Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Đừng để công sức chống dịch đổ sông đổ bể'

"Gần đây, nhiều người vui mừng chia sẻ thông tin về việc trong vài buổi sáng liên tiếp không có ca nhiễm mới. Tôi nghĩ vui mừng vì không có ca nhiễm thì đúng, nhưng điều đó chưa nói lên được gì", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

Trao đổi với Zing trong những ngày dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại thành công trong giai đoạn 1 khi Việt Nam chủ động hành động sớm và quyết liệt, đưa ra các quyết định khác mọi thông lệ.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, dịch Covid-19 diễn biết gay go hơn gấp nhiều lần, nếu làm không tốt, dịch sẽ bùng phát trong cộng đồng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Đừng để công sức chống dịch đổ sông đổ bể' - Ảnh 1.

- Thưa Bộ trưởng, trong giai đoạn 1, Thủ tướng quán triệt “vừa chống dịch, vừa ổn định kinh tế”. Với những diễn biến khó lường, phức tạp của đại dịch này, Chính phủ đã điều chỉnh kịch bản thế nào?

- Trong chỉ đạo xuyên suốt, Thủ tướng luôn nói chúng ta phải phấn đấu đạt mục tiêu kép, đó là vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội. Đây đều là các vấn đề rất quan trọng.

Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ trì xây dựng các kịch bản kinh tế trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19. Tại phiên họp tháng 2/2020, Bộ KH&ĐT đã báo cáo với Thủ tướng và Chính phủ các kịch bản này. Theo đó, nếu dịch Covid-19 được dập tắt trong quý I/2020 thì GDP giữ được mức tăng trưởng 5,38%. Nếu dập trong quý II thì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp, còn 5,05%.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Đừng để công sức chống dịch đổ sông đổ bể' - Ảnh 2.

Nhưng với tình hình này, có lẽ chúng ta phải rà soát, xem xét lại các kịch bản vì thực tế cho thấy cấp độ lây lan và tác động của dịch đã khác 2 tháng trước rất nhiều rồi. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, dừng hoạt động. Nếu tình trạng này kéo dài thì tỷ lệ doanh nghiệp phá sản rất lớn.

Theo báo cáo của Đại học Kinh tế quốc dân, nếu dịch trong tháng 4 có thể cầm cự, chấm dứt được thì số doanh nghiệp phá sản chiếm khoảng 6%, số doanh nghiệp ngừng sản xuất chiếm khoảng 32%. Nghĩa là sẽ có rất nhiều lao động mất việc, thiếu việc, giảm việc làm, tạo ra khó khăn cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Còn trong chỉ đạo, Thủ tướng luôn nhắc chủ trương “chống dịch như chống giặc” nên vấn đề điều hành, thi hành công việc ở các cấp, các ngành phải tạo ra sự thay đổi về tư duy và cách làm bằng các hành động quyết liệt.

Như vậy, vừa chống dịch vừa phải chống sự trì trệ trong các cơ quan hành chính Nhà nước, khi giải quyết các công việc phải làm nghiêm, linh hoạt, làm nhanh “như thời chiến”, không để nhiệm vụ nợ đọng.

- Chưa thời kỳ nào Thường trực Chính phủ lại họp nhiều như vừa qua, chủ yếu bàn các giải pháp, biện pháp chống dịch. Điều này mang ý nghĩa thế nào trong chỉ đạo, điều hành, thưa Bộ trưởng?

- Kể từ giai đoạn xuất hiện dịch Covid-19 ở Việt Nam, Thủ tướng đưa ra một chỉ đạo chung là 2 ngày Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch sẽ họp 1 lần, còn 1 tuần Thường trực Chính phủ họp sẽ họp với Ban chỉ đạo, các bộ, ngành và nối trực tuyến đến đầu cầu Hà Nội, TP.HCM 2 lần.

Có thể nói, thời gian qua, Thường trực Chính phủ và Thủ tướng cơ bản dành phần lớn để tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Ngoài nội dung cốt lõi này, các cuộc họp của Thường trực Chính phủ còn bàn về các giải pháp ứng phó, xử lý với các tình huống trong từng thời điểm.

