Cụ thể, chuyến bay VN1262 của hãng Vietnam Airlines cất cánh rời TP HCM lúc 6h40 để đến Vinh.
Sau khoảng 40 phút, hành khách có tên N.T.H. tại có dấu hiệu chảy máu tại vết thương sau phẫu thuật thẩm mĩ ở ngực trái và đã chủ động liên hệ các tiếp viên để xin bông, gạc nhằm cầm máu.
Sau khi tiếp nhận thông tin về tình trạng sức khoẻ của nữ hành khách, tiếp viên trưởng đã phát thanh đề nghị hỗ trợ y tế từ các hành khách trên chuyến bay và nhận được sự giúp đỡ của một y sĩ đông y.
Máy bay Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn cấp vì trường hợp của nữ hành khách. (Ảnh: VTC).
Tuy vậy, do chênh lệch áp suất lớn nên y sĩ không thể cầm máu cho nữ hành khách. Nhận thấy tình hình có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của hành khách, cơ trưởng chuyến bay đã quyết định cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng và thông báo với bộ phận mặt đất để kịp thời cấp cứu.
Tại sân bay Đà Nẵng, bộ phận y tế của sân bay đã chuẩn bị xe cứu thương, đón hành khách N.T.H. và hỗ trợ đưa đến Bệnh viện Hoàn mĩ.
Câu chuyện một số nữ hành khách gặp vấn đề với vòng 1 phẫu thuật thẩm mĩ khi đi máy bay như trường hợp của chị N.T.H. không phải hiếm
Gần đây nhất, vào cuối tháng 10/2018, ca sĩ Mai Tường Vy (nghệ danh Ivy Trần, 38 tuổi) cũng rơi vào trường hợp tương tự khi vỡ túi ngực trên máy bay.
Sau khi kết thúc chuyến lưu diễn và đang trên chuyến máy bay từ Đài Loan về Việt Nam, nữ ca sĩ cảm thấy ngực trái có những âm thanh lạ giống như vỡ ra và sưng to gây đau đớn.
Tuy vậy, do không thấy có hiện tưởng chảy máu, chảy dịch và cho rằng những âm thanh lạ trên có thể do áp suất trong máy bay, nên khi về nhà, nữ ca sĩ không thăm khám.
Sau vài ngày, vòng một của cô ngày càng sưng lớn và đến khi không thể chịu được, cô mới đến bệnh viện cấp cứu.
Không chỉ "dở khóc dở cười" bởi túi ngực, không ít nữ du khách còn gặp những "tai nạn" khác như bị hải quan sân bay giữ lại vì quá khác biệt so với ảnh trên giấy tờ tùy thân.
Đó là câu chuyện thật của một tài khoản Facebook có tên N.M.N. Vào tháng 9/2018, cô đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội và nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng.
Hình ảnh khác biệt của N.M.N trên hộ chiếu và thực tế. (Ảnh: FB/N.M.N)
Tài khoản N.M.N. cho biết, gương mặt sau phẫu thuật mũi quá khác biệt so với ảnh trong hộ chiếu nên chị đã gặp khó khăn trong việc nhập cảnh Hàn Quốc. (Ảnh: FB/N.M.N).
"Cả nhà cho em hỏi tí. Đã có nàng nào phẫu thuật thẩm mĩ mũi mà xuất cảnh bên hải quan Việt Nam không cho qua không ạ? Hôm qua tí thì nghỉ đi Hàn nhé. May quá! Xuất cảnh, nhập cảnh và hạ cánh an toàn.
Chỉ vì thẩm mĩ cái mũi mà bên xuất nhập cảnh không chấp nhận hộ chiếu cũ của mình với lí do là mũi đã khác so với ảnh. Phải vào phòng kiểm tra và viết giấy tường trình, cam kết là đúng 1 người và lần sau phải làm lại hộ chiếu. Có ai gặp trường hợp như thế này chưa ạ?"
Vào tháng 1/2018, kênh Nextshark cũng đưa tin về một trường hợp tương tự chị N.M.M. Cụ thể, nữ du khách họ Trương 28 tuổi người Trung Quốc bị nhân viên an ninh sân bay không cho lên máy bay vì gương mặt cô khác hoàn toàn so với ảnh trong hộ chiếu.
