Từ vụ DJ Lê Thiện bị bắt: cạm bẫy chực chờ đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của nghề DJ

Không những phải đánh đổi thời gian, công sức và sức khỏe, người làm DJ còn phải đối diện thường trực với hàng loạt cám dỗ dễ khiến bản thân sa ngã.

Những ngày qua, thông tin DJ Lê Thiện bị bắt vì vận chuyển ma túy đã thu hút sự quan tâm của công chúng nói chung và giới DJ nói riêng. 

Đây không phải lần đầu tiên một DJ sa ngã trước cám dỗ, sự việc đau lòng này tiếp tục dấy lên hồi chuông đáng báo động về lối sống phóng túng, buông thả và ý thức kém về bảo vệ bản thân của DJ trong môi trường làm việc được xem là khắc nghiệt bậc nhất làng giải trí.

Lớp vỏ bọc "lấp lánh" mà nhiều người thèm được chạm tới

DJ là chữ viết tắt của Disc Jockey, hiểu nôm na nghĩa là "người chỉnh nhạc". Do tính chất công việc đặc thù nên môi trường làm việc chủ yếu của những người làm nghề này thường là trong những quán bar hay vũ trường sang chảnh. 

Nhắc đến cụm từ "DJ", có lẽ hình ảnh đầu tiên mà người ta nghĩ ra chính là những chàng trai, cô gái với ngoại hình nổi bật, ăn mặc gợi cảm đang hăng say "chà đĩa", dùng đôi tay để phù phép nên những giai điệu sôi động làm nền cho cuộc vui của những vị khách hàng. 

Chưa kể, mức lương mà công việc này mang lại thường rất cao, dao động từ vài chục, thậm chí hàng trăm triệu động một tháng đã khiến cho không ít bạn trẻ mang trong mình ảo tưởng thử sức. Bằng chứng là cho đến tận bây giờ, vẫn có không ít người đã và đang chấp nhận đánh cược tuổi trẻ, sẵn sàng lao theo ánh hào quang mơ hồ này.

Từ vụ DJ Lê Thiện bị bắt: cạm bẫy chực chờ đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của nghề DJ - Ảnh 1.

Đối với nhiều người, DJ là một nghề vô cùng hào nhoáng. Ảnh: internet

Những "chiếc bẫy" có thể nuốt trọn người ta bất cứ lúc nào

Để có thể theo đuổi và kiếm tiền từ nghề này chưa bao giờ là cuộc hành trình dễ dàng. Khung giờ sinh hoạt thất thường, thâu đêm suốt sáng cộng với việc ăn ngủ không đủ giấc, thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng nhạc lớn đã đe dọa không nhỏ đến sức khỏe của những cô gái, chàng trai trẻ tuổi. 

Thêm vào đó, lối suy nghĩ chứa đầy định kiến và áp đặt của những người xung quanh đã khiến cho không ít DJ trẻ phải chịu điều tiếng hư hỏng, ăn chơi. Rào cản đó đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lí, những mối quan hệ cũng như cuộc sống thật của họ đằng sau ánh đèn sân khấu.

Từ vụ DJ Lê Thiện bị bắt: cạm bẫy chực chờ đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của nghề DJ - Ảnh 2.

Tính chất công việc ảnh hướng rất nhiều đến sức khỏe và tâm lí của các DJ. Ảnh: internet

Đành rằng nghề nào cũng có cái ưu nhược điểm, sức hút và cám dỗ khác nhau nhưng thật không ngoa khi nói DJ xứng đáng nằm trong top những công việc nguy hiểm bậc nhất. Làm việc trong điều kiện này rất dễ khiến con người ta sa ngã nếu không biết cách tự chủ và kiềm chế bản thân đúng lúc. 

Trước khi vụ việc DJ Lê Thiện bị bắt vì vận chuyển gần 11 kg ma túy xảy ra, đã có không ít vụ việc khác liên quan nghề DJ được phơi bày gây hoang mang trong dư luận. Nhiều trường hợp trong số đó bị gạ tình, chuốc rượu, pha thuốc hay thậm chí là tấn công tình dục. Nhất là đối với những nữ DJ, thực trạng này phổ biến "như cơm bữa", khiến họ luôn phải đau đầu đối phó mỗi lúc đi làm.

Từ vụ DJ Lê Thiện bị bắt: cạm bẫy chực chờ đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của nghề DJ - Ảnh 3.

Các DJ nữ thường xuyên phải đối mặt với những lời gạ tình, mời rượu. Ảnh: internet

Làm được hay không, là do chính bản thân mình

Mọi công việc đều có thể trở nên nguy hiểm nếu bản thân người làm nó không biết cách bảo vệ chính mình. Nghề DJ cũng không nằm ngoài số đó.

Thế nhưng, cái chính nhất vẫn nằm ở trong thân tâm mỗi người, ở nguyên nhân người ta chọn theo đuổi và cách họ hiện thực hóa những ước muốn của bản thân. Trên cơ sở đó, thiết nghĩ những người làm công việc DJ hoàn toàn có quyền chọn làm việc một cách lành mạnh để thỏa mãn đam mê đang rực cháy thay vì thả trôi bản thân theo những cám dỗ mà nó mang lại.