Người dân lo đi làm muộn vì cấm xe máy lên cầu vượt tuyến BRT đi qua

Nhiều người thường xuyên đi lại trên tuyến đường Láng Hạ, Lê Văn Lương lo ngại trước quy định cấm người điều khiển mô tô hai bánh di chuyển trên 2 cầu vượt giờ cao điểm.

Tại cuộc họp báo công bố thông tin về tuyến bus nhanh Hà Nội tuyến BRT 01 Yên Nghĩa – Kim Mã ngày 19/12, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành Giao thông đô thị Hà Nội cho biết, các lực lượng chức năng sẽ cấm các phương tiện mô tô hai bánh lưu thông trên hai cây cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng – Thái Hà và Láng Hạ - Láng – Lê Văn Lương trong giờ cao điểm. Cụ thể, vào các khung giờ sáng từ 6h đến 9h và chiều từ 16h30 đến 19h30.

Theo lý giải của ông Nguyễn Hoàng Hải, tại trục tuyến BRT đi qua, mật độ cũng như lưu lượng người tham gia giao thông rất đông, đặc biệt là giờ cao điểm. Với các phương tiện như xe máy, sau khi di chuyển ở phần đường bên phải sẽ rẽ sang trái để lên hai cây cầu vượt, qua đó tạo ra điểm xung đột giao thông. Khi BRT đi qua, những điểm xung đột giao thông này sẽ làm chậm tốc độ của tuyến xe bus nhanh đồng thời càng gây thêm tình trạng ùn tắc.

Đến ngày 26/12, trên hai cây cầu vượt, công nhân đã hoàn thành việc gắn biển cấm với loại phương tiện mô tô hai bánh vào các khung giờ cao điểm và chính thức áp dụng vào ngày 1/1/2017 tới đây khi tuyến bus nhanh đi vào hoạt động.

nguoi dan lo di lam muon vi cam xe may len cau vuot tuyen brt di qua

Sẽ cấm xe máy lưu thông trong giờ cao điểm trên cầu vượt dọc tuyến BRT 01 đi qua từ 1/1/2017.

Trước thông tin trên, nhiều người dân thường xuyên đi lại trên trục tuyến Láng Hạ, Lê Văn Lương tỏ ra lo ngại. Anh Quyết, một tài xế xe ôm bày tỏ, nếu thực hiện quy định trên, việc đưa đón khách sẽ trở nên khó khăn và mất thời gian hơn. "Sáng tôi đưa một bác từ Quan Nhân đi làm tại tòa nhà trên phố Láng Hạ, chiều có lịch đón một cháu học sinh ở Lương Thế Vinh về lại Thành Công. Chưa kể những khách khác thì việc cấm đi lại trên cầu vượt khiến tôi mất thời gian hơn nhiều. Ngày nào ở trục Láng Hạ chẳng tắc nghẹt. Nay phân luồng, xe máy đi xuống dưới hết lại càng tắc. Không rõ sau này có phân lại làn đường không".

Cũng chung lo ngại như anh Quyết, anh Nguyễn Văn Thanh đang di chuyển trên cầu đường bộ bắc qua đường Láng Hạ sang công viên Indira Gandhi để tập thể dục, chia sẻ: "Tôi ngày nào cũng đi làm qua đây. Nhà ở ngõ 29 Láng Hạ còn đi làm ở dưới Hà Đông. Giờ đi làm đường nào cũng tắc. Trước đi mất 30 – 40 phút mới đến công ty, giờ mà cấm xe máy lên cầu vượt, xe máy đông ùn ứ hết ở dưới, ách tắc trông thấy, lại nhường một làn cho xe bus nhanh nữa, chắc mất cả tiếng mới tới nơi. Lại phải dậy sớm hơn hoặc xác định đi làm muộn, trừ lương là chắc rồi".

nguoi dan lo di lam muon vi cam xe may len cau vuot tuyen brt di qua

Xe máy sẽ lưu thông phía dưới cầu vượt, nơi mật độ phương tiện khá cao, đặc biệt là giờ cao điểm.