Chính vì thế, nhân viên an ninh sân bay đã yêu cầu nữ hành khách tới đồn cảnh sát để xác minh danh tính của mình.
Sau 4 tiếng xác minh, cô Trương lỡ chuyến bay từ Thành Đô và buộc phải hủy chuyến. Vị khách này cuối cùng phải đi tàu hỏa về Thượng Hải.
Liên quan đến hiện tượng "nổ túi ngực" khi đi máy bay, TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mĩ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã chia sẻ với phóng viên tờ Tri Thức Trực Tuyến cho biết:
Túi ngực silicone rất khó bị vỡ, chảy dịch. (Ảnh: benhvienaau).
Áp suất khí quyển bình thường và áp suất trong khoang hành khách khoảng 760 mmHg tương đương với áp suất ở mặt đất. Khi thay đổi độ cao đột ngột, áp suất bên ngoài thay đổi nhưng trong máy bay áp suất sẽ giữ nguyên, trừ trường hợp vào vùng không khí loãng, máy bay rơi tự do sẽ gây ra chênh lệch áp suất, dẫn đến chảy máu mũi, khó thở…
"Với áp suất trong khoang máy bay như ở dưới mặt đất không thể xảy ra hiện tượng "nổ" túi ngực. Ngoài ra, độ bền của túi là rất cao có thể đặt túi dưới đất ôtô đi qua không hề vỡ", TS.BS khẳng định.
Túi ngực thường bị rách trong trường hợp để lâu trong ngực, có thể do co bao xơ của cơ thể bóp và làm biến dạng mặt túi, tạo ra các nếp gấp. Sau đó, các nếp gấp sẽ bị hằn sâu và có thể rách, gây thoát dịch silicone gel từ trong túi ra ngoài. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rách túi nâng ngực do vật nhọn đâm hoặc do sinh thiết ngực."
Một bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ nổi tiếng tại Hoa Kỳ - ông Robert Morin cũng đã kiểm chứng được sức bền của túi ngực trên trang Howcast.com.
Bác sĩ Robert Morin đã kiểm chứng độ bền của túi độn ngực. (Video: Howcast/Việt hóa: J.D).
Tuy vậy, không có gì bền bỉ mãi mãi và không điều gì không thể xảy ra.
Qua thời gian, chất liệu cấu thành nên túi ngực sẽ bị thoái hóa khiến silicone bên trong rỉ ra ngoài. Và tùy vào chất lượng, chất liệu của túi mà thời gian "khấu hao" này sẽ khác nhau, có thể từ 5 - trên 10 năm.
Giải quyết hệ quả của việc phẫu thuật thẩm mĩ như thế nào?
Để giảm thiểu tối đa rủi ro cho những nữ hành khách phẫu thuật vòng 1, bác sĩ Huy (thẩm mĩ viện Sài Gòn Venus) cho biết, sau khi phẫu thuật, các nữ hành khách phải tuyệt đối tuân thủ các chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không được đi máy bay trong một tuần phẫu thuật.
Đồng quan điểm, bệnh viện Thẩm mĩ Hàn Quốc cũng cho biết, các chị em sau khi nâng ngực, phải kiêng đi máy bay khoảng 1-2 tuần đầu vì khoảng thời gian này ngực chưa ổn định nên không phù hợp cho sự thay đổi áp suất không khí.
Jeffrey Zwiren - bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ tại Prima Center (Hoa Kỳ) cho biết, phụ nữ sau khi nâng ngực cần đến các trung tâm thẩm mĩ để kiểm tra định kì bằng các công nghệ như MRI (chụp cắt lớp bằng X-quang), siêu âm để biết được thời hạn sử dụng của túi ngực.
TS.BS Nguyễn Huy Thọ cũng thông tin trên tờ Tri Thức Trực Tuyến, cho biết để đảm bảo sức khỏe, phụ nữ sau khi thẩm mĩ nên kiểm tra vòng 1 định kì để tránh những rủi ro không đáng có.
Còn về trường hợp bị từ chối nhập cảnh gương mặt sau phẫu thuật quá khác biệt so với giấy tờ tùy thân, hành khách nên khắc phục bằng cách chủ động làm lại giấy tờ tùy thân với bức ảnh chân dung được chụp mới nhất hoặc đến cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xin xác minh danh tính.