\"Người hùng\" giải cứu nữ nhân viên hàng không: Hành vi chấp nhận được?

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng hành động của hành khách lao vào giải cứu nữ nhân viên hàng không là chấp nhận được.

Sau hơn một tuần xảy ra vụ việc hai nam hành khách hành hung nữ nhân viên Vietnam Airlines ở sân bay Nội Bài, dư luận tiếp tục có những ý kiến trái chiều liên quan đến một “người hùng” đã ra tay giải cứu nữ nhân viên.

Việc đánh hành khách Trần Dương Tùng để giải cứu nữ nhân viên hàng không có vi phạm pháp luật hay không trong trường hợp này? Có quan điểm nói là có, nhưng đa số đồng tình hành vi đó là hợp lý, không phạm luật.

Câu chuyện đó đã nóng từ ý kiến công luận, của giới luật sư và cả bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã khẳng định, hành động đó đã ngăn chặn được hành vi của 2 người đàn ông hành hung phụ nữ và không sai...

Trước những ý kiến nêu trên, ngày 27/10, trả lời báo chí, ông Đào Văn Chương, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hành vi của 2 hành khách hành hung nhân viên Vietnam Airlnes là hành vi gây rối trật tự, có tính chất côn đồ, gây hoang mang cho nhân viên hàng không. Theo ông Chương, trong vụ việc này, rất cần phải xử lý nghiêm để tránh những trường hợp tương tự xảy ra.

Trả lời câu hỏi “người hùng” sân bay bất bình trước việc nữ nhân viên Vietnam Airlines bị hành hung đã lao vào giải cứu bằng cách đạp hành khách Trần Dương Tùng. Đây có phải là hành vi gây rối trật tự sân bay không?

nguoi hung giai cuu nu nhan vien hang khong hanh vi chap nhan duoc
Nữ nhân viên hàng không Nguyễn Lê Quỳnh Anh bị khách hành hung chiều 18/10 (Ảnh cắt từ clip).

Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đào Văn Chương cho rằng: Cá nhân ông bày tỏ quan điểm, hành động một hành khách thấy sự bất bình đã lao vào đạp hành khách Trần Dương Tùng là chấp nhận được, vì nó đã chấm dứt được hành vi hành hung, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên hàng không Vietnam Airlines.

“Khi chứng kiến xảy ra sự việc, một hành khách mặc áo đen cạnh đó đã lao vào đánh anh Tùng. Hành động đầu tiên của thanh niên trên đã chấm dứt việc hành hung nhân viên hàng không của ông Trần Dương Tùng nên không phải là hành vi gây rối. Nhưng khi anh Tùng ngã xuống rồi người thanh niên đó vẫn lao vào đánh tiếp là chưa hợp lý…”, ông Đào Văn Chương phân tích.

Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, xét thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự nên Cảng vụ hàng không miền Bắc đã bàn giao những người vi phạm cho Công an sân bay Nội Bài để xử lý. “Ngay giữa sân bay đông người, hành khách to tiếng với lời lẽ thô tục rồi túm áo, hành hung nhân viên hàng không là không thể chấp nhận được và cần phải xử lý nghiêm...”, Lãnh đạo Cục Hàng không VN khẳng định.

Ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng phòng An ninh, Cục Hàng không cũng cho rằng, đây là hành động ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, hành động này đã chấm dứt sự việc gây rối nên không phải là hành vi gây rối.

nguoi hung giai cuu nu nhan vien hang khong hanh vi chap nhan duoc

Ông Đào Văn Chương, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc nữ nhân viên hàng không bị hành hung vừa qua.

“Khách hàng hành hung nhân viên hàng không không phải là hành vi can thiệp bất hợp pháp hàng không dân dụng như bắt cóc con tin, chiếm giữ tàu bay mà là hành vi gây rối, không chịu theo sự tuân thủ hướng dẫn nhưng chưa đến mức mất an toàn hàng không…”, ông Tô Tử Hùng lý giải.

Theo ông Hùng, qua ý kiến của công luận, luật sư và nhiều Đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng khẳng định, hành động đó đã ngăn chặn được hành vi 2 người đàn ông bắt nạt phụ nữ và hành vi đó là không sai, đáng biểu dương. Cá nhân ông bày tỏ quan điểm, hành động đạp hành khách Trần Dương Tùng lúc đó là chấp nhận được, vì nó đã chấm dứt được hành vi hành hung gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên hàng không Vietnam Airlines. "Tuy nhiên, sau khi đạp ngã hành khách Tùng rồi thì không nên lao vào đánh tiếp, lỡ hai bên có đông người mà lao vào hỗn chiến thì sự việc mình làm đang đúng lại thành sai, vi phạm pháp luật. Cho nên ranh giới đúng và sai ở đây là rất mong manh...", ông Hùng nói.

Về việc liệu lực lượng an ninh hàng không sân bay Nội Bài xuất hiện quá chậm sau khi xảy ra vụ việc, theo ông Hùng, nhân viên của Trung tâm an ninh Nội Bài đã phối hợp với an ninh cơ động sân bay có mặt kịp thời, 40 giây sau đã có mặt để ngăn chặn xô xát, xử lý vụ việc nên không thể nói là chậm.

Nhìn nhận dưới góc độ khác, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng không có căn cứ để xử lý cả về hành chính hoặc hình sự đối với người đàn ông được gọi là "người hùng" sân bay về hành vi gây rối trật tự công cộng.

nguoi hung giai cuu nu nhan vien hang khong hanh vi chap nhan duoc
Quầy làm thủ tục số 38, nơi xảy ra vụ hai nam hành khách hành hung nữa nhân viên Quỳnh Anh chiều 18-10.

Theo luật sư Thơm, hành vi gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi của người có lời nói, cử chỉ tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng tỏ ra coi thường trật tự chung, gây mất trật tự hoặc là những hành vi càn quấy, hành hung người khác (nhưng không gây thương tích, nếu đã gây thương tích thì đó là chuyện khác), gây lộn ở nơi công viên, rạp hát, vườn hoa, quảng trường, sân bay, trụ sở cơ quan nhà nước, trường học…

Người có hành vi gây rối trật tự công cộng thực hiện với lỗi cố ý “nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra".

Xét hành vi của người đàn ông trong vụ việc này, luật sư Thơm cho rằng đây là hành vi can ngăn và ngăn chặn người đang có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nữ nhân viên sân bay. Đó cũng là trách nhiệm của công dân khi thấy bất kỳ đối tượng nào có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác một cách trái pháp luật thì đều có quyền ngăn chặn hành vi vi phạm đó.

Khi thấy nữ nhân viên sân bay bị các đối tượng đánh nơi công cộng thì người đàn ông đã xông vào ngăn chặn bằng cách đánh lại đối tượng vi phạm nhằm triệt tiêu sự nguy cấp đến tính mạng người khác. Như vậy, xét hành vi can ngăn của người đàn ông đánh lại đối tượng thì không có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng và cũng không có căn cứ để xử lý hành chính về hành vi này./.

Liên quan tới sự việc, vào ngày 20/10 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã có quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không đối với 2 nam hành khách hành hung nữ nhân viên hàng không vào chiều 18/10 tại sân bay Nội Bài. Theo đó, ông Trần Dương Tùng bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không 12 tháng, ông Đào Vịnh Thuấn bị cấm 6 tháng.

Ngày 23/10, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Thuấn từ ngày 1/11/2016, đồng thời giao Chánh Thanh tra Sở chỉ đạo rút kinh nghiệm trong toàn lực lượng để không xảy ra hành vi tương tự.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông báo ý kiến của Thủ tướng về việc yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc trên và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2016.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.