Ngõ nhỏ không chồng trên đồi C5

Con ngõ nhỏ chạy dài sâu hun hút trên đồi C5, trời nắng thì bụi mù trời, mưa xuống đường trở nên lầy lội với 4-5 mái nhà là nơi ra vào của những người phụ nữ với căn phòng đơn thân, gối chiếc…
 

‘Xin’ con để được làm mẹ

ngo nho khong chong tren doi c5
Con ngõ nhỏ ở dốc không chồng. Ảnh: Trang Anh

Xóm nhỏ thuộc thôn 3 (đồi C5, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) với những căn nhà Đại đoàn kết được chính quyền xây dựng cách đây 4 năm đã trở thành nơi che mưa, che nắng cho những hộ gia đình nơi đây.

Nói là hộ gia đình, nhưng ở đây chỉ có tiếng nói cười của những người phụ nữ ngoài 50 và tiếng nô đùa tíu tít của những đứa trẻ con, nhưng lại vắng bóng hình của người đàn ông.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thảnh (62 tuổi) ngược dòng thời gian về nhiều năm trước cho hay, xưa kia bà cùng một số chị em sinh sống tại mảnh đất Hải Dương, đến năm 1986 theo đoàn kinh tế mới vào mảnh đất Gia Lai làm công nhân quốc phòng cho Sư đoàn 359, bây giờ là Công ty Cà phê 705 (xã Ia Krái).

Những tháng ngày mới vào, nơi đây còn rừng hoang đất hóa nên những người như bà đã "bán" tuổi thanh xuân của mình để khai phá những mảnh rừng rậm rạp. Có những hôm đối diện với vắt rừng, cái gió cái rét lạnh căm… nhưng mọi người vẫn động viên nhau cố gắng mỗi ngày.

“Khi rời quê vào đây, ai nấy đều hy vọng có cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Nhưng người tính không bằng trời tính, cái đói, bệnh tật vẫn đeo bám chúng tôi dai dẳng. Có những đợt cơn sốt rét rừng hành hạ, tôi cứ ngỡ mình không qua khỏi, nhưng vì nghĩ đến gia đình khiến tôi vực dậy, mạnh mẽ mà chống chọi với nó. Còn có nhiều hôm vì đói quá, chị em lại rủ nhau vào rừng hái mít non về luộc ăn để lấp đầy cái bụng đang kêu gào”, bà Thảnh nhớ lại.

Đến năm 1993, sau khi nông trường giải thể người thì trở về quê, người thì cắm chốt lại đây với cuộc sống bấp bênh, tạm bợ. Mặc dù nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng do chỉ có hai bàn tay trắng, bà Thảnh cùng một số chị em đã rủ nhau lên ngọn đồi C5 dựng tạm túp lều sống qua ngày.

Khi đó, người thì đói nghèo quá nên không ai hỏi, người thì nhan sắc không ai bằng…Thế rồi thời gian cứ vun vút qua, cái tuổi thanh xuân trôi đi nên chẳng ai nghĩ đến chuyện lập gia đình. Đến khi nhìn lại thì mọi người đều có cặp có đôi, những người phụ nữ quá lứa, lỡ thời ấy chỉ hy vọng có người con để bớt tủi thân.

Với niềm khao khát cháy bỏng là có con để có thể đảm nhận thiên chức của một người mẹ khiến những người phụ nữ bỏ ngoài tai tất cả những lời đàm tiếu, dị nghị…. Sau đó họ tự sinh con rồi nuôi dưỡng những người con của mình lớn lên từng ngày.

Những người mẹ đơn thân

ngo nho khong chong tren doi c5
Bà Thảnh tuy tuổi đã cao nhưng vẫn làm lụng để trang trải cuộc sống. Ảnh: Trang Anh

Đưa ánh mắt nhìn về phía xa, bà Thảnh nhớ lại khoảng thời gian phải một thân một mình nuôi con khi không có bàn tay của người chồng, người cha.

