Ngân hàng đất nông nghiệp giúp nông dân cho thuê đất: Nhiều vấn đề cần làm rõ

Ngân hàng đất nông nghiệp là một mô hình mới lần đầu tiên đề cập chính thức tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo các chuyên gia, còn một số vấn đề trong quy chế hoạt động của mô hình này cần phải được làm rõ.

Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển cho thu nhập cao” đã định hướng “xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp”.

Thực hiện chủ trương này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân đã bổ sung quy định về Ngân hàng đất nông nghiệp.

Cụ thể, theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. 

Ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp. 

Hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. 

Kinh phí hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp được cấp từ ngân sách Nhà nước; ứng từ Quỹ phát triển đất hoặc Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác; vay từ các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện việc tạo lập quỹ đất.

Ngân hàng đất nông nghiệp là một giải pháp để giải quyết tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Kiều Anh).

Nhận định về điểm mới này trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín cho rằng, đây là một quy định cần thiết.

“Hiện tại, tôi chưa thể đánh giá chi tiết về điểm mới này vì chưa có nghị định, thông tư…ban hành hướng dẫn chi tiết nội dung trên. Nhưng nhìn tổng quan có thể thấy, đây là quy định cần thiết vì hiện nay chúng ta đang có sự lãng phí về nguồn đất nông nghiệp”, luật sư trả lời trên Cổng TTĐT Quốc hội.

Việc ra đời của Ngân hàng đất nông nghiệp sẽ là kênh kết nối giữa những người có nhu cầu sản xuất nông nghiệp với người sử dụng đất không còn nhu cầu sản xuất nữa:

“Hiện nay, Nhật Bản và Trung Quốc đã có mô hình Ngân hàng đất nông nghiệp, qua đó nâng cao được hiệu quả khai thác, sử dụng đất. Chúng ta đã nhìn thấy và có sự tham khảo, nghiên cứu làm theo là một điều rất tiến bộ”. 

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho biết, mô hình Ngân hàng đất nông nghiệp được tham khảo từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Đài Loan và một số nước khác trong tích tụ, tập trung ruộng đất. 

Luật Đất đai năm 2013 quy định tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. 

“Điều này khiến đất nông nghiệp của hộ gia đình, các nhân bị bỏ hoang, sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp lãng phí, kém hiệu quả. Các tổ chức kinh tế nói chung và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng không thể tiếp cần được đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư trong nông nghiệp.

Việc ra đời mô hình Ngân hàng đất nông nghiệp là một giải pháp để giải quyết mâu thuẫn, bất cập này trên thực tế”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Tuyến băn khoăn, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa đề cập cụ thể hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp có chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng hay không? Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và hoạt động của mô hình này chịu sự quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước hay của Bộ, ngành nào? Vị chuyên gia kiến nghị Ban Soạn thảo cần cân nhắc bổ sung các vấn đề này vào dự thảo luật.

Chung quan điểm, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng mô hình này sẽ góp phần giải quyết vấn đề lớn nhất của đất nông nghiệp hiện nay là bỏ hoang đất.

Khi người sử dụng đất nông nghiệp không muốn trồng trọt trên đất, họ có thể đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi vào ngân hàng. Ngân hàng có nhiệm vụ tập hợp đất để cho thuê.

“Chúng ta có thể thấy các vùng như đồng bằng sông Hồng, người dân đi tìm kiếm công việc ở khu vực phi nông nghiệp nhiều. Việc gửi đất vào ngân hàng  đất nông nghiệp giúp họ đảm bảo thu nhập hơn và không bỏ hoang đất.

Ngân hàng này tạo ra được cơ chế giúp người dân đi làm các công việc phi nông nghiệp khi quay lại vẫn có thể có đất để làm nông nghiệp”, ông Đặng Hùng Võ trả lời tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù là giải pháp tốt, ở Việt Nam sẽ cần thời gian nhiều hơn nữa để làm quen với mô hình này.

Vị chuyên gia lưu ý, khi xây dựng khung pháp lý phải làm rõ về quyền và nghĩa vụ của ngân hàng đứng ra nhận gửi đất nông nghiệp, để không làm thiệt thòi các bên: “Ngân hàng đất nông nghiệp nên là doanh nghiệp xã hội, hoạt động phải đảm bảo nguồn lợi phù hợp, không làm lãng phí đất đai, nhưng cũng không thể làm tăng gánh nặng cho ngân sách”.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.