Nằm cách thành phố Kon Tum chừng 50km về phía Đông Bắc, Măng Đen là điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước một vài năm trở lại đây. Thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nằm trên độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển.
Trong lịch sử, tên gọi Măng Đen được xuất phát từ chữ “T’măng Deeng” của người Mơ Nâm với ý nghĩa là một vùng đất vô cùng bằng phẳng và rộng lớn.
Trước đây, Măng Đen là một phần của xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Thị trấn miền cao khi ấy chỉ là tên gọi của một vài địa danh như cao nguyên Măng Đen hay thôn Măng Đen. Mãi đến tận tháng 7 năm 2019, thị trấn Măng Đen mới chính thức được thành lập dựa trên toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Đắk Long trước đó.
Nhiều người thường ví von Măng Đen giống như một “Đà Lạt thứ 2” bởi những nét tương đồng đáng ngạc nhiên giữa hai miền đất tuyệt đẹp này. Do nằm ở vị trí khá cao so với mực nước biển nên thị trấn Măng Đen được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa quanh năm cùng thảm thực vật phong phú đầy sức sống.
Ngay từ những thập niên đầu thế kỉ XX, người Pháp đã đưa nhiều đoàn khảo sát đến Măng Đen với ý định xây dựng một trạm nghỉ dưỡng tại vùng đất này. Thị trấn nổi tiếng Kon Tum được nhận xét như một “Đà Lạt của vùng Bắc Tây Nguyên” nhờ khí hậu và cảnh quan vô cùng đặc biệt, tương tự với nhiều nơi của thành phố ngàn hoa.
Những năm gần đây, nhiều người tìm đến Măng Đen bởi cảm giác bình yên, mộc mạc mà thị trấn miền núi Tây Nguyên này đem lại. Tuy có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng ở Măng Đen, mọi thứ vẫn giữ được nét thuần khiết, nguyên sơ tựa như Đà Lạt nhiều năm về trước.
Dành thời gian một vài ngày cuối tuần trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên cuốn hút tại Măng Đen chắc hẳn sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, an yên hơn trước những xô bồ, tấp nập nơi thành thị.
Đến với Măng Đen, du khách sẽ có cơ hội khám phá rất nhiều địa điểm thú vị tại miền đất được mệnh danh như một "phiên bản nơi núi rừng của Đà Lạt".
Là một trong 4 ngôi làng văn hoá du lịch cộng đồng ở huyện Kon Plông, Konbring có tới hơn 90% dân số là người dân tộc Mơ Nâm, với nghề truyền thống là trồng lúa.
Ghé thăm ngôi làng Konbring, bạn sẽ có cảm giác chìm đắm trong khoảng không gian hoang sơ, huyền bí bởi những sợi khói lam chiều vờn quanh trước mắt. Phía xa xa, những cô thôn nữ gùi trên vai bó củi, rảo bước thong thả trở về làng.
So với Đà Lạt thì rừng thông Măng Đen có đa dạng chủng loại thực vật hơn. Ghé thăm nơi đây, du khách có thể tận mắt chứng kiến những cánh rừng Pơ mu, hoa lan, quế, hoa sim hay rất nhiều loài động vật tiêu biểu như sơn dương, chim trĩ…
Đi dọc theo quốc lộ 24 đến địa phận huyện Kon Plong, bạn chỉ mất khoảng vài chục phút để vượt qua 1km đèo Măng Đen là có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp ấn tượng của rừng thông nơi đây.
Được tạo thành tử 3 ngọn suối lớn nhất Măng Đen, khung cảnh thác Pa Sỹ hiện lên với nét đẹp thần tiên, cổ tích. Ngọn thác mang dòng chảy êm đềm cùng bọt nước trắng xóa giữa không trung. Nơi đây cũng được biết đến như là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Măng Đen với rất nhiều bạn trẻ tìm đến tham quan, khám phá hàng năm.
Hồ Đăk Ke hay còn gọi là hồ Toong Rơ Poong là một trong những địa danh nổi tiếng với truyền thuyết 7 hồ 3 thác của Măng Đen. Với diện tích khoảng 3ha, hồ Đăk Ke vẫn giữ cho mình nét hoang sơ, nguyên thuỷ vốn có. Mặt hồ nước xanh trong vắt với những hàng cây xanh tỏa bóng xung quanh.
Kon Tum không chỉ có tiếng cồng chiêng, những con đường đất đỏ bazan hay ngôi nhà rông ẩn mình trong núi rừng. Bởi có lẽ, những cây cầu treo bắc ngang qua suối mới là nét đặc trưng của vùng đất đầy huyền bí này.
Cầu treo ở Măng Đen nhỏ lắm. Bạn chỉ được đi từng chiếc xe máy qua hoặc dưới 10 người một lần. Ấy vậy mà những cây cầu tại Măng Đen vẫn giữ cho mình nét thu hút rất riêng. Cảm giác sợ hãi, xen kẽ đôi chút phấn khích khi bước qua mỗi cây cầu treo chắc hẳn sẽ là kỉ niệm khó quên đối với người lữ khách khi ghé thăm Măng Đen.