Ngoài 1.166 km cao tốc, miền Tây sắp có thêm 4 cầu mới hơn 20.000 tỷ đồng

Trong vòng 4 năm tới, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm cầu Rạch Miễu 2, Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, cầu Đình Khao qua sông Cổ Chiên và cầu Đại Ngãi nối đôi bờ sông Hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh thành với dân số hơn 17 triệu người, được xem là vùng kinh tế quan trọng khi góp khoảng 18% GDP cả nước. Tuy nhiên, các tỉnh miền Tây phát triển chưa xứng tiềm năng, một phần do hạ tầng giao thông ở đây yếu kém.

Tính đến năm 2020, toàn vùng chỉ có 45 km đường cao tốc, chiếm khoảng 3% chiều dài cao tốc cả nước, chưa kể những con đường quốc lộ cũng nhỏ hẹp. Thời điểm này, một số dự án giao thông vẫn "nghẽn" và chưa được xác định được ngày triển khai.

Còn hiện tại, khu vực cũng chỉ có khoảng 150 km cao tốc đang khai thác, gồm tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận mới thông xe vào đầu năm nay.

Ngoài 1.166 km cao tốc, miền Tây sắp có thêm 4 cầu mới hơn 20.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn của Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh minh họa: Bộ Xây dựng).

Đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là bản quy hoạch vùng đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch.

Quy hoạch nêu rõ, về đường bộ, với hệ thống đường bộ cao tốc trong vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm ba trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và ba trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.

Với đặc điểm địa hình là vùng sông nước, việc đầu tư mạng lưới cầu sẽ giúp kết nối hệ thống đường cao tốc với nhau, khơi thông những điểm nghẽn về hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện tại, ngoài những cây cầu lớn đã thành hình và đưa vào sử dụng như cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Cao Lãnh, Vàm Cống, Cổ Chiên, Mỹ Lợi,...trong vòng 4 năm tới đây, 4 cầu gồm Rạch Miễu 2, Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, cầu Đình Khao qua sông Cổ Chiên và cầu Đại Ngãi nối hai bờ sông Hậu đang và sắp được triển khai, thúc đẩy thế mạnh của vùng.

Cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6 km, quy mô 6 làn xe, cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8 km.

Điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa quốc lộ 1 với đường tỉnh 870) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiến Giang; điểm cuối kết nối quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc địa phận TP Bến Tre.

Ngoài hơn 1.100 km cao tốc sắp xây dựng, miền Tây sẽ có thêm 4 cây cầu khơi thông dòng chảy kinh tế - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2. (Ảnh: Ban quản lý dự án 7).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Khi hoàn thành, cầu Rạch Miếu 2 sẽ giúp giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời rút ngắn khoảng cách giao thông đường bộ giữa TP HCM và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 62,38 ha, trong đó tỉnh Tiền Giang khoảng 26,56 ha và tỉnh Bến Tre khoảng 35,82 ha. Kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư hơn 1.279 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ được khởi công vào cuối tháng 3 này.

Cầu Đại Ngãi là cầu dây văng thứ ba bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ và Vàm Cống. Công trình này có tổng vốn đầu tư khoảng 8.140 tỷ đồng, nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Sau nhiều năm đình trị do khó khăn về nguồn vốn, cầu Đại Ngãi đang trong quá trình tái khởi động lại.

Dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư mới theo nguồn vốn ODA Nhật Bản. Chiều dài tuyến khoảng 15,2 km, gồm bảy 7 cầu. Trong đó hai cầu chính là cầu Đại Ngãi 1 dài 2,24 km, cầu Đại Ngãi 2 dài 860 m, cạnh đó còn có năm cầu trung và nhỏ cùng với đường dẫn vào cầu. Điểm đầu dự án tại nút giao quốc lộ 60 với quốc lộ 54, cách bến phà Đại Ngãi 8 km (Tiểu Cần, Trà Vinh). Điểm cuối công trình giao quốc lộ Nam Sông Hậu (Long Phú, Sóc Trăng).

Ngoài hơn 1.100 km cao tốc sắp xây dựng, miền Tây sẽ có thêm 4 cây cầu khơi thông dòng chảy kinh tế - Ảnh 2.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu. (Ảnh: Bộ Giao thông vận tải).

Dự án do Ban quản lý dự án 7 lập báo cáo nghiên cứu khả thi, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật viện trợ không hoàn lại. Dự kiến cầu Đại Ngãi sẽ khởi công vào đầu năm 2023, hoàn thành sau 48 tháng.

Cùng với cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên, dự án khi hoàn thành giúp quốc lộ 60 thông suốt, kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Công trình rút ngắn cự ly từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng lên TP HCM khoảng 80 km.

Mới đây, trả lời kiến nghị tỉnh Sóc Trăng về dự án, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tiếp tục làm việc với phía Nhật Bản để sớm triển khai công tác khoan khảo sát và phối hợp tiến hành lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cầu Đại Ngãi để phê duyệt và trình Thủ tướng Chính phủ đàm phán vốn vay, tổ chức thi công công trình trong kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025.

Bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang với Vĩnh Long, cầu Mỹ Thuận 2 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng đang được thi công những đốt của trụ chính dây văng. Công trình khởi công vào cuối tháng 2/2020, dự kiến hoàn thành năm 2023. Cầu dài 6,6 km, trong đó cầu chính dài 1,9 km, đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Ngoài 1.166 km cao tốc, miền Tây sắp có thêm 4 cầu mới hơn 20.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 350 m về phía thượng lưu. (Ảnh: tiengiang.gov.vn).

Công trình có điểm đầu khớp nối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè); điểm cuối khớp nối với Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (nút giao quốc lộ 80, TP Vĩnh Long). Hướng tuyến từ điểm đầu dự án đi song song quốc lộ 1 và vượt qua sông Tiền bằng cầu Mỹ Thuận 2, kết thúc tại nút giao với quốc lộ 80.

Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành giúp giảm tải giao thông cho cầu Mỹ Thuận hiện tại cách đó 350 m và quốc lộ 1; kết nối hai đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP HCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh ở miền Tây.

Trên sông Cổ Chiên, dự án cầu Đình Khao tổng kinh phí hơn 2.400 tỷ đồng nối Vĩnh Long với Bến Tre mới được hai địa phương trình Thủ tướng phê duyệt.

Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến khởi công năm nay và hoàn thành vào năm 2025. Công trình dài hơn 11 km, cầu chính và cầu phụ dài 1,5 km, rộng 14 m, 4 làn xe. 

Ngoài 1.166 km cao tốc, miền Tây sắp có thêm 4 cầu mới hơn 20.000 tỷ đồng - Ảnh 5.

Cầu Đình Khao sau khi hoàn thành sẽ thay thế phà Đình Khao kết nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. (Ảnh: Flickr)

Dự kiến cầu Đình Khao sẽ bắt đầu từ vị trí nằm trên quốc lộ 53, cách vòng xoay Đồng Quê khoảng 6,5 km và cách trung tâm thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) khoảng 1,2 km.

Sau đó, tuyến đi trùng với đường tỉnh 909 cắt qua đường tỉnh 902 và vượt sông Cổ Chiên tại vị trí cách phà Đình Khao hiện hữu khoảng 5,5 km về phía hạ lưu, kết nối với cồn Phú Đa thuộc huyện Chợ Lách, Bến Tre và kết thúc tại vị trí giao với quốc lộ 57 hiện hữu.

Cầu khi hoàn thành giúp thông suốt quốc lộ 57, nối tỉnh Vĩnh Long - Bến Tre và một số tỉnh trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.