Ngang nhiên 'xẻ thịt' nghiến 'cụ' giữa khu bảo tồn thiên nhiên

Rừng nghiến nghìn năm tuổi ở Khu bảo tổn thiên nhiên (KBTTN) Phong Quang (tỉnh Hà Giang), vào những năm 2012 – 2013 từng là điểm nóng của nạn khai thác gỗ trái phép. Sau vài năm tạm lắng, từ đầu năm 2016 đến nay tình trạng phá rừng nơi đây đã bắt đầu “nóng” trở lại.

Giữa tháng 9/2016, một cuộc điện thoại bất ngờ giữa đêm khuya khiến tôi tỉnh ngủ luôn đến sáng. Bên kia đầu dây là giọng một người đàn ông giọng the thé: “Có muốn làm về phá rừng không, bắt xe lên đây luôn đi. Kiểm lâm phát hiện gần chục cây nghiến bị chặt trộm đấy. Toàn nghiến “cụ” mấy người ôm. Lên được thì bảo sớm để còn bố trí người dẫn đường nhé”.

Định thần một hồi lâu tôi mới xác định được chủ nhân của cuộc điện thoại vừa rồi là Sơn “lép”, một tay “cò” du lịch ở TP Hà Giang. Tôi gặp gã trong chuyến đi chơi cao nguyên đá Đồng Văn dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Có lần hỏi gã về tình trạng phá rừng ở KBTTN Phong Quang để viết bài, gã bảo để lại số điện thoại. Ai dè gã gọi thật…

Tiếp cận mục tiêu

Đón chúng tôi tại bến xe Hà Giang, Sơn “lép” lấy xe chở thẳng về khách sạn H.A thuê phòng nghỉ. “Vẫn còn sớm, cứ đánh răng rửa mặt rồi đi ăn sáng cái đã tính”, gã nói. Ăn xong, chọn một quán nước vắng người, Sơn “lép” mới bắt đầu tiết lộ những thông tin đầu tiên mà chúng tôi quan tâm.

Theo lời của gã thì địa điểm phá rừng là vùng lõi của KBTTN Phong Quang, thuộc xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đây là nơi tập trung rất nhiều cây nghiến cổ thụ nên luôn được lâm tặc đặt trong “tầm ngắm” từ nhiều năm qua. “Vừa rồi người ta phát hiện gần chục cây nghiến bị chặt ở đó. Vị trí các cây cách nhau không quá xa và cùng nằm ở Lũng Chuối. Kiểm lâm cũng đã vào tận nơi kiểm tra”, Sơn “lép” nói.

Nóng lòng muốn vào rừng luôn, tôi đặt thẳng vấn đề nhờ gã dẫn vào rừng thì bất ngờ gã từ chối với lí do sợ chạm mặt kiểm lâm, biên phòng. Tuy nhiên, điều Sơn “lép” lo ngại nhất là đường vào rừng không an toàn bởi khu vực gần biên giới vẫn còn nhiều bom mìn còn sót lại hồi chiến tranh vẫn chưa phá hết. Chỉ có bộ đôi biên phòng, kiểm lâm hoặc chính những… lâm tặc là dân thường xuyên vào rừng mới nắm rõ đường đi như thế nào mới an toàn. “Tốt nhất là vào thẳng chủ rừng nhờ kiểm lâm họ dẫn đường cho an toàn”, nói xong gã thủng thẳng bỏ đi.

ngang nhien xe thit nghien cu giua khu bao ton thien nhien
Đường vào Lũng Chuối gập ghềnh, hiểm trở với nhiều vách núi đá tai mèo dựng đứng

Nghe lời đề nghị của chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng (BQLRĐD) Phong Quang xác nhận tình trạng phá rừng xảy ra ở KBTTN Phong Quang là có thật. “Chúng tôi đã cho anh em kiểm lâm vào kiểm tra và báo cáo với lãnh đạo tỉnh về những trường hợp này. Bây giờ anh em vẫn đang đi làm nhiệm vụ trong rừng, để hôm sau tôi sẽ bố trí người dẫn các anh vào rừng”, ông Hưng nói.

Theo đúng hẹn, sáng hôm sau chúng tôi có mặt sớm tại trụ sở BQLRĐD Phong Quang. Trực tiếp dẫn chúng tôi vào rừng là anh Lệnh Thế Hùng, Kiểm lâm địa bàn phụ trách khu vực và anh Đặng Đình Công, cán bộ pháp chế của BQLRĐD Phong Quang. Điểm đến sẽ là khu Lũng Chuối (thôn Lùng Thiềng, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên), nơi phát hiện nhiều cây nghiến bị lâm tặc đốn hạ nhất.

ngang nhien xe thit nghien cu giua khu bao ton thien nhien
KBTTN Phong Quang là nơi có nhiều nghiến cổ thụ có tuổi đời hàng ngàn năm tuổi

Để vào Lũng Chuối có hai cách, một là di chuyển lên Trạm Kiểm lâm Lùng Giàng B (xã Minh Tân) rồi đi từ đỉnh núi răng cưa (thuộc địa phận thôn Lùng Giàng A) xuống khu vực Lũng Chuối; hai là đi dọc theo Quốc lộ 4C sau đó men theo con đường mòn nhỏ rải bằng đá cấp phối để xuyên thẳng vào trong rừng. Chúng tôi chọn cách thứ 2 vì được di chuyển bằng chiếc ô tô UAZ, loại phương tiện chuyên dùng để di chuyển trên địa hình khó đi.

