GS Phan Huy Lê (Ảnh: Ngô Vương Anh) |
GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, cho rằng: “Hẳn ai cũng có thể nhận ra vai trò tiên phong dẫn dắt về học thuật của GS Phan Huy Lê trong nền sử học đa ngành nước ta, nhưng sự suy tôn một nhà khoa học lên vị trí cao nhất suốt nửa thế kỷ cũng là câu chuyện hiếm có”.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, không thể nào quên những ngày đầu khai quật tại Hoàng thành Thăng Long hồi năm 2003.
Khi đó, Viện Khoa học xã hội VN và Hội Khoa học lịch sử VN đã lần lượt gửi thư lên Đảng và Nhà nước đề nghị được khai quật tổng thể và gìn giữ địa điểm khảo cổ học này.
“Văn bản của Hội Khoa học lịch sử VN ngày 24.9.2003 do GS Phan Huy Lê ký đưa ra dự đoán nếu công việc nghiên cứu khoa học và bảo tồn tốt thì có nhiều khả năng khu di tích lịch sử - văn hóa nằm giữa thủ đô Hà Nội đó sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới”, PGS Tống Trung Tín nhớ lại chiều 23.6, khi GS Phan Huy Lê vừa ra đi.
GS Phan Huy Lê đã “cứu” Hoàng thành Thăng Long và bảo vệ nhiều di sản khác: không gian di sản Cột Cờ, di sản La Thành, đàn Xã Tắc (Hà Nội). GS Phan Huy Lê, theo ông Tín, là “nhà sử học kết hợp nhuần nhuyễn các thành tựu sử học và khảo cổ học thành công nhất trong giới sử học VN hiện đại”.
Theo GS Nguyễn Quang Ngọc: “Toàn bộ trước tác của GS Phan Huy Lê được chia thành nhiều lĩnh vực, với số công trình từ 41 đến 92 cho mỗi lĩnh vực.
Thật hiếm có một học giả có khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn như thế”.
Cũng theo GS Nguyễn Quang Ngọc, GS Phan Huy Lê quan niệm lịch sử VN là lịch sử chung của cả nước, của toàn dân, của tất cả 54 tộc người chung sống trên đất VN.
Vì thế, bên cạnh các bộ thông sử, các nghiên cứu tổng quan, ông đặc biệt quan tâm đến lịch sử địa phương, dòng họ và các nhân vật cụ thể. “
Chính tư liệu địa phương và tư liệu dòng họ là nguồn thông tin bổ sung quan trọng giúp ông làm sáng rõ và sinh động hơn bức tranh lịch sử nước nhà”, ông Ngọc cho biết.
Theo GS Ngọc, GS Phan Huy Lê đã chủ trì Chương trình nghiên cứu gia phả VN và viết 92 công trình về các nhân vật lịch sử, dòng họ. Đây là mảng đề tài lớn nhất trong các mảng đề tài ông đã thực hiện.
GS Ngọc cho rằng, GS Phan Huy Lê cũng là người được giao trách nhiệm xây dựng hai ngành học mới VN học và Đông phương học.
Viện VN học và khoa học phát triển do GS Lê sáng lập, dẫn dắt đã trở thành viện quốc gia đầu ngành về nghiên cứu đào tạo VN học có ảnh hưởng trong lẫn ngoài nước.
Những nhà nghiên cứu VN học nước ngoài thời kỳ đầu đến VN đã được GS Phan Huy Lê tìm mọi cách xin visa giúp.
“Thời đó tôi không hình dung nổi (mà đến giờ chỉ mới hiểu phần nào), GS đã phải vất vả đến mức nào để có được visa đó. Thực hiện chính sách mở cửa của Chính phủ không phải đơn giản.
VN chỉ vừa mới bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới. Chính GS là người mở cửa con đường vào VN cho tôi và nhiều nghiên cứu sinh khác nữa”, TS Andrew Hardy, nguyên Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, nhớ lại.
Khoa Đông phương học (ĐH KHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) do GS Lê xây dựng cũng đã trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Ấn Độ học và Đông Nam Á học với chất lượng cao.
Thậm chí, theo PGS-TS Nguyễn Quốc Hùng, Khoa Đông phương học, uy tín của GS Lê với các tổ chức nước ngoài, chuyên gia nước ngoài lớn tới mức “nhiều người tìm đến Khoa Đông phương học chỉ để gặp và làm việc với GS Phan Huy Lê”.
Nhiều tổ chức như JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), KOICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc) đã cử giáo viên tình nguyện sang dạy tiếng Nhật, tiếng Hàn cho sinh viên. Các GS nước ngoài cũng tình nguyện sang dạy tại khoa.
GS - Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ông còn là nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội; nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu VN và giao lưu văn hóa; nguyên Chủ nhiệm bộ môn lịch sử VN cổ trung đại, Khoa Lịch sử; nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông phương học, ĐH KHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội; Chủ nhiệm Đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử VN. Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì và hạng ba; Huân chương Cành cọ vàng Hàn lâm (Pháp); giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản). Giới sử học tôn vinh ông là một trong “tứ trụ” của sử học hiện đại VN. Lễ viếng và truy điệu GS Phan Huy Lê tổ chức từ 7h30 đến 10h ngày 27/6 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng tại công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13h cùng ngày. |
Vĩnh biệt Giáo sư Phan Huy Lê- cây đại thụ của sử học Việt Nam
GS Phan Huy Lê - 1 trong 4 cây đại thụ của nền sử học Việt Nam đương đại, vừa qua đời trưa ngày 23/6, ... |
GS Lê Văn Lan: 'Thân hình nhỏ nhắn nhưng GS Phan Huy Lê để lại một sự nghiệp vĩ đại'
Giáo sư (GS) Sử học Lê Văn Lan vừa có một số chia sẻ về GS Phan Huy Lê - một trong những 'cây đại ... |
Thời sự 09:28 | 04/07/2018
Kinh doanh 07:30 | 04/07/2018
Thể thao 07:25 | 04/07/2018
Kinh doanh 11:00 | 03/07/2018
Kinh doanh 07:09 | 03/07/2018
Giải trí 03:46 | 03/07/2018
Kinh doanh 00:36 | 03/07/2018
Lối sống 12:05 | 02/07/2018