Ví dụ, thời điểm nào cần khép lại đường mòn, lối mở liên quan đến các đường biên giới; thời điểm nào cần khép lại cửa khẩu chính của biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia; thời điểm nào dừng nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam; các biện pháp cách li cần được tổ chức thế nào…

Tức là trên cơ sở diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thường trực Chính phủ sẽ theo sát và đưa ra giải pháp phù hợp, có chỉ đạo kịp thời.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng dành thời gian đi kiểm tra thực địa việc triển khai phòng chống dịch của các cơ quan.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế xây dựng, báo cáo các kịch bản để Thủ tướng nắm chắc tình hình, khi có diễn biến phức tạp thì đưa ra ứng phó, xử lý kịp thời.

Có thể nói, rất nhiều vấn đề giai đoạn này được đặt lên bàn Thủ tướng. Đây là trách nhiệm nặng nề và quyết định quan trọng của người đứng đầu Chính phủ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Đừng để công sức chống dịch đổ sông đổ bể' - Ảnh 3.

- Gần đây bắt đầu xuất hiện biểu hiện chủ quan, lơ là khi người dân ra đường đông hơn, có tình trạng không tuân thủ giãn cách xã hội, tụ tập nhậu nhẹt. Trong khi người đứng đầu Chính phủ rất tâm huyết và kỳ vọng vào giải pháp này, ông chia sẻ gì về thực trạng nêu trên?

- Ngày 27/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 15. Chỉ sau 4 ngày, ông ban hành Chỉ thị 16 với cấp độ cao hơn.

Khi đó, Chính phủ nhận định tình dịch trên toàn cầu rất phức tạp, nhiều nước có số ca nhiễm tăng vọt, số ca tử vong cũng rất lớn. Vì vậy, Thủ tướng đã đưa ra chỉ đạo mạnh mẽ trong Chỉ thị 16.

Trước hết là vấn đề về cách li xã hội. Đây là giải pháp căn cơ, rất quan trọng, làm sao giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu (chứ không phải khuyến cáo) người dân phải ở nhà nếu không có việc thật sự cần thiết. Tất cả cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2 m... Đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Đừng để công sức chống dịch đổ sông đổ bể' - Ảnh 4.

Trong khi chúng ta chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức áp dụng các biện pháp thiết quân luật hay phong tỏa, thì làm tốt cách li xã hội thì sẽ ngăn được Covid-19 lan ra cộng đồng và lây chéo. Khi đó, ta có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới để xử lý, khoanh vùng luôn.

Đây là giải pháp được nhân dân và chính quyền các cấp ủng hộ, thực hiện tốt. Nhiều địa phương vào cuộc mạnh, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, căn cơ như lập chốt kiểm tra thân nhiệt, test nhanh, rà soát các đối tượng nhập cảnh vào chưa khai báo.

Nhưng một số nơi trong thời điểm nào đó còn chủ quan, người dân còn lơ là, coi thường việc đó, ví dụ việc tổ chức hành lễ gồm hàng trăm bà con giáo dân ở Hà Tĩnh, việc chen lấn nhau đi lễ chùa, rồi xếp hàng vào nhà máy như đi hội… Những việc này rất nguy hiểm, nếu để xảy ra giống các nước thì ta không thể bảo toàn tính mạng người dân.

Gần đây, nhiều người vui mừng chia sẻ thông tin về việc trong vài buổi sáng liên tiếp không có ca nhiễm mới. Tôi nghĩ vui mừng vì không có ca nhiễm thì đúng, nhưng điều đó chưa nói lên được gì. Thậm chí nhiều người dân đọc những thông tin đó lại cho rằng đã an toàn rồi, bắt đầu lại ra đường tụ tập, như thế rất nguy hiểm.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Đừng để công sức chống dịch đổ sông đổ bể' - Ảnh 5.

