Theo Báo Chính phủ, Thông tin tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án và tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT chiều ngày 1/2, lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, trên cơ sở kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023 (94.161 tỷ đồng).
Ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã ban hành ngay chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công và kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đầy đủ thủ tục với tổng số vốn 94.135 tỷ đồng (đạt 99,9%). Trong đó, nguồn vốn nước ngoài đã được giao 100% kế hoạch (4.958 tỷ đồng). Vốn trong nước đã giao 89.177, đạt 99,9% kế hoạch.
Còn lại hơn 26 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan Trung ương do không có kế hoạch trung hạn, không bảo đảm điều kiện giao kế hoạch năm nên chưa thể phân bổ chi tiết và cần báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục phân bổ kế hoạch.
Trong tổng số vốn đã phân khai, các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án thuộc Bộ được giao 86.094 tỷ đồng (chiếm 91%); các chủ đầu tư khác (VEC, các Tổng công ty, Sở GTVT các tỉnh…) được giao 8.040 tỷ đồng (chiếm 8,5%).
Theo nhóm dự án, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được giao 17.889 tỷ đồng (chiếm 19% kế hoạch vốn được giao); các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao 45.266 tỷ đồng (chiếm 48%); các dự án ODA được giao 7.784 tỷ đồng (chiếm 8,3%).
Các dự án trọng điểm, cấp bách được giao 2.259 tỷ đồng (chiếm 2,4%); các dự án giao thông trong nước còn lại được giao 20.977 (chiếm 22%).
Cũng theo ông Thái, trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, đến nay, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ GTVT đã đạt 1.700 tỷ đồng, đạt 1,81%. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 giải ngân được 761 tỷ đồng, đạt 1,4%.
Thông tin về tình hình triển khai các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, đại diện Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng cho biết, thời điểm hiện tại, 57/63 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong 6 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, có hai dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, gồm đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc.
ba dự án sử dụng vốn ODA, gồm tuyến kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài-Lào Cai giai đoạn 1; dự án mở rộng một số cầu, hầm trên QL.1A (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến quý III/2023) và dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu).
Trong số 57 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đến nay, 39 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư. Đối với 18 dự án còn lại tiến độ phê duyệt đang chậm so với yêu cầu. Các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án đã lập kế hoạch điều chỉnh, phê duyệt dự án.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng xác định việc tiêu số vốn kỷ lục là rất khó với khối lượng giải ngân hàng tháng gần 8.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, kết quả giải ngân muốn đạt được cao nhất, các đơn vị không còn cách nào khác là phải tập trung dồn lực ngay từ đầu.
Bộ trưởng cho biết, tháng 1/2023, Bộ GTVT đã phân khai chi tiết gần hết kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Dù khối lượng giải ngân còn khiêm tốn (mới đạt 1.700 tỷ đồng, chiếm 1,8%), song việc Bộ GTVT chủ động phân khai sớm sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan đơn vị có cơ sở tập trung chỉ đạo các giải pháp tăng tốc giải ngân ngay từ đầu năm.