"Nếu đắc cử, cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ nhanh chóng thiết lập lại quan hệ với Iran. Động thái đó có thể đưa đến 1 triệu thùng dầu Iran quay trở lại thị trường mỗi ngày", nhà phân tích David Fyfe của Argus Media nhận định.
"Tuy nhiên, tác động trên có thể không xảy ra ngay lập tức mà đến trong vòng 6 tháng đầu nhiệm kì của ông Biden", ông Fyfe nói thêm.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump lại gây áp lực tối đa lên Iran bằng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế, kể cả đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của đất nước Trung Đông này.
Hiện tại, ứng viên Joe Biden đang chiếm thế thượng phong trước đương kim Tổng thống Mỹ trong nhiều cuộc thăm dò. Mới đây, cuộc khảo sát của NBC News cho thấy ông Biden dẫn trước ông Trump hơn 10 điểm % với tỉ lệ ủng hộ lần lượt dành cho hai ứng viên là 51,6% và 41%.
Tuy nhiên, các chính sách về biến đổi khí hậu của Đảng Dân chủ có thể siết chặt thị trường dầu mỏ trong dài hạn.
Ông Fyfe lí giải: "Chính quyền ông Biden sẽ cố đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Do đó, về lâu dài, nhu cầu dầu mỏ tại Mỹ không thực sự có thể tăng lên".
Năm ngoái, ông Biden đã công bố một kế hoạch giảm thiểu khí nhà kính mà theo đó chính phủ Mỹ dưới thời của ông có thể đầu tư 1.700 tỉ USD vào nghiên cứu năng lượng sạch và thay đổi cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, ông Biden cũng có thể áp thêm các hạn chế có khả năng kìm hãm tốc độ tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến và khí đốt của Mỹ.
Nhà phân tích David Fyfe cho biết theo kịch bản cơ sở của Argus Media, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ "phục hồi ổn định" nếu số ca dương tính với Covid-19 không tăng và không dẫn đến phong tỏa trên diện rộng.
"Dần dần, 1,3 tỉ thùng dầu thô dư thừa có thể giảm xuống vào cuối năm 2021 và giá dầu có thể phục hồi lên mức 50 - 55 USD/thùng vào cuối năm sau", CNBC dẫn lời ông Fyfe nhận định.
"Nếu số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt lần nữa và khiến chính phủ ban bố lệnh phong tỏa trên diện rộng, thị trường chỉ có thể trông chờ OPEC đạt được một thỏa thuận mới về nguồn cung như mùa hè năm nay", ông Fyfe nói tiếp.