Nhiều phản ánh cho thấy người dân bắt đầu chủ quan khi thấy ít ca nhiễm xuất hiện. Nhưng như Thủ tướng đã nhiều lần nói rồi, không được chủ quan, đừng để công sức chống dịch đổ sông đổ bể.

- Cách li xã hội là giải pháp chưa có tiền lệ, có thể hiểu tâm lý người dân khá bí bách. Với bản thân Bộ trưởng, ông thay đổi sinh hoạt và làm việc thế nào trong giai đoạn này?

- Không riêng gì tôi, tất cả cán bộ công nhân viên chức của Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đều có thay đổi về cả tư tưởng, quyết tâm và cách làm trong lúc này, xác định tâm thế vừa phòng dịch, vừa hoàn thành công việc.

Giai đoạn này là thách thức nhưng cũng là cơ hội, cho mỗi người thời gian ngồi tĩnh lại để xem xét, đánh giá công việc.

Bản thân tôi thấy cách li xã hội không bí bách gì, mà coi đó là cơ hội để thay đổi. Phải quan niệm rằng cách li xã hội chỉ là thay đổi cách làm, chứ đừng tư duy cách li xã hội là nghỉ việc.

Chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ cũng gặp nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực với người đứng đầu Chính phủ.

Nhưng Chính phủ luôn nhất quán quan điểm không có gì quan trọng hơn sức khỏe, tính mạng của người dân. Khi còn có sức khỏe ta còn làm ra của cải, nếu để ảnh hưởng sức khỏe, không giữ được tính mạng việc gì cũng không thành công.

Thủ tướng ngay từ rất sớm đã đưa ra những chỉ đạo rất quyết liệt, nhận diện dịch mức độ rất nguy cấp, phức tạp, làm không tốt sẽ tạo ra thiệt hại vô cùng lớn. Ngoài thiệt hại về kinh tế còn thiệt hại về tính mạng, sức khỏe người dân, mà đây là thiệt hại không thể nào bù đắp được.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Đừng để công sức chống dịch đổ sông đổ bể' - Ảnh 6.

- Với diễn biến dịch như hiện nay, kể cả khi chúng ta làm tốt việc cách li xã hội thì cũng phải chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm thứ 2 từ bên ngoài. Vậy Chính phủ đã thảo luận, bàn bạc những định hướng, giải pháp gì?

- Trong từng thời điểm, Chính phủ luôn các có kịch bản, đặc biệt để chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Ví dụ, trong giai đoạn cao điểm, chúng ta đã tuyên bố dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, dừng các chuyến bay đến các nước có dịch, yêu cầu tất cả người nước ngoài về Việt Nam và người Việt ở nước ngoài về nước đều phải cách li. Đây là sự chuẩn bị hết sức quan trọng bởi ta xác định nếu không cắt được nguồn lây nhiễm từ ngoài vào thì không thể kiểm soát được dịch.

Cùng với đó, chúng ta xem xét tất cả vấn đề liên quan đến các trường hợp lây nhiễm mới, truy tìm nguồn gốc F0, xác minh F1, F2 để cách li tập trung và cách li tại nhà.

Và đến nay, với diễn biến dịch phức tạp, tất cả các trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam để du lịch và làm việc mà ta chưa kiểm soát được thì phải tiếp tục “rà từng ngõ, gõ từng nhà” để xác định.

Giai đoạn vừa qua, chúng ta đạt được thắng lợi bước đầu vì ta huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ các cấp ủy đảng đến MTTQ Việt Nam, đoàn thể và các cấp chính quyền. Cùng với đó là người dân rất đồng thuận, tin tưởng vào chỉ đạo và giải pháp quyết liệt, phù hợp với thực tiễn của Chính phủ.

Bo truong Mai Tien Dung: 'Dung de cong suc chong dich do song do be' hinh anh 2 Gallery_desk.jpg

- Dịch bệnh thời gian qua khiến cuộc sống người lao động rất khó khăn, nhiều người dân không đủ mức sống tối thiểu. Chính phủ đã trình gói an sinh lớn chưa từng có lên tới 62.000 tỷ đồng. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, gói an sinh sẽ triển khai thế nào?

