Reuters dẫn lời bà Margaret Harris, Phát ngôn viên của WHO mới đây cho biết, trong số những vắc xin Covid-19 được thử nghiệp lâm sàng đến nay, chưa loại nào đạt hiệu quả trên mức 50% mà WHO mong muốn.
Thời gian qua, các nước đang không ngừng chạy đua phát triển vắc xin Covid-19.
Trong tháng 8, Nga đã cấp phép cho vắc xin Covid-19 sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Điều này khiến một số chuyên gia phương Tây đặt câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của loại vắc xin này.
Các quan chức y tế công cộng Mỹ và công ty dược phẩm Pfizer hôm 3/9 cho thấy họ đã sẵn sàng để phân phối một loại vắc xin vào cuối tháng 10. Đây chính là thời điểm nhạy cảm trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra vào ngày 3/11.
Việc kiểm soát được đại dịch được xem là yếu tố then chốt quyết định đến khả năng thắng cử nhiệm kì thứ hai của Tổng thống Donald Trump.
Mặc dù đã có nhiều ứng cử viên vắc xin, song WHO lại không mong đợi có thể triển khai tiêm chủng diện rộng trong năm nay.
"Từ nay đến giữa năm 2021, chúng tôi nhận thấy việc tiêm chủng Covid-19 diện rộng là kém khả quan", bà Margaret Harris đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra nghiêm ngặt tính hiệu quả và an toàn của các loại vắc xin.
WHO và GAVI (Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng) cũng đã đặt mục tiêu thu mua 2 tỉ liều vắc xin và phân phối chúng một cách công bằng trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, cho biết họ sẽ không tham gia chương trình này và sẽ tự thu xếp nguồn cung vắc xin cho riêng mình.