Cận cảnh nghiến “cụ” bị “xẻ thịt” giữa rừng

Gần nửa tiếng chịu đựng con đường sóc như muốn rụng tim ra khỏi lồng ngực, chúng tôi cũng tiến được vào khu vực Lũng Chuối. Bám theo sau anh Kiểm lâm địa bàn Lệnh Thế Hùng, chúng tôi xuống ô tô men theo một con đường mòn nhỏ dài xuyên vua những vạt cây bụi và những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt. Anh Hùng cho biết, con đường mòn này do chính lâm tặc tạo ra để phục vụ cho việc đốn hạ và khai thác cây nghiến.

ngang nhien xe thit nghien cu giua khu bao ton thien nhien
Hiện trường cây nghiến bị đốn hạ ở Lô 2, Khoảnh 22, Tiểu khu 117E

Vượt qua chừng 300 m đường mòn xuyên rừng, “nạn nhân” đầu tiên cũng hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là một cây nghiến rất lớn với đường kính gốc lên tới gần 1m. Cây bị cưa thành nhiều khúc, màu lá vẫn còn khá tươi. Một phần của thân cây đã bị lâm tặc xẻ ra và mang đi. Hiện trường vẫn còn ngổn ngang những tấm ván bìa bị xẻ ra từ phần thân cây đã bị lấy cắp và những lớp mùn cưa dày phủ khắp nơi.

ngang nhien xe thit nghien cu giua khu bao ton thien nhien
Lâm tặc đánh dấu hình tròn trên thân cây để tiện xẻ thành thớt nghiến

Anh Công cho biết, theo kết quả kiểm tra ban đầu của lực lượng chức năng thì cây nghiến này nằm tại vị trí Lô 2, Khoảnh 22, Tiểu khu 117E; tổng khối lượng lâm sản được xác định là 3,538m3. Phần gỗ bị lâm tặc lấy đi khoảng dưới 1m3. Tại hiện trường, chúng tôi tìm thấy cả vỏ mì tôm và một số vật dụng cho thấy lâm tặc đã lưu lại ở đây khá lâu trong thời gian chặt hạ cây.

ngang nhien xe thit nghien cu giua khu bao ton thien nhien

Phần gốc cây có đường kính lên tới gần 1 m.

Tiếp tục đi sâu vào trong rừng, tại vị trí thuộc Khoảnh 21, Tiểu khu 117E ,chúng tôi bắt gặp một cây nghiến nữa bị lâm tặc đốn hạ. Đó là một “cụ” nghiến khổng lồ với đường kính gốc lên tới gần 2m. Ước lượng muốn ôm trọn phần gốc cây này cũng cần tới vòng tay của vài người. Phần thân tròn trịa, thẳng tắp dài tới hàng chục mét, lá cây còn rất tươi cho thấy “nạn nhân” vừa bị chặt hạ cách đây không lâu.

ngang nhien xe thit nghien cu giua khu bao ton thien nhien
Cây nghiến "cu" bị chặt hạ ở Khoảnh 21, Tiểu khu 117E.

Tại hiện trường, xác cây nghiến cụ đã bị xẻ thành nhiều khúc và phần khúc đẹp nhất đã bị lâm tặc khai thác một phần mang đi. Dưới gốc cây, lẫn giữa đám mùn cưa đỏ au và dày đặc vẫn còn hai miếng gố nghiến dạng thớt bị lâm tặc bỏ lại, có lẽ do chúng cưa lỗi không đúng kính thước chuẩn. Anh Công cho biết, kết quả kiểm tra sơ bộ của lực lượng chuyên môn thì tổng khối lượng lâm sản của cây nghiến này lên tới hơn 18m3.

ngang nhien xe thit nghien cu giua khu bao ton thien nhien
Đường kính thân cây khổng lô đến mức người đứng vào lọt thỏm

Cách đó không xa, cũng trên đường di chuyển vào khu vực Khoảnh 21, tiểu khu 117E chúng tôi còn phát hiện thêm hai cây nghiến nữa dã bị đốn hạ. Cây nhỏ cũng có đường kính gốc gần 1m, vết cưa còn mới, lá còn tươi nguyên. Phần gốc cũng đã bị xẻ thành nhiều khúc và bị khai thác dạng thớt nghiến mang đi. Cây còn lại đã bị chặt lạ từ lâu, màu gỗ đã chuyển sang nhạt dần. Tuy nhiên, đây cũng là một cây nghiến “cụ” với kích thước đường kính gốc lên tới gần 2m.

ngang nhien xe thit nghien cu giua khu bao ton thien nhien
Thân cây bi cắt thành nhiều khúc và đã bị lâm tặc "xẻ thịt" mang đi một phần

Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là lối đi tới vị trí những cây nghiến bị đốn hạ đều có một con đường mòn khá thoáng. Anh Kiểm lâm địa bàn Lệnh Thế Hùng cho biết đây là lối đi tuần rừng của lực lượng kiểm lâm. Thường thì ít nhất mối tuần anh đều phải đi qua con đường này để kiểm tra. Tôi bỗng nhiên có một câu hỏi trong đầu: Ngay sát lối tuần rừng của Kiểm lâm mà lâm tặc còn ngang nhiên chặt hạ nghiến như thế, liệu rằng trong những nơi sâu hơn sẽ ra sao (?!).

Còn nữa...

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.