ưu đãi nên các khu có nhiều lợi thế trở thành điểm đến các nhà đầu tư lựa chọn.

Tuy nhiên, để thu hút đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp, thành phố cần chú trọng về vận hành, hỗ trợ các nhà đầu tư; quy hoạch các khu chưa gắn với quy hoạch tổng thể và bám sát nhu cầu thực tế; hình thành khu vực hỗ trợ kinh doanh đạt chuẩn quốc tế. Tăng cường kết nối giữa các khu công nghiệp với các hoạt động công nghệ hay đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ, tiện ích để phục vụ sản xuất và cả nhu cầu đời sống cho đội ngũ lao động làm việc trong các khu; kết nối giao thông vận tải, dịch vụ logistics, nhà ở, siêu thị, trường học, bệnh viện.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.