“Trước đây, khi chưa có căn nhà Đại đoàn kết này thì gia đình tôi vẫn sống dưới mái nhà bằng tôn tạm bợ, dột nát. Những hôm mưa không có chỗ nào là không ướt. Nhiều đêm mưa mẹ con chỉ biết lấy túi nilong đội lên đầu rồi ôm nhau khóc đợi trời sáng. Mặc dù cuộc sống khổ cực, nhưng con cái ngoan, thương tôi nên chưa một lần nào tôi thấy hối hận”, bà Thảnh nghẹn ngào nói.

Khi mặt trời đã lên đỉnh, với bộ đồ lấm lem bụi đất, bà Nguyễn Thị Dựng (60 tuổi) mồi hôi nhễ nhại sau nửa ngày cắt cành cà phê thuê trở về. Khi thấy có khách, bà lau vội những giọt mồ hôi trên trán rồi nở nụ cười trìu mến.

Góp lời sau câu chuyện của bà Thảnh, bà Dựng cho hay, những người khác ở tuổi của bà đã được con cái nuôi dưỡng và có thể nghỉ ngơi. Nhưng do bà có con gái đang còn đi học nên mặc dù tuổi cao vẫn phải đi làm thuê lấy tiền nuôi con ăn học.

“Do tuổi đã cao nên công việc hầu như không có, ai thuê gì tôi làm nấy, hôm thì làm cỏ, hôm đi mót cà phê…Mỗi ngày như thế cũng kiếm được vài ba chục để mẹ con sống qua ngày.

Sau này không biết no đói thế nào nhưng tôi hạnh phúc vì có các con luôn bên cạnh động viên, an ủi mình”, bà Dựng nghẹn ngào nói.

ngo nho khong chong tren doi c5
Tuy cuộc sống khó khăn nhưng những người phụ nữ ở dốc không chồng vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. Ảnh: Trang Anh.

Cuộc sống cơ cực chẳng kém, bà Nguyễn Thị Bóng (60 tuổi) cũng đã “xin” được hai người con trai, tuy nhiên bà vẫn phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền chữa bệnh động kinh và viêm gan cho người con đầu. Còn người con thứ 2 thì đi bộ đội ở Quảng Nam nên cũng chẳng thế giúp gì cho mẹ già.

Kể về người con trai đầu của mình, bà Bóng vẫn ám ảnh những lúc con lên cơn động kinh, người co giật, miệng sùi bọt mép. Khi đó, vừa sợ, vừa thương con, bà chỉ biết đưa vòng tay nhỏ bé, gầy guộc của mình ôm trọn con vào lòng để con bớt đau.

Mặc dù khổ cực là thế, những những người phụ nữ ấy luôn nở một nụ cười rạng rỡ trên môi. Bởi với họ, họ không cần vinh hoa phú quý, không cần địa vị xã hội, không cần danh chính ngôn thuận mà chỉ cần những người con của mình lớn lên, ngoan ngoãn, bên cạnh họ khi tuổi già thì cuộc sống đã quá đỗi hạnh phúc.

Ông Ksor Thuyn, chủ tịch UBND xã Ia Krái cho hay, hoàn cảnh của những người phụ nữ không chồng trên đồi C5 đều rất khó khăn. Tất cả những gia đình này thuộc hộ nghèo tại địa phương.

Theo vị chủ tịch, để giúp đỡ phần nào cho những hộ gia đình này, hàng năm chính quyền vẫn cấp phát giống, phân bón và vật nuôi. Bên cạnh đó, xã cũng cho các hộ gia đình này vay vốn để canh tác, chăn nuôi, phát triển kinh tế.

ngo nho khong chong tren doi c5 Cụ ông 72 tuổi làm giàu từ giống dâu tây New Zealand

Mặc dù ở tuổi xế chiều, nhưng cụ ông 72 tuổi vẫn tìm tòi, học hỏi đưa giống dâu tây từ Đà Lạt về Gia ...

ngo nho khong chong tren doi c5 Hoa đào xứ bắc thắm sắc Tây Nguyên

Mảnh đất Tây Nguyên thường được người dân biết đến với cái nắng, cái gió với những sắc vàng của hoa mai, cúc chào đón ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.