Quý III vừa qua, ngành bán lẻ chứng kiến sự tương phản rõ rệt giữa các loại hình hoạt động kinh doanh. Có những ngành hàng bị khủng hoảng nghiêm trọng nhưng có những ngành hàng tăng trưởng vượt bậc trong thời gian dịch bệnh.
Theo khảo sát của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), nhiều doanh nghiệp bán lẻ hàng lâu bền nhận định doanh số bán hàng trong đợt Covid-19 thứ tư chỉ bằng 20 - 40% so với trước đó.
Có 71,43% doanh nghiệp nhóm hàng lâu bền đánh giá chịu tác động nghiêm trọng và 28,57% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng vừa phải.
Nhóm hàng tiêu dùng, siêu thị cũng gặp khó khăn khi là ngành hàng có biên lợi nhuận thấp. Song do người dân tăng nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống trong mùa dịch, nhóm hàng này dường như chịu tác động ít hơn so với nhóm hàng lâu bền.
Cụ thể, chỉ có 16,67% doanh nghiệp nhóm tiêu dùng, siêu thị đánh giá tác động nghiêm trọng; 58,33% đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và 25,00% doanh nghiệp đánh giá tác động ít, không đáng kể.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng đã chỉ ra 4 khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp bán lẻ gặp phải trước làn sóng dịch vừa qua.
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Khảo sát của Vietnam Report trong tháng 8/2021 cho thấy, tỷ lệ người tìm cách tiết kiệm tiền khi mua sắm; tỷ lệ lưu tâm về lựa chọn nơi mua sắm; tỷ lệ dành thời gian lập kế hoạch mua sắm và tỷ lệ hướng đến các sản phẩm giá rẻ để tiết kiệm tiền đều gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ mua sắm sản phẩm văn hoá, giáo dục giảm 10,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 10%; may mặc giảm 9,6%; trong khi đó lương thực, thực phẩm tăng 5%.
Vietnam Report cho biết, người tiêu dùng từ chỗ thoải mái trong sinh hoạt, chuyển sang chi tiêu tiết kiệm hơn vì những lo lắng chưa biết khi nào dịch mới được kiểm soát. Họ tiếp tục ưu tiên mua các sản phẩm chống dịch và phục vụ nhu cầu thiết yếu.
Ngược lại, các sản phẩm không thiết yếu như quần áo, giày dép, thiết bị thể thao,... có sự sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian này.
Trong khi đó, do nhiều địa phương áp dụng phương thức dạy trực tuyến, học tập và làm việc tại nhà, nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ như điện thoại, laptop, máy tính bảng trong nửa cuối tháng 8 cho đến đầu tháng 9 tăng cao so với mọi năm.
Khái niệm "hàng thiết yếu" cùng các quy định, yêu cầu các thủ tục giấy tờ để lưu thông hàng hóa tại các địa phương không đồng nhất đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Mặc dù đã lên kịch bản, dự đoán nhu cầu và tích trữ hàng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn thiếu nguồn cung cho một số phân khúc sản phẩm có nhu cầu cao như máy tính giá tầm trung, thực phẩm chế biến do công ty sản xuất thiếu hụt nguồn cung linh kiện và lao động.
Ở Hà Nội, các siêu thị điện máy mặc dù hàng tồn kho tăng nhưng không thể vận chuyển về các địa phương vì các sản phẩm không thuộc "luồng xanh" và không được vận chuyển ra khỏi thành phố.
Không chỉ gián đoạn, đứt gãy trong chuỗi cung ứng, các siêu thị cũng phải gánh thêm các chi phí phát sinh để tìm thêm nhà cung cấp, tăng chi phí vận chuyển khi phải dỡ hàng và đổi tài xế, xét nghiệm, hao hụt trong khi vẫn phải bình ổn giá nhiều mặt hàng.
Khâu kiểm tra tại các chốt liên tỉnh cũng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển hàng hoá kéo dài hơn so với kế hoạch, khiến hàng hóa có mặt tại siêu thị chậm hơn.
Siêu thị, cửa hàng là nơi tập trung đông người, do đó việc thực hiện các quy định để duy trì hoạt động cung cấp hàng hóa thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ.
Tại nhiều địa phương, các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu được yêu cầu thực hiện "3 tại chỗ" và tổ chức xét nghiệm định kỳ. Trong khi đó, cơ sở vật chất của nhiều đơn vị hiện nay không đảm bảo, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe người lao động.
Trong thời gian qua, nhiều siêu thị lớn cũng phải đóng cửa dài ngày để khử trùng, truy vết và xét nghiệm khi nhân viên, khách hàng, đối tác bị nhiễm Covid-19, đã làm lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn, phải bù lỗ để bình ổn giá.
Bên cạnh những thách thức, dịch Covid-19 cũng tạo cơ hội cho thương mại điện tử phát triển. Số liệu của Bộ Công Thương ghi nhận có khoảng 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đưa thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% trong 2020, đạt 11,8 tỷ USD.
Mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến không phải là điều mới trong đại dịch, nhưng làn sóng dịch lần thứ tư đã khiến các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ triển khai bán hàng trực tuyến.
Trong lúc giãn cách, đơn hàng online tại các cửa hàng, siêu thị có lúc tăng 5 - 7 lần bởi nhiều người hạn chế đến siêu thị. Sự gia tăng đột biến này khiến không ít nhà bán lẻ gặp nhiều khó khăn, thách thức để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đảm bảo chất lượng và thời gian vận chuyển hàng hóa đến tay người mua.
Trước dịch, nhiều nhà bán lẻ cung cấp đơn hàng thực phẩm tươi như rau củ quả, thịt thường giao ngay trong vòng 2 giờ khi sử dụng các lái xe công nghệ để giao hàng.
Song với chỉ thị 16 ở một số địa phương, sự cố trang web, ứng dụng bị quá tải, nhiều đơn hàng bị tắc nghẽn, mã giảm giá bị lỗi... liên tục xảy ra do số lượng đơn hàng tăng, thiếu hụt nhân viên đóng gói, tài xế công nghệ và hạn chế về thời gian hoạt động của siêu thị.
Các đơn vị bán lẻ mặc dù đã đăng ký với cơ quan chức năng cấp phép hoạt động cho đội giao hàng, nhưng số lượng tài xế này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vẫn của người tiêu dùng.
Khảo sát việc mua sắm trực tuyến mùa dịch vào tháng 8/2021, Vietnam Report cho biết người tiêu dùng nhìn chung đánh giá các nhà bán lẻ trực tuyến đã làm rất tốt về khả năng cung cấp sản phẩm, giao hàng nhanh chóng.
Trong đó, khoảng 29,41% người tiêu dùng cho rằng một số nhà bán lẻ luôn hoạt động tốt, trong khi nhóm khác thì không và có 2,94% người thất vọng về hiệu suất của các nhà bán lẻ trực tuyến.