Ngành hàng không thế giới không thể đợi đến khi có vắc xin

Trưởng nhóm cố vấn y tế của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ông David Powell, nhận định rằng ngành hàng không thế giới không có khả năng đợi đến khi có vắc xin Covid-19 mới hoạt động trở lại.

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang chạy đua với thời gian để phát triển vắc xin ngừa Covid-19 và đã cho ra những kết quả đáng khả quan. Một số loại vắc xin của Nga, Trung Quốc và Mỹ đang ở trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, thậm chí đã được cấp phép.

Vắc xin được coi là một trong những yêu cầu tiên quyết để tái khởi động mạnh mẽ nền kinh tế, đặc biệt là ngành hàng không. Khi có đủ người dân được tiêm vắc xin và miễn dịch với Covid-19, dịch bệnh sẽ khó lây truyền trong cộng đồng.

Tuy nhiên theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sớm nhất cũng phải đến giữa năm 2021 thì vắc xin mới có thể được phân phối trên diện rộng. Nguyên nhân là sau khi được phát triển và chứng nhận an toàn và hiệu quả, vắc xin cần nhiều thời gian để sản xuất rồi mới có thể được vận chuyển tới người dùng.

Ông David Powell – Cố vấn y tế của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho rằng ngành hàng không sẽ không thể sống sót nếu cứ ngồi đợi đến khi có vắc xin Covid-19.

Theo ông Powell, khi chưa có vắc xin, các hãng hàng không có thể thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch như yêu cầu đeo khẩu trang liên tục, rửa tay thường xuyên và khử trùng các bề mặt hay tiếp xúc, ...

'Các hãng bay không thể đợi đến lúc có vắc xin' - Ảnh 1.

Hành khách đeo khẩu trang làm thủ tục tại sân bay. (Ảnh: Song Ngọc).

Ngoài ra, để tăng cường vận chuyển hành khách một cách an toàn về dịch tễ, các hãng bay nên hợp tác với cơ quan quản lí để triển khai chương trình xét nghiệm cho hành khách trước khi lên máy bay.

"Cách bảo vệ lí tưởng nhất là tránh những người có khả năng lây bệnh", ông Powell nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. "Chúng ta cần một phương pháp xét nghiệm đủ tin cậy và đủ nhanh và có thể được thực hiện trên qui mô lớn".

Theo Bloomberg, yêu cầu của ông Powell chẳng hề đơn giản nếu không muốn nói là vô cùng khó khăn vào thời điểm này. Các nhà sản xuất trên khắp thế giới vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu kit thử Covid-19. Một số loại kit thử lại tạo ra nhiều nghi ngờ hơn là kết quả chắc chắn.

Tháng 8 vừa qua, Singapore và Trung Quốc nảy sinh bất đồng khi Trung Quốc phát hiện ra một số hành khách nhiễm Covid-19 trên chuyến bay cất cánh từ Singapore.

Phía Singapore tuyên bố rằng những người này đều đã được chữa trị khỏi Covid-19 nhưng "vẫn có thể phát tán những mảnh virus còn sót lại trong vài tuần hay thậm chí vài tháng", dẫn tới kết quả xét nghiệm dương tính.

Trong bối cảnh thiếu hụt hành khách đi công tác cũng như thăm thân, du lịch, các hãng hàng không đang phải tìm đủ mọi cách để sống sót. Nhiều hãng sa thải hàng chục nghìn nhân viên, cắt giảm lương lao động, bán bớt tàu bay, tháo ghế ngồi để chuyển tàu bay chở khách thành tàu chở hàng, bán bánh kẹo và hoa quả, …

IATA – tổ chức đại diện 290 hãng hàng không toàn cầu – dự báo sớm nhất phải đến năm 2024 lưu lượng hành khách trên thế giới mới quay về bằng mức năm 2019 khi đại dịch chưa xuất hiện. IATA cũng dự báo các hãng hàng không năm 2020 giảm 50% doanh thu so với năm trước, lỗ tổng cộng 84 tỉ USD. Sang năm 2021, các hãng có thể tiếp tục lỗ khoảng 15,8 tỉ USD.

Tới năm 2022, các hãng hàng không mới có khả năng bắt đầu đạt lợi nhuận và tìm cách trả khối nợ khổng lồ phát sinh trong hai năm trước. Ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc IATA nhận định: "Hỗ trợ tài chính của chính phủ sẽ đóng vai trò thiết yếu khi các hãng hàng không liên tục thiếu hụt tiền mặt".

IATA dự báo các hãng hàng không Việt Nam sẽ mất khoảng 4 tỉ USD doanh thu trong năm nay.

'Các hãng bay không thể đợi đến lúc có vắc xin' - Ảnh 3.

Các hãng hàng hàng không Việt Nam có thể mất 4 tỉ USD doanh thu trong năm 2020. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Hiểu biết của các nhà khoa học về virus SARS-CoV-2 thay đổi theo thời gian, do vậy các khuyến nghị trong từng giai đoạn cũng khác nhau. Hồi đầu tháng 2 khi các đặc tính của virus còn chưa được hiểu rõ, ông Powell cho rằng cách tốt nhất để tránh lây nhiễm là rửa tay chứ không phải đeo khẩu trang. Đến tháng 5, qui định đeo khẩu trang đã được ban hành trên toàn thế giới.

"Chúng tôi nhận thấy rằng một số ca bệnh có thể không có triệu chứng", Bloomberg dẫn lời ông Powell nói. "Đó là lí do tôi thay đổi khuyến nghị về việc đeo khẩu trang".

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.