Người nghèo Sài Gòn, Hà Nội ấm lòng với ‘ATM gạo’ và những suất ăn miễn phí những ngày cách li xã hội

Những người dân nghèo ở hai đầu đất nước được các mạnh thường quân giúp đỡ nhận gạo, mì tôm, suất ăn để vượt qua khó khăn ngày cách li xã hội, phòng chống dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 làm nhiều doanh nghiệp trên cả nước ngừng hoạt động. Người dân thất nghiệp. Những lao động nghèo càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Những ngày cách li xã hội chống dịch, sự tử tế, tốt bụng được "thắp sáng" ở TP HCM và Hà Nội giúp người nghèo ấm lòng.

"ATM gạo" tuôn trào không ngừng giúp người nghèo Sài Gòn no mùa dịch

Theo thông tin trên báo Thanh niên, "ATM gạo" được đặt tại địa chỉ 204B Vườn Lài, quận Tân Phú (TP HCM) do công ty PHGLock sáng chế. Chủ nhân của "ATM gạo" là anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, giám đốc công ty).

Người nghèo Sài Gòn, Hà Nội ấm lòng với ‘ATM gạo’ và những suất ăn miễn phí những ngày cách li xã hội - Ảnh 1.

Người nghèo Sài Gòn, Hà Nội ấm lòng với ‘ATM gạo’ và những suất ăn miễn phí những ngày cách li xã hội - Ảnh 2.

"ATM gạo" được đặt tại địa chỉ 204B Vườn Lài, quận Tân Phú (TP HCM) do công ty PHGLock sáng chế. Chủ nhân của "ATM gạo" là anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, giám đốc công ty). (Ảnh: Báo Thanh niên).

"Mùa dịch bệnh, dễ bị tổn thương nhất là người nghèo, những người từ các tỉnh thành đến TP HCM mưu sinh, chật vật kiếm ăn từng ngày. Vì lẽ đó mà có rất nhiều người phát tâm làm từ thiện. Trong tôi cũng đau đáu muốn làm gì đó góp chút công sức giúp đỡ người nghèo tạm thời vượt qua hoàn cảnh khó khăn. 

Tuy nhiên, đi qua một vài nơi tôi thấy ở những điểm từ thiện phát cơm, gạo, thực phẩm… có rất đông người đến nhận, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất dễ xảy ra. Công ty tôi làm về khóa điện tử thông minh, vậy là tôi tận dụng những thiết bị sẵn có, mày mò sáng tạo chiếc máy tự động phát gạo miễn phí. 

Với chiếc máy này và cách sắp xếp hợp lý, khoa học sẽ giúp giảm tình trạng tập trung đông người; người phát gạo và người nhận không tiếp xúc với nhau sẽ tránh nguy cơ lây lan chéo dịch bệnh", anh Tuấn Anh giãi bày trên báo Người lao động.

Tại điểm phát gạo, anh Tuấn Anh cho đặt một tấm bảng hướng dẫn cụ thể thao tác bấm nút lấy gạo để người nhận dễ dàng làm theo. Những người đến nhận gạo cũng được yêu cầu phải xếp hàng cách nhau 2 m và không tập trung quá 10 người. Máy chạy 24/24, mỗi lần lấy được khoảng 1,5-2 kg gạo. Trung bình mỗi ngày số gạo từ máy "ATM gạo" phát ra gần 2 tấn.

Người dân nhận gạo từ "ATM gạo". (Ảnh: Báo Thanh niên).

Thông tin trên báo Vietnamnet, biết tin anh Tuấn Anh phát minh ra chiếc máy "ATM gạo" để phát cho người nghèo nên nhiều người đã tìm đến góp sức.

Người vài chục kí, người vài tạ và thậm chí có người đánh xe tải, ô tô du lịch chở cả tấn đến góp. Nhờ đó, kho gạo để giúp đỡ cho người khó khăn bỗng chốc đầy ắp hẳn lên.