- Song song với đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kiên trì để thành công trong mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng vẫn khẳng định ta chấp nhận thiệt hại kinh tế trong một giai đoạn ngắn để lấy lại đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho người dân.

Rất nhiều vấn đề được đặt lên vai của người đứng đầu Chính phủ trong giai đoạn này.

Khi chúng ta vẫn đang phòng chống, dịch, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thì mặt khác, nội bộ Chính phủ đã bàn, thống nhất cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị và các cấp có thẩm quyền để đưa ra các gói hỗ trợ trước mắt cho nhiều nhóm đối tượng khó khăn với trị giá khoảng 62.000 tỷ.

Những đối tượng của gói hỗ trợ là người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, người mất việc, thiếu việc với các mức từ 500.000 đồng đến 1,8 triệu đồng.

Chính phủ cũng sẽ đồng thời báo cáo xin chủ trương Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì công bố ngay.

Gói an sinh xã hội này rất quan trọng, giúp người dân giảm thiểu khó khăn vì dịch bệnh, hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp sử dụng lao động như cho vay không lãi suất. Trong khi hàng loạt vấn đề về giãn, hoãn thuế, hạ lãi suất tiền vay, khoanh nợ, giãn nợ… đang được xem xét thì gói an sinh này rất quan trọng.

Nhưng tinh thần là tiền sẽ được phân bổ, hỗ trợ đến người dân nhanh nhất với tinh thần phải rõ ràng, công khai, minh bạch, trao đến tận tay người dân, không để tham nhũng, lợi dụng hay trục lợi chính sách.

Trong việc này, Chính phủ không đặt vấn đề huy động vốn từ bên ngoài, mà tấm lòng hảo tâm của các cá nhân, đơn vị sẽ được tiếp nhận qua đầu mối Ủy ban MTTQ Việt Nam. Số tiền này sẽ dùng để mua sắm trang thiết bị y tế, hỗ trợ cho công tác chống dịch.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Đừng để công sức chống dịch đổ sông đổ bể' - Ảnh 7.

- Như ông nói, đây cũng là cơ hội để thay đổi cách làm việc truyền thống. Vậy những ứng dụng như Chính phủ điện tử, gửi nhận văn bản điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn này?

- Đây đúng là dịp để thay đổi cách làm việc, là cơ hội để áp dụng khoa học thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển dịch vụ công, Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Đừng để công sức chống dịch đổ sông đổ bể' - Ảnh 8.

Với các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị nào ứng dụng tốt thì giai đoạn này làm việc ở nhà bình thường, không ảnh hưởng gì đến công việc. Còn đơn vị chỉ dùng cách làm truyền thống thì cho cán bộ làm việc ở nhà coi như cơ quan ngừng hoạt động.

Việc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước và cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Đặc biệt, mang lại ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn chúng ta đang quyết liệt “cách li xã hội” để hạn chế tổn thất nhưng vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, cá nhân, tổ chức có thể “ở tại nhà” thực hiện các dịch vụ công thiết yếu như: Đăng ký khai sinh, nộp phạt vi phạm giao thông, nộp lệ phí trước bạ ôtô xe máy, nộp thuế doanh nghiệp, cá nhân… Điều này, ngoài việc giảm chi phí, thời gian, còn góp phần hạn chế việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp của người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.

Tính đến ngày 6/4, đã có trên 111.000 tài khoản, trên 28,5 triệu lượt truy cập, trên 4,4 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và trên 24.606 hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng cũng tiếp nhận hỗ trợ trên 8.254 cuộc gọi; trên 4.916 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sau một năm triển khai gửi nhận văn bản điện tử đã có 1,6 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương.

Điều này, không những giúp thay đổi phương thức làm việc, giảm thiểu văn bản giấy, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, còn góp phần hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm virus thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với văn bản giấy.

Hoài Thu thực hiện

Ảnh: Hoàng Hà - Đồ họa: Hà My

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.