Không chỉ lo ngại về chuyện ùn tắc khi xe máy không được lưu thông trên cầu vượt giờ cao điểm, một số người dân khu vực trên cũng chỉ ra một số điểm bất tiện khi BRT đi vào hoạt động.

Tại cầu vượt bộ hành đối diện công viên Indira Gandhi, nhiều bác lớn tuổi bày tỏ ái ngại khi phải di chuyển quãng đường khá xa nếu lựa chọn sử dụng BRT. Theo bác Đông, ban quản lý tuyến BRT đã khá tâm lý khi tạo ra cầu thang từ nhà chờ xe bus bắc lên cầu vượt. Tuy nhiên, từ nhà chờ, đi bộ lên cầu vượt bộ hành, rồi lại đi xuống tính ra cũng tới gần 200m leo lên, leo xuống, mới sang được đường bên kia. "Đúng là các anh chị thanh niên thì đi bộ thì không sao, càng dẻo chân, nhưng với cánh già chúng tôi, đi bộ thế cũng bở hơi tai. Rồi cả người tàn tật đi xe lăn thì sao?", bác Đông chia sẻ quan điểm. "Làm BRT nếu ở các đường vành đai, đường ra ngoài thành thì tốc độ còn được đảm bảo, chứ làm ở đường xuyên tâm sợ rằng muốn nhanh cũng khó".

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, đường nhựa vốn đang đẹp, đi lại êm nay phục vụ BRT nên cầu vượt ở Huỳnh Thúc Kháng phải gia cố lại, các tuyến đường phải trải lại bê tông, đi sẽ có độ nẩy. Cùng với đó, ý thức người tham gia giao thông trong tình cảnh tắc đường, ùn ứ sẽ chen chấn, đi lên vỉa hè hoặc lấn làn BRT khiến tuyến bus nhanh đầu tiên của Thủ đô có khả năng không thể nhanh như dự kiến.

nguoi dan lo di lam muon vi cam xe may len cau vuot tuyen brt di qua

Cầu tháng đi bộ từ nhà chờ lên cầu vượt bộ hành để sang đường.

Cũng tại buổi họp báo ngày 19/12, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã khẳng định, BRT có rất nhiều lợi thế và được ưu tiên cao sẽ nhanh hơn bus thường. Đây sẽ trở thành phương tiện giao thông công cộng văn minh, sớm trở thành sự lựa chọn thường xuyên của người dân Thủ đô khi di chuyển từ Kim Mã đến Yên Nghĩa và ngược lại. Theo đó, khi có tới 90 người/chuyến BRT đồng nghĩa phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, ô tô sẽ giảm đi rõ rệt và góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Hiệu quả của BRT sẽ được kiểm chứng khi tuyến BRT 01 chính thức đi vào vận hành từ 1/1/2017. Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá và có những điều chỉnh hợp lý để cùng giải bài toán về nạn ùn tắc giao thông đang ở mức báo động tại Hà Nội, đặc biệt là ở tuyến đường Láng Hạ, Lê Văn Lương.

Theo dự kiến, sau tuyến BRT 01, sẽ có thêm 7 tuyến BRT khác sẽ lần lượt được khai thác để cùng với hệ thống đường sắt trên cao, hệ thống tàu điện ngầm trong tương lai giảm thiểu đáng kể tình trạng tắc đường như hiện nay.

nguoi dan lo di lam muon vi cam xe may len cau vuot tuyen brt di qua

Một số biển cấm đã được gắn trên cầu vượt đoạn Láng Hạ - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng

nguoi dan lo di lam muon vi cam xe may len cau vuot tuyen brt di qua

Nhiều người lo ngại, xe máy, ô tô vẫn sẽ lấn làn của BRT

nguoi dan lo di lam muon vi cam xe may len cau vuot tuyen brt di qua

Một lo ngại khác là quãng đường từ nhà chờ, đi lên cầu vượt bộ hành, để sáng đường khá xa, nhất là đối với người già

nguoi dan lo di lam muon vi cam xe may len cau vuot tuyen brt di qua

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị liên quan vẫn khẳng định, BRT sẽ là một trong những giải pháp để giảm tải ùn tắc ở những tuyến đường thường xảy ra ùn tắc.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.