Sau khi nhận được sự quan tâm và động viên của nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân, hiện tại anh Tuấn Anh và nhân viên đang khảo sát ở một địa điểm trên địa bàn quận 12 để có thể tiến hành lắp máy "ATM gạo" thứ hai tại đây. 

Anh Tuấn Anh mong muốn sau khi dịch bệnh kết thúc, việc phát gạo có thể kéo dài thêm 1-2 tháng để người lao động nghèo có thời gian tìm việc và ổn định cuộc sống. Thông tin trên báo Người lao động, cho biết.

Người nghèo Hà Nội được giúp đỡ trong mùa dịch với những phần quà từ thiện

Thông tin trên Thời báo Tài Chính Việt Nam, cho biết tại Hà Nội có nhiều địa điểm phát quà từ thiện, đồ dùng hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể có thể kể đến như: tại số 63 - 54 Hàm Long, quận Hoàn Kiếm; quán Cafe N2F, đầu ngõ 54 Lê Văn Lương (Thanh Xuân - Hà Nội); Cổng chính ký túc xá (KTX) Mễ Trì, số 182 Lương Thế Vinh (Thanh Xuân - Hà Nội),…

Những món quà từ thiện giúp người dân. (Ảnh: Thời báo Tài Chính Việt Nam).

Tại các điểm phát quà từ thiện, những phần đồ ăn thiết thực như mì gói, nước tương, trứng gà... được phát miễn phí cho người già, người vô gia cư, người bán vé số trên các con phố, ngõ hẻm. Nhiều nơi còn phát cả gạo, khẩu trang và những suất cơm.

Việc phát quà từ thiện không còn xa lạ với mọi người, nhưng giữa lúc khó khăn cấp thiết như hiện nay thì những món đồ từ thiện càng trở nên ý nghĩa. Đó là hành động đẹp thể hiện tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau giữa người với người; an ủi, động viên cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Tạp chí Tri thức trực tuyến đưa tin, có các điểm phát tặng đồ kèm lời nhắn: "Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày" xuất hiện trên phố Yết Kiêu, 54 Lê Văn Lương, 420 Lạc Long Quân và KTX Mễ Trì.

Anh Nguyễn Phan Huy Khôi (chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội) chia sẻ, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch Covid-19, khi nghĩ đến những người lao động nghèo ở thành phố còn khó khăn hơn mình rất nhiều, anh cùng vài người bạn đã khởi xướng chương trình: "Ai cần cứ đến lấy" để tặng thực phẩm cho mọi người.

Mỗi suất thực phẩm rất đơn giản có mì tôm, trứng gà... giá trị khoảng 20.000 đồng nhưng đáp ứng đủ nhu cầu ăn uống của một người/ngày. Mọi người cũng có thể chọn 1 kg gạo, 1 túi muối hoặc 2 gói mì tôm, trứng và xúc xích tuỳ điều kiện.

Người nghèo Sài Gòn, Hà Nội ấm lòng với ‘ATM gạo’ và những suất ăn miễn phí những ngày cách li xã hội - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Phan Huy Khôi. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Theo anh Khôi, người nghèo đô thị có mấy nhóm, có nhóm từ nông thôn di dân vào thành phố để lao động chân tay, có nhóm thị dân lao động, có nhóm lang thang vô gia cư... Nhiều người còn nghèo hơn, khó sống hơn cả người nghèo ở nông thôn, làng bản. Họ dễ sống nhất, nhưng cũng mong manh nhất, dễ tổn thương nhất, và dễ bị lãng quên nhất.

"Dịch bệnh xảy ra, những người về được với ruộng vườn thì đã về rồi, còn có những người không thể về, không có chỗ về, họ đang và sẽ sống thế nào nếu dịch dã cứ kéo dài mãi thế", anh Khôi nói trên báo Thanh niên.

Không chỉ là những món quà chia sẻ khó khăn với người nghèo đô thị. Thông qua chương trình, anh Khôi còn muốn gửi đi thông điệp hãy san sẻ yêu thương với người nghèo, chung tay chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.